Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ sử dụng vũ lực bảo vệ cái gọi là "lợi ích...

TQ sử dụng vũ lực bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi”?

Một khi sức mạnh quân sự Trung Quốc phát triển đầy đủ, vũ khí và lực lượng của Trung Quốc có thể góp phần tạo ra xung đột khu vực ở Biển Đông và Hoa Đông.

Từ khi nhậm chức, ông Tập Cận Bình không chỉ đả hổ diệt ruồi, mà còn tái cơ cấu
lại quân đội Trung Quốc với quy mô, mức độ chưa từng có. Ảnh minh họa: NDTV.

Asia Times ngày 4/11 đăng bài viết của tác giả Bill Gertz cho hay, báo cáo các vấn đề về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ sắp được công bố đã cảnh báo rằng, Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm, máy bay, tình báo quân sự và các căn cứ ở nước ngoài để nỗ lực trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu.

Dự thảo báo cáo hàng năm về Trung Quốc của Ủy ban Kinh tế và An ninh có một chương về phát triển và triển khai sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Nội dung này cảnh báo rằng, một khi sức mạnh quân sự Trung Quốc phát triển đầy đủ, vũ khí và lực lượng của Trung Quốc có thể góp phần tạo ra xung đột khu vực ở Biển Đông và Hoa Đông.

Bản dự thảo báo cáo viết: “Trung Quốc đang phát triển khả năng quân sự để đối phó với không khí thù địch trên bề mặt và dưới lòng biển, phạm vi hoạt động trong vùng biển xa.”

Khả năng quân sự mới sẽ giúp Trung Quốc mở rộng hoặc cải thiện năng lực của quân đội, tiến hành một loạt các hoạt động tập trung bên ngoài (lãnh thổ) như tác chiến đổ bộ, cứu trợ thiên tai, sơ tán công dân và gìn giữ hòa bình.

Hoa Kỳ đánh giá rằng, khả năng triển khai sức mạnh quân sự mở rộng của Trung Quốc có thể còn tăng khả năng chiến tranh truyền thống giữa Trung Quốc với các nước láng giềng yếu hơn:

“Với việc tăng cường khả năng chiến lược, tăng cường năng lực của các lực lượng đặc biệt, lực lượng chiến hạm mặt nước và không quân, kết hợp với kinh nghiệm tinh vi, hoạt động thường xuyên ngoài lãnh thổ, Trung Quốc có khả năng nghiêng nhiều hơn về việc sử dụng vũ lực để bảo vệ (cái họ gọi là) lợi ích cốt lõi.”

Dự thảo báo cáo sẽ chính thức được phát hành ngày 16/11, một người phát ngôn của Ủy ban này cho biết.

Người viết cho rằng, tham vọng trở thành siêu cường toàn cầu sánh vai với Mỹ, thậm chí vượt mặt Hoa Kỳ để trở thành số 1 đã rõ như ban ngày.

Ngay từ khi mới nhậm chức, ông Tập Cận Bình đã tìm cách tạo ra “mô hình mới quan hệ nước lớn” với Mỹ, nhưng ông Barack Obama chưa bao giờ thừa nhận.

Tại hội nghị thượng đỉnh phi chính thức ở Sunnylands, California tháng 6/2013, ông Tập Cận Bình đã công khai ý định “chia đôi Thái Bình Dương” với người Mỹ. Tất nhiên Hoa Kỳ không đơn giản gật đầu.

Tuy nhiên, bằng việc leo thang quân sự hóa Biển Đông thông qua việc xây dựng bất hợp pháp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) và “thu phục” Philippines, Malaysia sau Phán quyết Trọng tài, Trung Quốc đang tước dần ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông.

Những động thái này đi kèm với các hoạt động quân sự “chọc thủng chuỗi ngọc trai thứ nhất” ra Tây Thái Bình Dương, kết hợp với chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng “Một vành đai, một con đường” hay “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, Trung Quốc đang thực sự tạo ra mối đe dọa đối với vị thế của Hoa Kỳ.

Đi kèm với nó là trật tự thế giới, khu vực đã định hình sau Chiến tranh Thế giới thứ II và sự phát triển của luật pháp, chính trị, ngoại giao quốc tế đang đứng trước nguy cơ bị xáo trộn.

Tuy nhiên bàn cờ Biển Đông nói riêng, Đông Nam Á nói chung ngày nay đã không chỉ đơn thuần là nơi Trung – Mỹ so tài, sự tham dự của các cường quốc mới nổi khác cũng là một nhân tố đáng chú ý.

Sự tham gia mạnh mẽ của Nhật Bản, Ấn Độ vào Đông Nam Á, đặc biệt là Nhật Bản, thiết nghĩ sẽ có vai trò tích cực đối với hòa bình, ổn định của khu vực.

Hơn nữa, “mặt trái” của các cuộc tấn công quyến rũ mà Trung Quốc nhằm vào các nước láng giềng chính là hạn chế khả năng sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Bắc Kinh đang dùng “kẹo” kinh tế và tiền mặt trong túi để lôi kéo các nước láng giềng ở Biển Đông khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ thì có lẽ không dễ manh động dùng vũ lực. 

Chỉ có điều, đi theo sau những hợp đồng, những khoản vay tưởng chừng béo bở ấy có thể là những điều kiện để Trung Quốc thải hết các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm của mình sang nước khác, theo chân các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dùng đến vốn vay của Trung Quốc, hoặc qua AIIB…

Lao động chân tay của Trung Quốc cũng đi theo những dự án này sang lập làng lập phố ở các nước vay tiền Trung Quốc. Đó đã là một thực tế hiện hữu chứ không còn là cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới