Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChính phủ Anh kiện tòa cấp cao, đòi quyền quyết định Brexit

Chính phủ Anh kiện tòa cấp cao, đòi quyền quyết định Brexit

Chính phủ Anh tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án tối cao đòi quyền quyết định vấn đề Brexit. Trước đó, tòa án cấp cao phán quyết Quốc hội chứ không phải chính phủ mới có tiếng nói cuối cùng để Anh rút khỏi EU.

Thủ tướng Anh, bà Theresa May (phải) và 2 bộ trưởng. Họ sẽ còn phải nhức đầu dài dài trên con đường “thoát ly” EU

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, ông David Davis ngày 3.11 nhấn mạnh rằng 17,4 triệu người dân Anh bỏ phiếu quyết định rút nước Anh khỏi EU (Brexit) đã “giao trọng trách lớn nhất trong lịch sử” cho chính phủ Anh để thực hiện nguyện vọng của người dân. Theo ông, đó là cơ sở để chính phủ Anh đưa ra khi kháng cáo đối với phán quyết hôm 3.11 của Tòa án cấp cao.

Trước đó, Tòa án cấp cao (High Court) của Anh đã ra phán quyết rằng chính phủ Anh không thể tự động kích hoạt điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon để chính thức rời khỏi EU, mà cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội.

Đây được xem là một trong những phán quyết có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Anh trong nhiều thập niên qua. Với chính phủ Anh, đó là một cơn ác mộng. Mới ngay trước đó, Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã công bố muốn bắt đầu Brexit – tiến trình thương lượng rời EU – ngay vào cuối tháng 3.2017 tới. Với phán quyết trên, kế hoạch này là không tưởng.

Rõ ràng quốc hội là nơi làm việc của không ít nghị sĩ chống Brexit. Thỏa mãn được yêu cầu của những nghị sĩ này chắc chắn sẽ là điều không bao giờ dễ dàng và nhanh chóng. Nếu chính phủ Anh không thắng kiện tại Tòa án tối cao (Supreme Court), tiến trình Brexit sẽ phải trì hoãn với một loạt thủ tục, rào cản ở Quốc hội. Vấn đề không chỉ là thời gian. Các dân biểu chống Brexit có thể lợi dụng Brexit để yêu sách về các vấn đề khác.

Nếu như quyết định Brexit của dân chúng Anh đã thổi bay chính phủ của cựu thủ tướng David Cameron thì liệu việc trao quyền Brexit cho Quốc hội sẽ dẫn tới một cuộc tổng tuyển cử sớm? Không ai nói trước được điều gì.

Thế nên không có gì khó hiểu khi chính quyền kế nhiệm ông Cameron chống lại phán quyết của tòa án cấp cao tới cùng.

Bộ trưởng Davis tuyên bố nước Anh cần phải tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. BBC dẫn lời ông Davis: “Quốc hội đã bầu với tỉ lệ 6-1 để trao quyền quyết định cho nhân dân, không có một điều kiện “nếu” hay một chữ “nhưng” nào kèm theo. Đó là lý do chúng tôi kháng án để có thể mang lại thỏa thuận tốt đẹp nhất cho nước Anh. Đó là thỏa thuận tốt nhất cho phát triển, cho đầu tư và cho công ăn việc làm. Người dân đã muốn chúng tôi thuận theo điều đó và đó cũng là điều chúng tôi sẽ làm”.

Chính phủ Anh trước đó tuyên bố họ dựa vào một đặc quyền hoàng gia có từ cổ xưa để thực hiện “nguyện vọng của nhân dân”. Thế nhưng các thẩm phán của tòa án cấp cao thì dựa trên cái “lý” của luật pháp.

Ba thẩm phán tại tòa án cấp cao đã chỉ ra rằng theo luật, chính phủ chỉ có thể làm điều này với sự cho phép của Quốc hội. Quốc hội – cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân – đã quyết định đưa nước Anh gia nhập EU hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, vì thế chính phủ Anh không thể dùng tới đặc quyền đó trong vấn đề đi hay ở lại EU.

Về việc Quốc hội đã bỏ phiếu quyết định tiến hành trưng cầu dân ý, các thẩm phán nhấn mạnh dự luật dẫn đến quyết định của Quốc hội đã nói rõ kết quả cuộc trưng cầu dân ý chỉ có nghĩa tham khảo, không bắt buộc thi hành.

Chánh án tòa án cấp cao, ông John Thomas cho biết tòa án không bàn đến chuyện nên đi hay ở lại EU, đó là quyết định chính trị. Theo ông Thomas, phán quyết định tòa án chỉ hoàn toàn là vấn đề luật pháp thuần túy.

Dự kiến vụ phân xử tại Tòa án tối cao sẽ được bắt đầu vào tháng 12 tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới