Tuesday, January 14, 2025
Trang chủBiển nóngBẫy Trung Quốc mời hợp tác hàng hải ở Biển Đông?

Bẫy Trung Quốc mời hợp tác hàng hải ở Biển Đông?

Ngày 4/11, Cục Hải dương Quốc gia TQ đã công bố kế hoạch hợp tác quốc tế hàng hải ở Biển Đông và khu vực biển lân cận giai đoạn 2016-2020.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đang nạo hút cát tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 2015.

Cụ thể, theo kế hoạch, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tích cực thực thi chiến lược “Một vành đai, một con đường”, triển khai hợp tác với các tổ chức quốc tế, quốc gia, khu vực quanh khu vực Biển Đông và khu vực biển Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

7 lĩnh vực hợp tác trọng điểm được đề ra trong kế hoạch gồm biến đổi khí hậu và hải dương, bảo vệ môi trường biển, hệ thống sinh thái biển và tính đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai biển, nghiên cứu biển, chính sách quản lý biển, hợp tác phát triển kinh tế xanh trong khai thác tài nguyên biển.

Theo người phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế của Cục hải dương Quốc gia Trung Quốc, kế hoạch hợp tác hàng hải này sẽ gặt hái được nhiều thành quả, có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Trong một động thái có liên quan, ngày 7/9, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc họp giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và các lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào, có tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN trong việc “xóa tan can thiệp và xử lý một cách đúng đắn” vấn đề Biển Đông.

Ông Lý không nói thêm chi tiết, nhưng ngôn từ này thường được các lãnh đạo Trung Quốc sử dụng để nói về việc không cho phép các nước khác bên ngoài khu vực, không liên quan trực tiếp đến tranh chấp, tham gia.

Thủ tướng Trung Quốc cho rằng các quốc gia tại khu vực là những bên hưởng lợi lớn nhất ở Biển Đông, và vùng biển này chỉ có thể hòa bình và ổn định khi “bản thân các nước trong khu vực nắm giữ chìa khóa để giải quyết vấn đề”.

Nhiều chuyên gia đánh giá với những tuyên bố như trên, Trung Quốc ngầm thể hiện chủ quyền với cả những khu vực Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền trái phép trên biển Đông. Và sự tham gia của các nước, với người chủ trò là Trung Quốc, cũng có thể bị ngầm hiểu là ủng hộ quan điểm của nước này trong tranh chấp biển Đông.

Song song với đó, phía Trung Quốc vẫn liên tiếp có các hành động quân sự trái phép trên Biển Đông.

Ngày 25/10, quân đội Trung Quốc vừa triển khai nhiều chiến đấu cơ J-11 và máy bay tiêm kích – ném bom JH-7 đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa VN, tờ Đông Phương nhật báo (Hồng Kông, Trung Quốc) cho biết. Hiện loạt chiến đấu cơ và máy bay tiêm kích đang đóng trú phi pháp tại đảo Phú Lâm.

Tờ báo không nói rõ số lượng cụ thể nhưng dẫn lời giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang có ý đồ kết hợp chiến đấu cơ tại Hoàng Sa với các sân bay trên đảo Hải Nam cùng những cơ sở phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN để tạo thành “tam giác sắt” giám sát toàn bộ không phận Biển Đông.

Có nhiều bằng chứng cho thấy nước này đã xây xong đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập, đồng thời sắp hoàn tất 2 công trình tương tự trên đá Xu Bi và Vành Khăn.

Những bãi đá này thuộc Trường Sa nhưng đã bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo.

Cùng với đó, ngày 6/8, phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa ngang nhiên công bố, không quân Trung Quốc vừa điều nhiều oanh tạc cơ H-6K cùng chiến đấu cơ Su-30 đến quần đảo Trường Sa “tuần tra tác chiến” phi pháp.

Cụ thể, ông Thân nói rằng không quân Trung Quốc đã tổ chức cho oanh tạc cơ, tiêm kích cơ, máy bay cảnh báo sớm, máy bay trinh sát và máy bay tiếp liệu đến Biển Đông để “tuần tra tác chiến” quần đảo Trường Sa cùng bãi cạn Scarborough và các vùng biển lân cận.

Đây là lần thứ hai không quân Trung Quốc tuyên bố điều đội oanh tạc cơ và chiến đấu cơ “tuần tra tác chiến” Biển Đông kể từ khi Tòa trọng tài công bố phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” vào ngày 12/7.

Ngày 18/7, nước này cũng đã triển khai “một máy bay tuần tra chiến đấu” ra Biển Đông.

Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã từng chỉ rõ, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát hoàn toàn biển Đông.

Còn Thượng nghị sĩ Bob Corker thì nói thẳng: “Ví dụ, trên biển Đông, cả lời lẽ và những chiến dịch tự do hàng hải đều không ngăn chặn hay làm chậm các hoạt động của Trung Quốc, như việc Bắc Kinh triển khai vũ khí, khí tài ra các đảo nhân tạo.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia đánh giá ngày càng có khả năng Trung Quốc sẽ lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới