Thursday, January 2, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 10/11

Bản tin Biển Đông ngày 10/11

Bản tin Biển Đông ngày 10/11/2016.

1) Tàu đổ bộ của Trung Quốc tiến hành diễn tập tại Biển Đông

Ngày 9/11, mạng Quân sự Trung Quốc đưa tin:

Ngày 7/11, tàu đổ bộ vận tải mô hình Kunlun Shan (thân tàu gắn số hiệu 998) đã triển khai hệ thống vũ khí giáp lá cà tại các mục tiêu giả định. Theo kế hoạch, tàu Kunlun Shan, thuộc Hạm đội Nam Hải của Hải quân Quân Giải phóng Trung Quốc đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại một khu vực không được tiết lộ trên Biển Đông từ ngày 4 – 7/11/2016.

2) “BATNA: giải pháp thay thế tốt hơn để đạt được một thoả thuận”

Ngày 10/11, tờ The Manila Times đăng bài viết “BATNA: giải pháp tốt hơn để đạt được một thoả thuận” của tướng về hưu Victor N. Corpus, nguyên Giám đốc cơ quan Tình báo quân lực Philippines:

Tướng Victor N. Corpus đã phân tích mối liên hệ và tầm quan trọng của BATNA hay còn gọi là “Giải pháp thay thế tốt hơn để đạt được một thoả thuận”xuất phát từ bối cảnh Philippines sắp tiến hành đàm phán với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp biển giữa hai quốc gia. Ông kêu gọi các nhà đàm phán của Philippines cần phải biết rõ và lưu tâm đến các BATNA của Trung Quốc bởi chỉ làm được điều này, Manila mới có thể ngăn chặn khả năng xảy ra chiến tranh và tránh bị Trung Quốc cản trở quyền khai thác các nguồn tài nguyên dầu, khí và nguồn cá của mình trong khu vực.

Ông cho biết, BATNA mà Trung Quốc đang áp dụng có thể hướng đến hai mục đích. Thứ nhất, sự sống còn của “một quốc gia, một nền văn minh Trung Hoa” về cơ bản phụ thuộc vào cái gọi là “những hòn đá khô cằn”, bởi bãi cạn Scarborough nằm ngay gần sát rãnh Manila, khu vực có độ sâu lớn nhất ở Biển Đông cho phép các tàu ngầm của Mỹ tiến hành do thám bí mật và tiếp cận với bờ Đông của Trung Quốc nằm gần Đài Loan, cũng như cho phép Mỹ khởi động cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ từ vị trí cách bờ biển Trung Quốc chỉ 200 – 300 km. Không những thế, thông qua rãnh Manila các tàu ngầm hạt nhân loại US Ohio còn có thể dễ dàng được tiếp cận Vịnh Subic của Philippines. Do đó, Trung Quốc rất cần duy trì sự hiện diện ở bãi cạn Scarborough để ngăn ngừa kịch bản này xảy ra. Thứ hai, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo, trên một trong số đó có xây dựng vài đường băng, là nhằm ngăn chặn bất kỳ sự phong toả quân sự tiềm tàng nào của Hạm đội số 7 của Mỹ đối với eo biển Malacca hay các eo biển khác ở vùng biên (ví dụ như Sunda, Lombok, Makassar…) có thể khiến nền kinh tế của Trung Quốc phải đình trệ. Do đó, Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với bất cứ bên nào muốn thực thi Phán quyết Toà Trọng tài để bảo vệ các đảo nhân tạo, dù có phải tiến hành chiến tranh hạt nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới