Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển Đông - Những điều hoang đường và sự thật của...

Biển Đông – Những điều hoang đường và sự thật của “đường lưỡi bò” (Phần 1)

Sau khi nghiên cứu một số tác phẩm từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt, những tác phẩm bằng tiếng Pháp của Monique Chemillier Gendreau, Eric Décéné và Frédéric Lasserre, cũng như các công trình nghiên cứu được đăng lên Tạp chí Ocean Development & International Law, sau những trao đổi mới đây với các chuyên gia về khoa học và Luật Biển của Pháp và Mỹ, và sau những công trình nghiên cứu mà đích thân tác giả thực hiện khi còn là Tùy viên quân sự châu Á, rồi với tư cách là nhà nghiên cứu thuần túy, tác giả đã thu thập được một số lập luận có thể làm sáng tỏ hơn nhiều điểm vốn ít được biết đến trong vấn đề Biển Đông đầy phức tạp.

Khu vực địa lý nhiều tranh chấp

Để thiết lập cơ sở cho những lập luận tiếp theo, chúng ta cùng nhớ lại rằng Biển Đông là một vùng biển nửa kín, bởi lẽ mọi lối đi ra biển cả đều được dẫn qua các eo biển có bề rộng không lớn. Thật vậy, vùng biển này được bao bọc từ Bắc đến Nam bởi Đài Loan và Phi-líp-pin, từ Đông đến Tây bởi Ma-lai-xia và các tỉnh Sabah và Sarawak của nước này, rồi bởi Bru-nây và phần phía Nam Sumatra.

Giới hạn địa lý chính thức của Biển Đông được Tổ chức Thủy văn Quốc tế (OHI) xác định như sau: Vĩ tuyến xác định phía Bắc eo biển Đài Loan; ở phía Đông, một đường nối mũi Nam của Đài Loan với Biển Java, ngang với bờ Bắc của đảo Belitung In-đô-nê-xia; và ở phía Tây, lối ra của Eo biển Ma-lắc-ca, ở phía trên Xinh-ga-po. Vịnh Thái Lan không nằm trong vùng biển này. Giới hạn còn lại của Biển Đông được đường bờ biển của các quốc gia ven biển tạo nên.

Vùng biển được xác định như trên bao gồm năm quần đảo chính, đó là Pescadores – Bành Hồ (tên gọi Trung Hoa là Penghu), Pratas – Đông Sa (tên gọi Trung Hoa là Dongsha, có nghĩa là dải phía Đông), Macclesfielld – Trung Sa (tên gọi Trung Hoa là Zhongsha, có nghĩa là: dải miền Trung), Paracels (tên gọi Trung Hoa là Xisha, có nghĩa là dải phía Tây, tên Việt Nam là Hoàng Sa), và Spratleys (tên Trung Hoa là Nansha; có nghĩa là dải phía Nam, tên Việt Nam là Trường Sa).

Trong số năm quần đảo này, hai quần đảo nằm gần phía Bắc nhất là Bành Hồ và Đông Sa trở thành chủ đề tranh chấp nội bộ giữa Trung Hoa lục địa và Đài Loan. Chúng tôi sẽ không bàn đến những yêu sách mang tính đặc thù giữa những người Hoa với nhau. Ba quần đảo còn lại là chủ đề tranh chấp của hai hay nhiều nước ven biển, đó là Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xia, Bru-nây và một phần của In-đô-nê-xia. Trong số bốn quần đảo nói trên, Trung Sa, theo nghĩa hẹp, là tổng thể những bãi đá ngầm cũng không lộ ra.

Điểm này cần được nhấn mạnh khi viện dẫn những gì luật biển quy định về đảo tự nhiên tùy theo đảo đó có thể ở được hay không. Nó cũng cần được nhấn mạnh khi xem xét những yêu sách về chủ quyền trên quần đảo đó, và khi phân tích tham vọng của Trung Quốc muốn sở hữu những đảo đó. Nó cũng vì thế cần được nhấn mạnh khi xem xét ranh giới các vùng mà nước này hay nước kia muốn có chủ quyền trên đó. Để có những giải thích đầy đủ về tranh chấp phát sinh trên Biển Đông, chúng ta nên tham kháo các công trình nghiên cứu của những tác giả nêu trên.

Sự thật của “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”

Sau những năm 70, tranh chấp trên Biển Đông trở nên gay gắt và trầm trọng hơn bởi lẽ người ta cho rằng vùng biển này có rất nhiều nguồn năng lượng dầu mỏ. Những giả thiết này một phần đã trở thành hiện thực kể từ những phát hiện đầu tiên được Mobil Oil thực hiện trên thềm lục địa của Việt nam vào tháng Hai năm 1975. Kể từ đó trở đi, các hoạt động thăm dò – khai thác diễn ra rầm rộ, càng khẳng định chắc chắn những giả thiết ban đầu. Sau những biến cố quân sự khiến Việt Nam, kể từ năm 1974, phải rút lui trên toàn vùng biển và Phi-líp-pin phải chấp nhận sự có mặt của Trung Quốc trên Kalayaan, Bắc Kinh đã quyết định, kể từ tháng 7 năm 1992, xoa dịu tranh chấp.

Sau đó, thông qua Tuyên bố đơn phương về Biển Đông, Bắc Kinh đưa ra ý tưởng đề nghị các nước ASEAN giữ nguyên trạng bằng cách xây dựng một bộ luật “ứng xử cần tuân theo”. Khẩu hiệu mà Trung Quốc giương cao nhằm thúc đẩy ý tưởng của họ đó là các nước trong khu vực phải từ bỏ những tham vọng chủ quyền của mình và tránh những hành động có thể gây mất ổn định và làm phức tạp tình hình.

Lo lắng trước việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân và không quân, các nước ASEAN hoan nghênh đề nghị này và chấp nhận đàm phán theo hướng đó. Các cuộc đàm phán dẫn đến việc ký kết chung “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” vào ngày 04 tháng 11 năm 2002, tại Phôm Pênh. Cần lưu ý rằng văn bản này có tên gọi là “Tuyên bố”. Ngoài ra, mong muốn xây dựng một bộ luật ứng xử theo nghĩa hẹp cũng được nêu rõ ở cuối Tuyên bố ứng xử, đoạn 10.

Tuyên bố liệt kê một loạt mục tiêu mà các nước liên quan cam kết tôn trọng thực hiện. Trong chừng mực nào đó, đây là một bản tuyên bố thuần túy về những nguyên tắc và cam kết đạo đức mà trên thực tế tùy mỗi bên diễn giải theo cách của mình. Hơn nữa, trong khuôn khổ tuyên bố này, các bên không tính đến việc nhờ cậy một cơ quan tài phán nào đó trong trường hợp bên này hoặc bên kia tố cáo có sự sai phạm. Tóm lại, một tuyên bố như vậy dường như thiếu tính bắt buộc. Chính tính không bắt buộc này dường như đã được Trung Quốc tận dụng, vào ngày 10 tháng 4 năm 2007, khi họ phản đối kịch liệt việc Việt Nam cho phép Tập đoàn đa quốc gia BP-Conoco Phillips-Petro Vietnam khai thác vùng có khí đốt Mộc Tinh và Hải Thạch, ở cực Tây Nam quần đảo Trường Sa, trên thềm lục địa của Việt Nam. Và theo hướng đó, hiện nay Bắc Kinh đang phản đối, từ đầu năm 2008, dự thảo thỏa thuận giữa Petro Vietnam và Exxon Mobil Oil về thăm dò và khai thác các vùng ngoài khơi bờ biển của Việt Nam.

Tranh chấp và khai thác tài nguyên biển

Nếu căng thẳng còn tồn tại, đó là vì dường như không bên nào thực sự sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ về chủ quyền trên những vùng biển mà họ nhận là của mình. Tất cả các bên đều ý thức rằng chừng nào không tìm được giải pháp, dù là một phần, cho vấn đề Biển Đông, sẽ không thể hoặc khó khai thác nguồn tài nguyên nằm trong giới hạn vùng biển tranh chấp này. Và điều này không chỉ liên quan đến khí đốt, nguồn tài nguyên dồi dào và quan trọng nhất trong khu vực, mà còn ảnh hưởng đến cả nguồn tài nguyên cá, mặc dù không như khí đốt, cá di cư không phân biệt giới hạn lãnh thổ. Điều này đặt ra những vấn đề khác, liên quan đến hoạt động đánh bắt, những vấn đề mà Công ước Luật Biển mới giải quyết được một phần.

Về khoáng vật phốt phát, nguồn tài nguyên này được khai thác trong thời kỳ giữa hai thế chiến, bởi lẽ trong thời gian đó, trên các đảo có rất nhiều mỏ phân chim. Tuy nhiên, hiện nay, khoáng vật này dường như không còn mấy giá trị. Và việc khai thác phốt phát không thực sự trở thành tâm điểm tranh chấp. Những hạt đa kim loại được tìm thấy ở độ sâu nhất định của vùng biển này cũng cùng chung số phận. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu được khai thác, loại khoáng sản này cũng còn rất ít vì những số liệu thống kê cho thấy điều đó. Vì thế giá trị lợi nhuận tiềm năng khi khai thác những nguồn tài nguyên này không rõ ràng.

Cuối cùng, mặc dù các bên đã gia nhập Công ước Luật Biển, nhưng vấn đề về tự do đi lại buôn bán thương mại và quân sự trong tương lai vẫn nên được đặt ra, ít nhất là trên một phần vùng biển này, bởi lẽ, đối với những gì dính dáng đến mình, Trung Quốc không công nhận quyền đi lại vô hại trên lãnh hải của họ.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới