Trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc tại Campuchia, “Đại ca Fu” là một cái tên nổi đình đám. “Đại ca Fu” có tên đầy đủ là Fu Xianting, một cựu quan chức trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tướng mạo thấp đậm, chất giọng ồm ồm và có quan hệ rất tốt với chính giới cấp cao của Campuchia. Rất ít nhà đầu tư nước ngoài nào ở quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé nhưng chiến lược này lại có được những mối quan hệ giá trị như của Fu Xianting.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và “đại ca Fu” Fu Xianting.
Kỳ 1. “Đại ca Fu” là ai?
Trong tất cả các sự kiện mang cấp nhà nước ở Campuchia, Fu Xianting luôn quàng một chiếc khăn đỏ gắn phù hiệu vàng, hàm ý thể hiện mối quan hệ với Hun Sen. Mối quan hệ giữa Fu Xianting và Hun Sen gần gũi tới mức trưởng đội cận vệ của Hun Sen đã gọi “Đại ca Fu” là “người anh em” và cam kết “tạo hành lang thông thoáng cho mọi hoạt động của Fu”. Cũng chính nhờ thế mà Fu Xianting và công ty của ông ta, Unite International, đã giành được dự án biến một trong những vùng biển đẹp nhất của Campuchia thành khu du lịch trị giá 5,7 tỷ USD. Thương vụ này, cùng với rất nhiều thương vụ khác đã và đang diễn ra ở Campuchia, cho thấy thông qua Fu, Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư những khoản tiền lớn, tiến hành các thỏa thuận ngầm và có những bước đi hậu thuẫn từ lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc để mua chuộc dần Phnom Penh, buộc Phnom Penh phải phụ thuộc hoàn toàn vào ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Điều này thể hiện rất rõ trong việc Trung Quốc tìm cách khẳng định quyền lực và chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi một số quốc gia Đông Nam Á khác đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, trong đó Philippines và Việt Nam, Campuchia lại chọn hướng đi khác hẳn, đưa mình thành đối trọng tin cậy nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Quốc gia nhỏ bé chỉ vỏn vẹn 15 triệu dân này đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu đá địa chính trị căng thẳng nhất thế giới hiện nay. Với lá phiếu phủ quyết trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức ngoại giao hàng đầu ở khu vực, Campuchia đang nắm trong tay vũ khí để có thể hành động thay mặt Trung Quốc.
Câu chuyện của “Đại ca Fu” còn cho thấy một khía cạnh khác, đó là cách thức mà các công ty tư nhân của Trung Quốc, với sự hỗ trợ ngoại giao từ Bắc Kinh và nguồn lực tài chính dồi dào từ các ngân hàng nhà nước, đang dồn sức chi phối lĩnh vực thương mại của Campuchia để tạo dựng nên tảng cho các tham vọng chính trị và chiến lược của Trung Quốc. Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan khẳng định: “Nhắc đến tiền, Trung Quốc là số một”. Vị quan chức này nói thêm: “Quyền lực của Trung Quốc ngày càng lớn… chúng tôi chọn Trung Quốc vì các khoản đầu tư của họ không kèm theo các điều kiện”.
Theo cách giải thích của ông Phay Siphan, “một số khoản đầu tư của phương Tây thường đi kèm với các phụ lục”. “(Họ nói rằng) chúng tôi phải có dân chủ tốt, nhân quyền tốt. Tuy nhiên, ở Campuchia, chúng tôi đã trải qua nội chiến và chúng tôi hiểu rằng nếu không có thức ăn lấp đầy dạ dày, anh không thể có nhân quyền”, Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan phân trần khi lý giải tại sao Campuchia thích nhận các khoản đầu tư từ Trung Quốc hơn là từ phương Tây.
Các công ty của Trung Quốc đang được hưởng đối xử ưu đãi đặc biệt từ giới chức lãnh đạo Campuchia, như được cấp những phần đất vượt khung quy phạm pháp luật, được hưởng lợi lớn từ các nghị định của nhà nước và nhận được sự hậu thuẫn chính thức từ chính quyền các cấp trước những cuộc biểu tình phản đối của nông dân mất đất.
Kỳ 2. “Đại ca Fu” xuất hiện từ khi nào?
Phân tích các văn kiện chính thức của Nhà nước Campuchia cho thấy trong một số trường hợp, đích thân cá nhân Hun Sen đã đứng ra bảo lãnh các khoản đầu tư của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo này đã cầm quyền 31 năm trên cả cương vị Thủ tướng và Chỉ huy quân sự tối cao. Trong một báo cáo công bố năm nay, tổ chức Global Witness của Anh cho biết nhà lãnh đạo Campuchia đang cầm trịch một “mạng lưới các giao dịch ngầm mang tính gia đình trị”, cho phép cá nhân ông và gia đình thu gom cổ phần trong các ngành công nghiệp hàng đầu để “bảo vệ pháo đài chính trị của thủ tướng”. Chính phủ Campuchia tất nhiên đã cáo buộc có âm mưu bôi nhọ, và từ chối bình luận về các cáo buộc trên.
