Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 09/11

Bản tin Biển Đông ngày 09/11

Bản tin Biển Đông ngày 09/11/2016.

Ngư dân Philippines chuẩn bị đến bãi cạn Scarborough đánh bắt cá. Ảnh: REUTERS

1) Thời báo Hoàn cầu chỉ trích mạnh mẽ việc Ấn Độ can dự vào vấn đề Biển Đông

Ngày 8/11, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Ấn Độ đã đánh giá quá cao ưu thế “Biển Đông” của nước này” của tác giả Liu Zhun:

Bài viết tỏ rõ sự búc xúc trước việc New Delhi đang tìm kiếm sự ủng hộ của Tokyo nhân chuyến thăm của Thủ tướng Narenda Modi tới Nhật Bản tuần tới để đưa ra một tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông.

Ông Liu Zhun đã cố tình bác bỏ những nỗ lực gần đây của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông với lý do: Ấn Độ không phải là một bên tranh chấp, không có ảnh hưởng truyền thống ở khu vực, nhưng “dường như Ấn Độ đã đánh giá quá cao ưu thế của mình ở khu vực Biển Đông” bởi “các nước lớn đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông như Mỹ và Nhật dù đang cố gắng lôi Ấn Độ về phe mình nhưng Ấn Độ sẽ chỉ có vai trò mang tính “biểu tượng””. Không những thế, ông Liu Zhun còn chỉ trích những nỗ lực của Ấn Độ nhằm đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung với Singapore, cho rằng đó là động thái làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, “hành động của Ấn Độ là thiếu thỏa đáng và thiếu tư cách lãnh đạo”, cảnh cáo Ấn Độ sẽ chẳng được gì từ việc đối trọng với Trung Quốc thông qua Nhật Bản và thậm chí “có thể có khả năng bị cuốn vào tranh chấp Biển Đông, trở thành con tốt trong tay Mỹ và đánh đổi lấy những tổn thất từ Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại.

2) An ninh biển ở Biển Đông là mối lo ngại chiến lược chung với cả Nhật Bản và Ấn Độ

Ngày 9/11, báo The Japan News đăng tải bài viết “An ninh biển ở Biển Đông là mối lo ngại chiến lược chung với cả Nhật Bản và Ấn Độ” của tác giả Madhuchanda Ghosh, Phó Giáo sư thuộc Trường Đại học Tổng thống về Khoa học Chính trị, Kolkata, Ấn Độ:

Trong bài viết, PGS. Madhuchanda Ghosh đã chỉ ra và phân tích những nguyên nhân cụ thể gây ra lo ngại cho Ấn Độ và Nhật Bản trong bối cảnh môi trường an ninh biển ở Biển Đông đang ngày càng xấu đi, gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế và chiến lược của hai nước này ở khu vực. Sự lo ngại của Ấn Độ và Nhật Bản đối với môi trường an ninh biển ở Biển Đông được thể hiện rõ trong các tuyên bố chung giữa hai bên, ví dụ như tuyên bố chung trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Ấn Độ hồi tháng 12/2015, trong đó hai bên bày tỏ lo ngại về những diễn biến ở Biển Đông hay tuyên bố chung ngày 14/7/2016 kêu gọi các bên “cố gắng tuân thủ” Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông. Ông Ghosh đưa ra dự báo rằng một tuyên bố trong chuyến thăm sắp tới đến Nhật Bản của Thủ tướng Narenda Modi hoàn toàn có khả năng được hiện thực hóa, nhằm thể hiện một lập trường mạnh mẽ hơn liên quan đến các thách thức đang nổi lên ở Biển Đông.

Tác giả nhận định, vấn đề Biển Đông bắt đầu nổi lên trong cuộc đối thoại về an ninh giữa New Delhi và Tokyo là vì kinh tế của hai nước chủ yếu phụ thuộc vào tuyến vận tải trên biển đi qua Biển Đông, tuyến đường thương mại quốc tế quan trọng của thế giới, nơi có hàng tỉ đô la dòng chảy thương mại đi qua, đồng thời cũng là khu vực giàu khí hydrocarbon và khí gas tự nhiên. Bên cạnh đó, hai nước còn có lợi ích khi ủng hộ tự do hàng hải ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, và hợp tác nhằm bảo vệ và thúc đẩy an ninh biển ở khu vực cũng như duy trì cân bằng quyền lực ở khu vực. Ngoài ra, sự quyết đoán về mặt quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã gây ra lo ngại về mặt chiến lược cho Tokyo và New Delhi, khi Bắc Kinh đang thể hiện một cách rõ ràng chiến lược biển mới của mình thông qua động thái gây căng thẳng cho các nước láng giềng trong những năm gần đây như việc Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc mở rộng hoạt động trên Biển Đông, triển khai tên lửa tới quần đảo Trường Sa và tiến hành các hoạt động bồi đắp và cải tạo đảo một cách ráo riết.

Để góp phần củng cố an ninh và ổn định trên biển của khu vực, PGS. Ghosh đã gợi ý Ấn Độ và Nhật Bản cần cùng với một số nước khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thăm dò các cơ chế hợp tác với Trung Quốc thông qua một khuôn khổ đa phương nhằm “giúp” Trung Quốc trở thành một quốc gia có trách nhiệm và từ bỏ ý định thay đổi nguyên trạng khu vực bằng vũ lực; đồng thời cần ủng hộ việc xây dựng và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), văn kiện có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ chưa được xử lý.

3) Đại sứ mới của Philippines: Trung Quốc đang tuân thủ Phán quyết Trọng tài

Ngày 9/11, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sángAsahi Shimbun đưa tin:

Ngày 8/11, tại một diễn đàn doanh nghiệp, ông Jose Santiago Santa Romana, dự kiến sẽ là Đại sứ mới của Philippines tại Bắc Kinh, khẳng định việc Bắc Kinh chấm dứt phong tỏa bãi cạn Scarborough trên Biển Đông cho thấy nước này về cơ bản đã tuân thủ Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7, dù không chính thức thừa nhận điều này. Ông cho biết, trước đây, trong thời gian tham gia đoàn do cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos dẫn đầu tới Hồng Kông để trao đổi với một số “người bạn cũ” về việc xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, vấn đề bãi cạn Scarborough đã được bàn tới và “Trung Quốc đã cam kết rằng nước này sẽ không bồi đắp bãi cạn này, mà sẽ “duy trì” nó như một khu bảo tồn biển, do đó sẽ không cho phép các ngư dân, kể cả ngư dân của Trung Quốc tới đánh cá trong vũng nước của bãi cạn”. Theo đó, ông cho rằng vào thời điểm này, Philippines và Trung Quốc cần triển khai một số quy định trong cam kết giữa lực lượng cảnh sát biển của hai bên để tránh để xảy ra căng thẳng một lần nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới