Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTương lai nào cho quan hệ chân vạc Mỹ - Nga –...

Tương lai nào cho quan hệ chân vạc Mỹ – Nga – Trung?

Dù Hillary Clinton hay Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, quan hệ giữa Mỹ – Nga – Trung Quốc đều sẽ bước sang một trang mới.

Với Hillary Clinton, Trung Quốc – Mỹ hoàn toàn có thể xây dựng được mối quan hệ “tích cực, hợp tác toàn diện”.

Với Trung Quốc: Vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng

Hai đảng lớn nhất của Mỹ đều có những nhận thức chung căn bản trong vấn đề Trung Quốc.

Đó là, Mỹ – Trung là hai cường quốc có sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn trong lĩnh vực kinh tế; Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới có ảnh hưởng nhất định đối với các vấn đề quốc tế nổi cộm như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Những nhân tố này đã tạo nên sự phức tạp, khó lường trong thái độ của Mỹ với Trung Quốc và đến nay, Washington chưa thực sự áp đặt lệnh trừng phạt nào nhằm vào Bắc Kinh do lo ngại đối mặt với đòn trả đũa nghiêm trọng.

Là nhân vật quan trọng thúc đẩy chiến lược “xoay trục châu Á” của Tổng thống Obama, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton rất coi trọng các vấn đề tại khu vực này và các vấn đề liên quan tới Trung Quốc.

Nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ đặc biệt mong muốn xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác tại châu Á – Thái Bình Dương giống với hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực Đại Tây Dương nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Với Trung Quốc, bà tỏ ra khá thận trọng. Bà từng nói, rất khó để chỉ ra Bắc Kinh là bạn hay là thù với Mỹ.

Đồng thời bà tuyên bố công khai rằng: Mỹ không muốn kiềm chế Trung Quốc, giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ hai nước cần phải có thời gian và đừng quá kỳ vọng vào kết quả của những nỗ lực vội vã.

Trong khi đó, đến thời điểm này, những gì thấy được ở Donald Trump chủ yếu là những chỉ trích kịch liệt vào các chính sách kinh tế của Trung Quốc, nhằm buộc nước này ký kết vào các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.

Đồng thời, ông Trump tuyên bố sẽ đặt ra những chế tài thật nặng đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, cũng như ngăn chặn Chính phủ Trung Quốc thực hiện bảo hộ thương mại.

Donald Trump chủ trương giảm nợ nước ngoài của Mỹ, hạ thấp mức thuế đối với các doanh nghiệp, tạo ưu thế trước Trung Quốc trong các diễn đàn song và đa phương.

Điều đáng chú ý là, ông Trump từng nhấn mạnh Mỹ cần tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Với Nga: Sự khác biệt lớn giữa hai ứng cử viên

Nếu như cách xử lý các vấn đề Trung Quốc của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đan xen giữa cứng rắn và mềm mỏng, thì trong cách ứng xử với Nga, giữa Clinton và Trump lại có những khác biệt cơ bản.

Ứng cử viên đảng Dân chủ từng cho biết, bà không có ấn tượng tốt đẹp gì đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời cũng không mấy lạc quan về quan hệ hai nước trong tương lai.

Bà Clinton vừa hy vọng sẽ tiếp tục bắt tay với Nga trong nỗ lực kiểm soát đối đầu vũ trang vừa kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh cùng chống lại sự bành trướng của Nga.

Khác với đối thủ, Donald Trump không những khen Putin “mạnh” hơn Obama, tỉ phú New York còn chủ trương xây dựng mối quan hệ “đồng minh” kiểu mới giữa hai nước nhằm đối phó với những vấn đề quốc tế như Syria.

Một số nhân vật trong ban vận động tranh cử của Trump từng bị báo chí Mỹ tố có mối quan hệ khá mật thiết với Moscow, bà Clinton cũng lấy cớ này để không ngừng chỉ trích đối thủ.

Tuy trong vấn đề Ukraine, cách tiếp cận của ông Trump hoàn toàn tương đồng với Chính phủ Mỹ hiện nay cũng như với đối thủ Clinton khi công kích Nga, nhưng xét về tổng thể, quan điểm của Trump với Nga có phần cảm tính khác xa so với cựu Ngoại trưởng vốn kiên định, chắc chắn.

Clinton hoặc Trump sẽ tiếp cận quan hệ chân vạc Mỹ – Nga – Trung như thế nào?

Thứ nhất, chính sách với khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nền tảng cho chiếc ghế Ngoại trưởng của bà Clinton.

Trong bối cảnh ngoại giao Mỹ ở đây đang gặp nhiều trở ngại, nếu trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, rất có khả năng bà sẽ quan tâm nhiều hơn tới khu vực này, những va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi.

Mặt khác, dưới áp lực của phe cánh tả trong nước, hai đại diện của hai đảng phái lớn nhất nước Mỹ này cũng đưa ra ý kiến phản đối với mức độ khác nhau nhằm vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được Tổng thống Obama xúc tiến.

Họ cho rằng ý nghĩa ngoại giao của hiệp định này đã vượt quá lợi ích kinh tế của Mỹ, từ đó các vấn đề nảy sinh như thất nghiệp sẽ dẫn đến sự bất mãn trong xã hội Mỹ.

Nhưng với tư cách là một trong những nhà thiết kế chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương, hiện tại quan điểm của cựu Ngoại trưởng đối với TPP vẫn khá tích cực.

Ở Mỹ, có nhiều suy đoán rằng, TPP cuối cùng cũng sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới sự ủng hộ của Hillary Clinton. Kết quả này sẽ tác động mạnh mẽ tới quan hệ Mỹ – Nga – Trung trong tương lai.

Về phần mình, Trump cũng không đưa ra quá nhiều các ý kiến mang tính xây dựng nhằm củng cố và phát triển quan hệ Mỹ – Trung. Thái độ này dường như báo trước quan hệ song phương trong tương lai sẽ gặp nhiều sóng gió nếu như Trump đắc cử.

Thứ hai, khi còn là Ngoại trưởng, Hillary Clinton từng nỗ lực thay đổi chính sách cứng rắn, đối đầu tồn tại trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Bà cũng đưa những chính sách khéo léo vào đường lối ngoại giao của Mỹ, giúp khởi động lại quan hệ Mỹ – Nga.

Vì thế, nếu như đắc cử, bà sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao của mình, tuy nhiên biện pháp tiến hành sẽ rất khác. Dù bà vẫn giữ thái độ thận trọng đối với quan hệ Mỹ – Nga nhưng lại tỏ ra bi quan về viễn cảnh quan hệ hai nước.

Nếu như nói chính sách của Clinton đối với Nga sẽ cứng rắn hơn so với thời của Obama, vậy thì trong trường hợp ông Trump đắc cử, viễn cảnh quan hệ Mỹ – Nga nhiều khả năng sẽ chuyển biến, hai bên có thể sẽ theo một hướng đi mới nhằm thay đổi quan điểm và thái độ trước đó.

Điều đáng quan tâm là, Trump tuy không có nhiều kinh nghiệm ngoại giao như Clinton nhưng ông rất coi trọng vai trò của các nhà lãnh đạo đối với chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.

Nếu như Trump đắc cử, rất có thể ông sẽ thông qua những mối quan hệ cá nhân để thay đổi cục diện quan hệ Mỹ – Nga và Mỹ – Trung.

Dù Hillary Clinton hay Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45, thế chân vạc giữa Mỹ – Nga – Trung đều sẽ bước sang một trang mới.

Bà Clinton từng nói, tuy quan hệ Mỹ – Trung còn nhiều thách thức, nhưng giữa hai nước hoàn toàn có thể xây dựng được mối quan hệ “tích cực, hợp tác toàn diện”.

Trump một mặt chỉ trích Trung Quốc làm tổn hại thị trường việc làm của Mỹ, mặt khác cũng cho biết sẽ “cùng Trung Quốc làm ăn tốt với nhau”.

RELATED ARTICLES

Tin mới