Sự trợ giúp cá nhân của ông Hun Sen có ý nghĩa rất quan trọng để giúp “Đại ca Fu”, 67 tuổi, dễ dàng đạt được các mục tiêu đề ra. Trong bức thư hồi tháng 10/2009, đích thân Thủ tướng Hun Sen đề dòng chữ chúc mừng ông Fu “thành công mỹ mãn” trong dự án phát triển khu vực bờ biển rộng 32 km2 có thời hạn 99 năm, mặc dù một phần diện tích thuộc dự án này nằm trong phần đất bảo tồn của công viên quốc gia. Không chỉ thế, Thủ tướng Hun Sen còn thành lập hội đồng đặc biệt với các đại diện đến từ 7 bộ để hỗ trợ công tác thực hiện dự án. Trong bức thư, Thủ tướng Hun Sen viết: “Tôi bày tỏ lời cảm ơn của cá nhân tôi và sự ủng hộ của tôi đối với công ty của ngài về việc thực hiện dự án du lịch này”. Ngày đề trên bức thư cách thời điểm công ty Unite International của “Đại ca Fu” tặng 220 xe máy phân phối lớn cho đội vệ sĩ của Thủ tướng Hun Sen khoảng 9 tháng. Đây là một đơn vị tinh nhuệ với khoảng 3000 quân, được trang bị xe bọc thép, bệ phóng tên lửa và súng trường do Trung Quốc sản xuất, với nhiệm vụ bảo vệ gia đình Thủ thướng Hun Sen. Đây cũng là món quà mới nhất trong hàng loạt món quà hậu hĩnh được “Đại ca Fu” hào phóng tặng cho đơn vị này.
Trên thực tế, Unite Group đã hình thành một “liên minh thương mại – quân sự” với đội cận vệ của Hun Sen từ tháng 4/2010, một sự dàn xếp đặc biệt đối với một công ty nước ngoài đang hoạt động ở Campuchia. Tại buổi lễ ra mắt liên minh, Trung tướng Hing Bunheang, Chỉ huy đội cận vệ và là một trong những tay chân thân cận nhất của Thủ tướng Hun Sen, đã không tiếc lời vàng ngọc ca ngợi “Đại ca Fu”. Trung tướng Hing Bunheang được dẫn lời trên một chương trình lồng tiếng Trung Quốc cho biết “Ngài Fu là người anh em của chúng ta trong rất nhiều năm, người đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Campuchia”. Chỉ huy đội cận vệ nói thêm “Công việc kinh doanh của Ngài Fu cũng là công việc kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tạo ra hành lang an toàn cho tất cả các hoạt động của ông”.
Những sự kiện này đã đánh dấu những thành công trong sự nghiệp kinh doanh của “Đại ca Fu”, người đã có ít nhất 10 năm phục vụ trong quân ngũ trước khi chuyển sang làm quản lý và giám đốc các doanh nghiệp nhà nước. Ông ta khởi đầu các mối quan hệ với giới chức Campuchia từ đầu những năm 1990 khi đứng ra tổ chức triển lãm về máy móc nông nghiệp của Trung Quốc. Khi đó, ông Fu mới chỉ giữ một vị trí quèn trong ủy ban của Hiệp hội Liên lạc thân hữu quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, cơ quan có nhiệm vụ trình báo cáo lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hồ sơ thành tích kinh doanh của Fu ở Trung Quốc chẳng có gì nổi bật, ngoài những giấy tờ ghi nhận ông ta là “đại diện pháp lý cho Tian Yi Hua Sheng Technology ở Bắc Kinh, một công ty chỉ có vốn đăng ký khoảng 2 triệu Nhân dân tệ (tương đương 300.000 USD)”.
Tuy nhiên, ở Phnom Penh, “Đại ca Fu” có lẽ là doanh nhân Trung Quốc thành đạt và có ảnh hưởng lớn nhất, một cố vấn chính thức cho Hun Sen và được nhận rất nhiều giải thưởng danh dự của Nhà nước cũng như Quân đội Campuchia. Mặc dù có lớp vỏ ngoài hoành tráng và các mối quan hệ thân tình với nhà lãnh dạo cao nhất của Campuchia, nhưng những dự án đầu tư của “Đại ca Fu” đang gây rất nhiều tranh cãi.
(Còn tiếp)