Tình trạng “như rắn mất đầu” của đội gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan đã khiến binh sĩ các nước thành viên “phản ứng hỗn loạn và không hiệu quả” trước tình hình chiến sự ác liệt.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon. Ảnh: AFP
AFP đưa tin, vào thứ Ba (1/11) Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã sa thải viên chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, sau khi báo cáo từ đội điều tra đặc nhiệm thuộc LHQ tung bằng chứng lực lượng này đã không bảo vệ dân thường trong bối cảnh bạo lực hồi giữa năm nay tại Juba (thủ đô Nam Sudan).
Trung tướng Johnson Mogoa Kimani Ondieki, người Kenya, chính là tư lệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình từ tháng Năm năm nay.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon bày tỏ “phẫn nộ sâu sắc” về những “thiếu sót nghiêm trọng” được ghi trong bản báo cáo. Ông “ngay lập tức yêu cầu thay thế người chỉ huy lực lượng” và sẽ có các biện pháp trừng phạt đích đáng.
Đại sứ Anh Matthew Rycroft gọi bản báo cáo là “cáo trạng đanh thép” và khẳng định rằng Hội đồng Bảo an cũng như toàn LHQ cần rút ra bài học sâu sắc từ thất bại này.
Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành họp bàn về khủng hoảng tại Nam Sudan vào 17/11 tới.
Báo cáo trên cho biết, tình trạng “như rắn mất đầu” của đội gìn giữ hòa bình đã khiến các thành viên lực lượng này “phản ứng hỗn loạn và không hiệu quả” trước tình hình chiến sự ác liệt ở thủ đo Juba từ 8/7 đến 11/7.
Theo bản báo cáo, “dân thường bị buộc phải chứng kiến và là nạn nhân của hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng, bao gồm sát hại, đe dọa, xâm hại và cả những hành vi tra tấn do quân lính chính phủ Sudan gây ra.”
Lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc tẩu thoát khỏi vị trí đóng quân ít nhất hai lần, trong khi lực lượng Nepal liên tục vơ vét hàng hóa trong trụ sở LHQ tại địa phương. Báo cáo ghi rõ, lính gìn giữ hòa bình không hề trợ giúp các nhân viên cứu hộ đang bị tấn công tại khu khách sạn ngay gần đó.
Cụ thể, khoảng 12 nhân viên cứu hộ và nhân viên LHQ đang tạm trú tại khu khách sạn Terrain đã bị một toán lính Nam Sudan tấn công vào 11/7, nhưng lực lượng gìn giữ hòa bình đang đóng quân chỉ cách đó 1,2km đã phớt lờ mọi lời kêu cứu của các nạn nhân, lấy cớ rằng “các binh sĩ đã đi làm nhiệm vụ hết rồi.”
Sau đó hai tháng, vào 2/9, một phụ nữ đã bị tấn công ngay trước mắt lính gìn giữ hòa bình LHQ, nhưng các binh sĩ đều phớt lờ tiếng kêu cứu của nạn nhân. Chỉ đến khi một số nhân viên LHQ can thiệp thì vụ việc mới được giải quyết.
Trước khi bản báo cáo được tung ra, tổ chức nhân quyền Center for Civilians in Conflict đã tố cáo lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bao gồm các binh sĩ Ethiopia và Trung Quốc tháo chạy khi 100 tay súng tấn công trụ sở LHQ tại Juba.
Trong khi các binh sĩ Ethiopia còn giúp sơ tán thường dân và có lúc bắn trả, thì các binh sĩ Trung Quốc chỉ lo thoát thân, bỏ lại vũ khí đạn dược sau lưng.
Đáp lại cáo buộc gây phẫn nộ trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích thông tin đã được đưa ra một cách “vô trách nhiệm” và “vô căn cứ”.
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm 10/10 nói “những báo cáo chỉ trích nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc chỉ là xuyên tạc, hoàn toàn không đúng sự thật”.
“[Trung Quốc] đã dốc toàn lực bảo đảm an toàn cho các nhân viên lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và người tị nạn,” ông Dương tuyên bố.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 12/7 đăng bài xã luận ca ngợi các quân nhân nước này ở Nam Sudan với dòng tít “Sự hy sinh của binh sĩ gìn giữ hòa bình Trung Quốc đủ khiến thế giới phải rúng động”.