Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến lược của Mỹ bị chọc thủng bởi bành trướng của TQ...

Chiến lược của Mỹ bị chọc thủng bởi bành trướng của TQ trên Biển Đông

Không ai muốn Mỹ phải rời khỏi khu vực, nhường sân cho Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang sử dụng các đòn bẩy kinh tế, vị trí địa chính trị…

Đại sứ lưu động Singapore Bilahari Kausikan, ảnh: mothership.sg.

The New York Times ngày 3/11 có bài bình luận: Thỏa thuận của Philippines với Trung Quốc chọc thủng chiến lược của Hoa Kỳ.

Hai lỗ thủng chiến lược

Tờ báo đánh giá:

“Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ và các đồng minh đã phải vật lộn để chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, ngay cả khi Bắc Kinh liên tục bồi lấp các đảo nhân tạo và quân sự hóa.

Nhưng giờ đây Philippines đã bất ngờ thay đổi các tính toán. Việc Manila thuyết phục Bắc Kinh để ngư dân của mình đánh bắt ở bãi cạn Scarborough thiết lập một tiền lệ đáng lo ngại đối với Hoa Kỳ.

Hy vọng của Washington sử dụng liên minh khu vực để bảo vệ vị thế của Mỹ là lực lượng thống trị ở Thái Bình Dương đang bị đe dọa.

Điều gì đã khiến một mặt trận đoàn kết chống yêu sách bành trướng của Trung Quốc trải dài từ Nhật Bản đến Malaysia, giờ đây lại trống toang hoang một góc Đông Nam, đó là Philippines, và có thể sẽ sớm thêm góc Tây Nam là Malaysia?

Trong cả hai trường hợp, sự oán giận chứ không phải sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề không liên quan, đó là chiến dịch chống ma túy của tân Tổng thống Philippines và vụ bê bối tài chính được cho là liên quan đến Thủ tướng Malaysia, có thể đã góp phần vào sự thay đổi.

Bilahari Kausikan, Đại sứ lưu động và là cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore bình luận:

“Không ai muốn Mỹ phải rời khỏi khu vực, nhường sân cho Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc đang sử dụng các đòn bẩy kinh tế, vị trí địa chính trị và sự thiếu quan tâm các vấn đề về quyền con người để cố gắng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực.

Khu vực này là nơi nền chính trị thay đổi thất thường của Hoa Kỳ đang bị đơ.”

Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines trở nên rõ ràng hơn trong tuần qua với thông tin Bắc Kinh để ngư dân Philippines hoạt động đánh bắt ở Scarborough mà không sách nhiễu, đe dọa lần đầu tiên trong 4 năm qua.

Cho đến nay đây vẫn là một thỏa thuận ngầm, không có văn bản nào, nhưng có vẻ như đang cung cấp những gì cả hai bên mong muốn, từng bước vượt qua những vấn đề gây tranh cãi.

Trung Quốc không từ bỏ tuyên bố chủ quyền với Scarborough, và Philippines cũng không thừa nhận tuyên bố này của Trung Quốc. Nhưng mối quan tâm chính của Philippines ở khu vực này là cá, và họ đã nhận được một sự thỏa hiệp.

Với Trung Quốc, sự thỏa hiệp không chỉ kéo một đồng minh quan trọng của Mỹ khỏi vòng tay Washington, mà trên thực tế còn góp phần âm thầm thực thi một phần nội dung Phán quyết Trọng tài 12/7.

Luật sư trưởng đại diện Philippines trong vụ kiện Trung Quốc (ra Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982), Paul S. Reichler nhận xét:

“Trung Quốc đã bất ngờ quyết định hành động theo cách này, trong thực tế phù hợp với một khía cạnh của phán quyết. Đó là một diễn biến đáng hoan nghênh.”

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken nói rằng, ông đã đọc được báo cáo về việc này. Đó là một sự phát triển tích cực, vì nó cho thấy Trung Quốc hành động nhất quán với Phán quyết Trọng tài.

Ngay cả trong trường hợp động thái này báo trước một sự mất mát chiến lược tiềm năng, thỏa thuận này vẫn giúp Mỹ đạt được mục tiêu tìm kiếm bấy lâu: tháo ngòi nổ, giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Đại sứ Singapore thì nhận xét, thỏa thuận đạt được trong thời gian ngắn như vậy là ví dụ rõ ràng cho thấy, ông Rodrigo Duterte là nhân vật chính trị sắc sảo.

Quan hệ giữa ông Duterte với Trung Quốc có thể đi được bao xa, kéo dài bao lâu và có theo kịp các mối đe dọa của ông chống lại Hoa Kỳ hay không, vẫn còn là câu hỏi mở.

Tuần tới họp Nội các, ông Duterte sẽ nghe báo cáo của Bộ Quốc phòng Philippines về việc có nên tiếp tục cho Hoa Kỳ truy cập 5 căn cứ quân sự của nước mình hay không, trong đó có một căn cứ ở Palawan, gần Scarborough.”

Chiến lược của Hoa Kỳ bị chọc thủng, hay Mỹ tự làm thủng?

Người viết cho rằng, sở dĩ có quan điểm cho là chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông bị “chọc thủng” như bình luận của The New York Times là vì, chiến lược mang danh chống yêu sách bành trướng của Trung Quốc, nhưng thực tế Mỹ đã làm rất ít để thực hiện điều này.

Điển hình là vụ để Trung Quốc ung dung chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ đồng minh hiệp ước của mình năm 2012.

Năm 2013 Trung Quốc lại tiếp tục ồ ạt bồi lấp đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), cũng là khu vực Philippines và một số nước khác yêu sách. Mỹ cũng chẳng làm được gì hơn.

Khi Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông và giành chiến thắng với Phán quyết Trọng tài hôm 12/7, cũng chính Hoa Kỳ kiềm chế phản ứng của Philippines và các nước liên quan với Trung Quốc.

Giờ đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken cũng thừa nhận, thỏa thuận đánh bắt cá ở Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc giúp Mỹ đạt được mục tiêu bấy lâu mà không làm cách nào đạt được: tháo ngòi nổ xung đột.

Như vậy có thể thấy, đối với giới hoạch định chính sách của Nhà Trắng thì những diễn biến trên Biển Đông đang diễn ra theo đúng kịch bản của họ mới phải.

Cho rằng chiến lược của Mỹ ở Biển Đông bị “chọc thủng hai góc” phải chăng chỉ là suy đoán của người ngoài cuộc?

Bởi vậy, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào cần phải xem thái độ, hành động và lựa chọn chiến lược tiếp theo của Washington ra sao, hậu bầu cử.

Chứ không phải theo dõi ông Rodrigo Duterte hay ông Najib Razak. Tất nhiên không thể loại trừ nhân tố quan trọng nhất là Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ làm gì tiếp theo?

Theo cá nhân người viết, Rodrigo Duterte đã tạm khóa nòng súng Bắc Kinh ở Biển Đông, thì khả năng tiếp theo rất có thể là điểm khởi đầu của Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 mà ông Tập Cận Bình vẫn nhắc, sẽ manh nha xuất hiện ở Biển Đông thời gian tới.

Và quan trọng hơn, cách tiếp cận của ông Rodrigo Duterte hay Najib Razak sẽ khiến Trung Quốc mất đi cái cớ gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước láng giềng ven Biển Đông.

Ví dụ như cho tàu hải cảnh hộ tống tàu cá công khai xâm phạm, đánh bắt bất hợp pháp gần bờ biển các nước này như họ đã làm với Malaysia, Indonesia.

Và như vậy là cho dù ngoài miệng vẫn phản đối, nhưng hành động thực tế của Trung Quốc là “ngày càng phù hợp” với Phán quyết Trọng tài. Có lẽ đây là cách khả dĩ nhất để thực thi phán quyết trong thực tế, vô hiệu hóa đường lưỡi bò trong thực tế.

Còn Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, các bên liên quan cần có sự nghiên cứu và chuẩn bị thấu đáo, làm sao bảo lưu được chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình không bị tổn hại bằng bất kỳ hình thức “mềm” nào, mà vẫn duy trì được hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. 

Đây thực sự là một bài toán mới đang đặt ra hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới