Người đứng đầu ngành công thương cho rằng hiện chưa thể đánh giá kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ảnh hưởng thế nào đến TPP, song quan điểm của Việt Nam là luôn sẵn sàng hội nhập, cạnh tranh.
Bộ trưởng Công Thương – Trần Tuấn Anh
Quan điểm nêu trên được Bộ trưởng Công Thương – Trần Tuấn Anh chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 10/11.
– Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vừa công bố với thắng lợi thuộc về ông Donald Trump được dự báo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thương mại cũng như tương lai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Mỹ là 2 thành viên?
– Việc này chưa thể đánh giá được, bởi đây là sự kiện lớn của toàn thế giới, diễn biến có thể khá phức tạp, không giống dự đoán. Tổng thống mới của Mỹ có thể có những động thái ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí trực tiếp đến các dòng chảy của thương mại của thế giới. Thế nhưng, chúng ta phải đợi xem vì từ những thông tin, quan điểm trong vận động tranh cử đến thực thi của chính thể mới còn phải có thời gian.
Về vấn đề TPP, Việt Nam có quan điểm, chính sách nhất quán trong hội nhập là chủ động, sâu rộng với thế giới và hiệp định này cũng là một hướng đi đó, theo dòng chảy chung của thương mại thế giới. Các thay đổi hay bất cứ tình hình phức tạp gì thì vẫn còn thời gian dự đoán, tiếp tục xây dựng các phương án. Tất nhiên những phương án đưa ra phải dựa trên cơ sở của các chính sách đối ngoại được công bố chính xác.
– Nhiều ý kiến lo lắng doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, dệt may sẽ gặp khó khăn nếu chính sách tại một thị trường quan trọng như Mỹ thay đổi. Ý kiến của Bộ trưởng ra sao về vấn đề này?
– Quan điểm của Việt Nam đối với phát triển quan hệ thương mại quốc tế đều định hướng theo đa phương hóa, đa dạng hóa. Bản thân TPP cũng chỉ là một trong số các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta tham gia. Tất nhiên, TPP có tầm vóc, bối cảnh rất lớn, không chỉ riêng các nước châu Á – Thái Bình Dương mà còn ảnh hưởng rất mạnh, sâu rộng đến thương mại thế giới.
Tôi cho rằng hiện còn rất sớm để có thể đưa ra các đoán định tương lai của TPP. Nhưng cho dù trong trường hợp nào, chúng ta cũng luôn sẵn sàng, vì hội nhập không chỉ phụ thuộc vào hiệp định này. Đó còn là yêu cầu, động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Xu thế mở cửa và hội nhập của Việt Nam vẫn sẽ được khẳng định.
– Nếu thị trường Mỹ khó khăn, Việt Nam sẽ có giải pháp gì để chuyển hướng?
– Ngoài kỳ vọng vào TPP, các FTA mà Việt Nam đã ký với Chile, Hàn Quốc mang tính song phương, hay FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu đều nằm trong tổng thể chiến lược mở rộng quan hệ.
Có thể nói, tất cả các FTA thế hệ mới này sẽ là các viên gạch để tạo nền tảng cho hội nhập của Việt Nam. Nếu có TPP, chúng ta sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường, nhưng nếu không thì các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với cạnh tranh trong khu vực và hội nhập thế giới. Như vậy, phải hướng tới nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế, sản phẩm. Khi đó, Việt Nam sẽ có điều kiện cạnh tranh một cách bình đẳng, sòng phẳng, tranh thủ cơ hội của thị trường. Bên cạnh sự phức tạp của tình hình chính trị, đối ngoại thế giới, chúng ta vẫn có niềm tin về sự cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng từ chiến lược tranh cử của ứng viên đến tổ chức thực hiện khi nhậm chức cũng có thể có khoảng cách. Khi xem xét lại toàn bộ TPP với tư cách một Tổng thống, ông Trump có thể sẽ thấy mục tiêu của hiệp định là gì và cái lợi của doanh nghiệp Mỹ ra sao để có hướng đi phù hợp.
Ngoài ra, trước khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở, ông này vẫn đang cố gắng thúc giục Thượng viện Mỹ thông qua TPP. Tất nhiên, điều này còn tuỳ thuộc vào chính trường Mỹ, song những người ủng hộ TPP cũng không nên quá bi quan.