Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngNgư dân Philippines có được đánh bắt sát vùng bãi cạn Scarborough...

Ngư dân Philippines có được đánh bắt sát vùng bãi cạn Scarborough đâu!

Giữa sự hồ hởi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cảnh ngư dân Philippines vui mừng khoe hải sản vừa đánh bắt được, các hình ảnh mới chụp qua vệ tinh cho thấy ngư dân Philippines không hề được tiếp cận bãi cạn Scarborough.

Ngư dân Philippines đang hồ hởi khi được quay lại bãi cạn Scarborough để đánh bắt

Tổng thống Duterte đã tỏ ra không thể hồ hởi hơn trước tin tức dân của ông nay đã được quay lại bãi cạn Scarborough mà đánh bắt. Suốt 4 năm qua, kể từ ngày Trung Quốc chiếm bãi cạn nằm rất gần đất liền Philippines này, ngư dân Philippines bị tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi khỏi vùng biển quanh Scarborough.

Đưa ngư dân quay lại Scarborough được coi là một trong những thắng lợi hiển hiện ngay trước mắt của Tổng thống Duterte sau chuyến thăm Trung Quốc hồi giữa tháng 10 vừa qua, cho thấy tiếng nói của ông đã có trọng lượng đáng kể với ông láng giềng khổng lồ.

Cảnh ngư dân cười tươi rói trở về từ vùng biển từng rất quen thuộc, nơi họ gọi là ngư trường truyền thống với cá mực đầy tàu càng như tô đậm “trọng lượng” của ông Duterte.

Nhưng các hình ảnh chụp qua vệ tinh vừa được công bố hôm 1.11 lại cho thấy một sự thật khác.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm 1.11 đã công bố những bức ảnh mới nhất, được chụp hôm 29.10 qua cho thấy một tàu Trung Quốc đứng chặn sừng sững ngay cửa ngõ ra vào bãi cạn Scarborough, không có một tàu cá Philippines nào lọt qua được cửa ngõ này. Hải quân Philippines thì báo cáo tàu Trung Quốc vẫn hiện diện ở xung quanh bãi cạn.

Ngư dân Philippines chỉ được đánh bắt ngoài rìa bãi cạn Scarborough - ảnh 1

Hình chụp bãi cạn Scarborough qua vệ tinh hôm 29.10. Chấm
vàng là tàu Philippines, chấm đỏ là tàu Trung Quốc. Ảnh: CSIS

Điều này cho thấy tàu cá Philippines những ngày qua có lẽ chỉ được tới gần bãi cạn hơn một chút so với mấy tháng qua, tuy nhiên không có chuyện tiếp cận ngư trường ngay sát bãi cạn mà họ từng khai thác trước năm 2012.

Theo nhận định của CSIS thì có lẽ Trung Quốc chỉ nới lỏng một chút nút thắt mà nước này đã xiết chặt nhằm trả đũa Philippines kể từ sau phán quyết Biển Đông hồi tháng 7.2016 của Toà Trọng tài, vốn bác bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Business Insider dẫn phân tích của CSIS cho rằng sự trả lại hiện trạng cũ, nếu có chỉ là hiện trạng trước tháng 7.2016, chứ không có chuyện Trung Quốc trả lại hiện trạng trước 2012, khi ngư dân Philippines có thể ra vào bãi cạn này.

Đây được xem chỉ có thể là một cành ô liu tạm thời mà Trung Quốc chìa ra (và có thể lấy lại bất kỳ lúc nào) trong một kế hoạch lâu dài của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, báo chí Philippines cũng đã chỉ rõ là không hề có một thỏa thuận, văn kiện nào được ký kết giữa Philippines và Trung Quốc trong vấn đề để cho ngư dân Philippines quay lại Scarborough, dù chỉ là tới bớt xa hơn một chút so với trước đây.

Cố vấn an ninh quốc gia của Philippines, ông Hermogenes Esperon đã khẳng định không có sự tồn tại của một thỏa thuận nào bằng văn bản về chuyện đánh bắt ở gần bãi cạn Scarborough, có chăng chỉ là đồng thuận “hữu nghị” không chính thức để cho ngư dân Philippines được đánh bắt ở đây.

Ngư dân Philippines chỉ được đánh bắt ngoài rìa bãi cạn Scarborough - ảnh 2

Tổng thống Philippines Duterte đã mang về nước rất nhiều món quà “khủng” sau chuyến thăm
Bắc Kinh. Trong ảnh là ông Duterte (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS

Không biết khi gặp riêng lãnh đạo Philippines, các quan chức Trung Quốc hứa hẹn gì. Nhưng khi tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Trung Quốc vẫn “điều hành bình thường” ở Scarborough, khẳng định không có bất kỳ một thay đổi nào về mặt chính sách ở đó. “Tình hình không có gì thay đổi và sẽ không thay đổi”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Báo Inquirer dẫn lời chuyên gia Jay Batongbacal, giám đốc Viện hàng hải và luật biển của Đại học Philippines nhận định không có gì đảm bảo rằng ngư dân Philippines lại có thể đánh bắt gần bãi cạn này trong tương lai. “Tình hình có thể thay đổi vào bất kỳ lúc nào do không có một thỏa thuận bằng văn bản nào, không có một giới hạn rõ ràng nào… Chúng ta không hề biết cốt lõi của vấn đề là gì và nó dựa trên khuôn khổ pháp lý nào”.

RELATED ARTICLES

Tin mới