Sáng nay, 2/11/2016, Câu lạc bộ Vietstamp đã có công văn số 294 gửi Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Hội Tem Việt Nam kiến nghị về tem bưu chính Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Toàn cảnh mặt chính diện đảo Trường Sa lớn nhìn từ phía cầu cảng. (Ảnh minh họa)
Công văn nêu rõ: Ngày 28/10/2016, Bưu chính Trung Quốc phát hành bộ tem bưu chính gồm 5 mẫu tem mang tên “Trung Quốc Hải đăng” (Đèn biển Trung quốc) thể hiện hình ảnh 5 công trình đèn biển do Trung Quốc xây dựng trái phép trên 5 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 và năm 1995).
Các mẫu tem cụ thể gồm: Mẫu tem 5-1, giá mặt 1,2 tệ: Thể hiện hình ảnh công trình đèn biển do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Châu Viên (Tên quốc tế: Cuarteron Reef, Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 và gọi là: Hoa Dương Tiêu/Huayang Jiao).
Mẫu tem 5-2, giá mặt 1,2 tệ: Thể hiện hình ảnh công trình đèn biển do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Gạc Ma (Tên quốc tế: Johnson South Reef, Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 và gọi là: Xích Qua Tiêu/Chigua Jiao).
Mẫu tem 5-3, giá mặt 1,2 tệ: Thể hiện hình ảnh công trình đèn biển do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Xu Bi (Tên quốc tế: Subi Reef, Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 và gọi là: Chử Bích Tiêu/Zhubi Dao).
Mẫu tem 5-4, giá mặt 1,5 tệ: Thể hiện hình ảnh công trình đèn biển do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập (Tên quốc tế: Fiery Cross Reef, Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 và gọi là: Vĩnh Thử Tiêu/Yongshu Jiao).
Mẫu tem 5-5, giá mặt 1,5 tệ: Thể hiện hình ảnh công trình đèn biển do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn (Tên quốc tế: Mischief Reef, Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1995 và gọi là: Mỹ Tế Tiêu/Meiji Jiao).
“Hành động này của Bưu chính Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Bưu chính Trung Quốc đã mượn cớ phát hành tem bưu chính về đèn biển để tuyên truyền rộng rãi cho cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” đối với những bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhằm đánh lừa dư luận trong và ngoài nước về hành động phi pháp của mình”, ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vietstamp nhấn mạnh.
Đây là lần thứ ba Bưu chính Trung Quốc phát hành tem bưu chính vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước đó, năm 2004 họ đã phát hành bộ tem “Phong cảnh biên giới Trung Quốc”, trong đó có 1 mẫu tem thể hiện hình ảnh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là “quần đảo Tây Sa”. Và năm 2013, họ đã phát hành bộ tem phổ thông “Trung Quốc xinh đẹp”, trong đó có 1 mẫu tem thể hiện hình ảnh một nhóm đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là “Tam Sa Thất Liên Dữ”.
Ngay sau khi Bưu chính Trung Quốc phát hành mẫu tem vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa năm 2013, Cơ quan Bưu chính Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động sai trái này của Bưu chính Trung Quốc và yêu cầu Bưu chính Trung Quốc tôn trọng sự thật, hủy ngay mẫu tem, phong bì và bưu ảnh in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, không để tái diễn hành động tương tự, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa hai ngành Bưu chính nói riêng và hai nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung.
Thế nhưng, Bưu chính Trung Quốc vẫn ngoan cố, không tôn trọng sự thật là Việt Nam có đầy đủ cơ sở và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiếp tục có hành động sai trái qua việc phát hành bộ tem “Trung Quốc Hải đăng” vào ngày 28/10/2016 vừa qua.
Trong Công văn số 294, Câu lạc bộ Viet Stamp đề nghị Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam xem xét, chính thức có ý kiến kịch liệt phản đối Bưu chính Trung Quốc, Hội Tem Trung Quốc về hành động phát hành và lưu hành tem bưu chính vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Bên cạnh đó, thể theo nguyện vọng của đông đảo người sưu tập tem Việt Nam trong và ngoài nước, Câu lạc bộ Viet Stamp đề nghị Bộ TT&TT xem xét, quyết định phát hành một bộ tem phổ thông thể hiện hình ảnh bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu nước, yêu biển đảo với đông đảo công chúng; khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam với thế giới thông qua tem bưu chính.