Dù vàng tích trữ hay bán đi thì vẫn có một dòng tiền đã được đẩy ra xã hội. Vấn đề là sử dụng nó thế nào cho hiệu quả mà thôi.
Hút 500 tấn vàng trong dân, ngân sách lấy tiền đâu để mua?
Theo quan điểm cá nhân về kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng – (Trưởng Phòng Xây dựng Chiến lược, Viện Chiến lược Ngân hàng) cho rằng khó khả thi, khó đạt được mục đích.
Vàng huy động được sẽ đầu tư thế nào?
Để trả lời câu hỏi có nên hay không nên thành lập sàn giao dịch vàng vào thời điểm này, theo ông Hùng, phải phân tích rõ bản chất của vấn đề.
Theo ông Hùng, nếu người dân có một loạt đồng tiền dự trữ như tiền USD, tiền Việt Nam đồng tiền Trung Quốc và vàng. Về nguyên tắc đương nhiên, họ sẽ lựa chọn sử dụng đồng tiền có mệnh giá ổn định, ít chịu biến động nhất, thậm chí là chỉ tăng giá chứ không được giảm.
Như vậy, khi vàng được ví như một loại kim loại tiền tệ có giá trị mua bán, trao đổi ngang giá với các loại tiền khác. Ngay cả, việc quy đổi USD Mỹ hiện cũng đang được so sánh, định giá với hàm lượng bao nhiêu ki-lo-gam vàng.
Điều này có nghĩa là, khi vàng độc chiếm vị trí vật ngang giá thì cái tên vật ngang giá chung được thay thế bằng tiền tệ. Tức là vàng cũng chính là một loại tiền tệ và cũng là một loại hàng hóa đặc biệt, đóng vai trò ngang giá chung để đo giá trị của tất cả các hàng hóa khác được định chuẩn theo thông lệ quốc tế.
Theo quy luật thị trường, khi diễn ra quá trình trao đổi mua bán thì có sự lưu thông, dịch chuyển của dòng tiền. Nếu người dân sử dụng đồng tiền mặt đi mua vàng cũng chính là một hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa. Và như vậy, tiền xấu sẽ đuổi tiền tốt ra khỏi lưu thông. Tức là khi vàng và tiền Việt cùng lưu thông thì họ quay sang tiêu xài đồng tiền “xấu” và tích trữ tiền “tốt”. Đó là lý do vì sao người dân mua vàng và cất giữ vàng.
Do đó, ông Hùng nói thẳng thay vì đặt mục tiêu phải huy động cho được 500 tấn vàng trong dân, cơ quan quản lý nhà nước cần phải nhìn nhận vấn đề này dựa trên hai giả thiết:
“Thứ nhất, để có được 1kg vàng, người dân phải bỏ ra khoảng 1 tỷ tiền mặt để mua nó. Như vậy, đã có sự giao dịch mua bán và đã có một dòng tiền mặt là 1 tỷ được đẩy vào xã hội. Nếu quản lý tốt, xã hội có thể sử dụng 1 tỷ đó để quay vòng, đầu tư và phát triển kinh doanh.
Ngay ở giả thiết thứ hai, người dân có 1 kg vàng và người dân đem bán vàng cho NHNN rồi lấy tiền đó đầu tư, kinh doanh. Ở trường hợp này đồng vốn đã được sử dụng tốt hơn, tức là nó đã tạo ra một vòng quay liên tục từ đồng vốn sẵn có là 1kg vàng, bán đi, lấy tiền, đầu tư và lại sinh lợi. Ở cả hai trường hợp đều cho thấy dù dân tích trữ vàng hay bán vàng đi thì vẫn có một dòng tiền đã được đẩy ra xã hội rồi”, ông Hùng nói.
Như vậy, nếu đặt mục tiêu huy động vàng trong dân với lý do không để nguồn lực trên bị nhàn rỗi, lãng phí thì quan điểm của ông Hùng là không nên nhấn mạnh phải thu hút được bao nhiêu vàng, thu hút bằng cách nào mà cần đặt vấn đề là đồng vốn đó sẽ được sử dụng thế nào? Làm sao cho có hiệu quả?.
Vấn đề thứ hai, vị chuyên gia nhắc nhở trong trường hợp người dân ủng hộ chủ trương huy động vàng thì Chính phủ và NHNN sẽ thực hiện thế nào?
“Tôi muốn nói, nếu 500 tấn vàng dân đang giữ mà được huy động và mang ra bán một lúc, thì hình thức mua thế nào? Ngân sách có đủ tiền để mua không?.
Giả sử, ngân sách có đủ tiền để mua thì việc huy động vàng cũng phải tuân thủ theo quy luật bảo toàn. Nghĩa là vàng gửi phải được bảo đảm cả lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực chất.
Hay nói cách khác, nếu nhà nước huy động vàng trong dân sẽ phải đảm bảo bảo toàn giá trị bằng vàng cho dân khi gửi. Bên cạnh đó, phần trăm lãi suất sẽ được tính dựa trên giá trị vàng được quy đổi. Nghĩa là, người dân gửi 1kg vàng vào ngân hàng thì bất luận trong trường hợp nào dân cũng phải được lấy về 1kg vàng. Đồng thời, người dân còn được hưởng phần trăm lãi suất theo giá trị vàng được quy đổi hàng năm nữa. Làm theo cách này, dân thấy lợi chắc chắn sẽ gửi. Lúc này câu chuyện cần quan tâm chỉ là lựa chọn đơn vị đủ uy tín, chất lượng để dân tin tưởng đem gửi vàng mà thôi”.
Trong trường hợp huy động 500 tấn vàng nhưng ngân sách không đủ tiền, sẽ buộc nhà nước phải in thêm tiền để mua vàng. Làm theo cách này, Chính phủ sẽ phải đối diện với nguy cơ lạm phát rất lớn.
Ví dụ, Việt Nam đang có một núi vàng, nếu dân khai thác hết số vàng đó để bán lấy tiền. Khi đó vàng sẽ rẻ và đồng tiền sẽ có giá hơn. Nhưng đến khi vàng đã bán hết, tiền trong tay có nhiều người dân sẽ quay sang mua sắm, chi tiêu, cứ như vậy sẽ dẫn tới lạm phát, rất khó kiểm soát”, vị chuyên gia lo ngại.
Rủi ro nếu lập sàn vàng
Theo vị chuyên gia, việc thành lập sàn giao dịch vàng giống như sàn giao dịch cafe, sàn giao dịch cao su… là phù hợp với xu thế hội nhập thế giới. Việc thành lập sàn giao dịch vàng sẽ đấu nối được các hoạt động với các sàn vàng thế giới, giúp cho vấn đề quản lý, tiếp cận thông tin nhạy bén, kịp thời hơn.
Tuy nhiên, khả năng quản lý sàn giao dịch vàng tại Việt Nam còn rất hạn chế, yếu kém. Việc này đã được chứng minh bằng quyết định cấm mở sàn vàng từ một vài năm trước do không quản lý được.
“Trong lịch sử rất nhiều ngân hàng đứng ra huy động vàng như Ngân hàng ACB, Ngân hàng Sacombank… nhưng cuối cùng đều nhận lấy một kết quả thất bại chung là nợ nần, thua lỗ.
Ở đây có nguyên nhân do các ngân hàng thương mại đứng ra huy động vàng trong dân rồi bán đi lấy tiền Việt để cho vay. Khi giá vàng lên xuống, trồi sụt, các ngân hàng đã phải gánh lấy hậu quả từ nguy cơ trượt giá và phải chịu lỗ. Sự thất bại của các ngân hàng thương mại chính là vì không thể tiên lượng hết được rủi ro này.
Rủi ro này không chỉ xảy ra với các ngân hàng thương mại mà ngay cả với các công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý cũng phải đối diện với rủi ro nói trên. Vì vậy, nhà nước hay bất kỳ đơn vị nào khi đứng ra huy động vàng trong dân đều phải tính tới phương án đối phó với bài toán rủi ro đó. Như vậy, đề xuất của Hiệp hội kinh doanh vàng cũng như TP.HCM đã đề cập tới phương án xử lý bài toàn rủi ro này thế nào? Cụ thể ra sao?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
TS Nguyễn Mạnh Hùng nói thẳng, ông không quá tiêu cực mà đưa ra quan điểm phải phản bác bằng được đề xuất trên. Quan điểm của ông là điều hành, quản lý thị trường mua bán vàng phải dựa trên nguyên tắc thị trường. Trong trường hợp bắt buộc phải thành lập sàn giao dịch vàng thì có thể thành lập nhưng làm phải tính toán cho kỹ càng và phải theo lộ trình cụ thể.
Chính phủ và Ngân hàng nhà nước chỉ nên quản lý về mặt thủ tục hành chính, còn điều hành hoạt động kinh doanh phải để doanh nghiệp làm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đứng ra thành lập sàn giao dịch vàng, muốn tổ chức sàn giao dịch vàng bắt buộc đó phải là doanh nghiệp có năng lực, có uy tín dân mới tin tưởng và gửi vàng.
“Phải thực hiện dựa trên những phân tích cụ thể, dựa trên kết quả thực hiện thí điểm rồi mới đánh giá, tổng kết khi đó mới đưa ra quyết định có nên triển khai thực hiện hay không. Nếu vội vàng thực hiện thì nguy cơ lặp lại hậu quả trong quá khứ là khó tránh khỏi”, vị chuyên gia lưu ý.