Friday, December 27, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững điều ít biết về tân Bộ trưởng An ninhTrung Quốc

Những điều ít biết về tân Bộ trưởng An ninhTrung Quốc

Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh, thay thế người tiền nhiệm Cảnh Huệ Xương, ông Trần Văn Thanh đã trở thành “mục tiêu săn tin” của giới truyền thông. Mấy hôm trước (7-11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ nhiệm 3 tân bộ trưởng (An ninh, Dân chính và Tài chính).

Ông Trần Văn Thanh

Ông Trần Văn Thanh sinh (tháng 1-1960) ra tại thành phố Nhân Thọ, tỉnh Tứ Xuyên và trở thành đảng viên từ tháng 3-1983. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành luật tại Học viện Chính pháp Tây Nam (từ tháng 9-1980 đến tháng 7-1984), ông Trần Văn Thanh tới nhận công tác tại phòng an ninh, huyện Bành Sơn, thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên và nhanh chóng được đề bạt làm Phó phòng an ninh khu Kim Khẩu Hà (tháng 12-1986). Và tới tháng 6-1990, ông Trần Văn Thanh được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng phân cục an ninh khu Ngũ Thông Kiều, thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Hơn 2 năm sau (tháng 12-1992), ông Trần Văn Thanh được điều về làm Phó Giám đốc công an thành phố Lạc Sơn, rồi Giám đốc công an thành phố Lạc Sơn (tháng 8-1994). Từ tháng 8-1994 đến tháng 1-1998, ông Trần Văn Thanh làm Phó Chánh Văn phòng, rồi Chánh Văn phòng an ninh tỉnh Tứ Xuyên (tháng 4-2002). Sau gần 4 năm làm Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Tứ Xuyên (từ tháng 4-2002 đến tháng 8-2006), ông Trần Văn Thanh được cử làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật tỉnh Phúc Kiến (từ tháng 8-2006 đến tháng 5-2011), rồi Phó Bí thư tỉnh Phúc Kiến (từ tháng 5-2011 đến tháng 11-2012). Từ tháng 11-2012 đến tháng 4-2015, ông Trần Văn Thanh được điều về làm Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương. Và từ tháng 4-2015 đến khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh hôm 7-11, ông Trần Văn Thanh là Bí thư đảng ủy Bộ An ninh.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Trần Văn Thanh từng là quan chức có tên tuổi tại Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương (cơ quan chống tham nhũng), là thân cận của ông Vương Kỳ Sơn, người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng – “đả hổ, diệt ruồi” tại nước này. Bởi ông là Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương, “phó tướng” của Chủ nhiệm Vương Kỳ Sơn trong quá trình điều tra ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Bí thư Ủy ban chính pháp, Bộ trưởng Bộ Công an. Nhiều người cho rằng, sau khi được điều về Bộ An ninh, một trong những việc làm đầu tiên của ông Trần Văn Thanh là đưa vụ bê bối của Thứ trưởng An ninh Mã Kiện ra ánh sáng. Tuy chỉ là Thứ trưởng An ninh, nhưng vụ bắt giữ ông Mã Kiện được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi ông Mã Kiện không những được coi là trùm tình báo tại Trung Quốc, mà từng được dư luận đồn đoán sẽ thay thế Bộ trưởng An ninh Cảnh Huệ Xương. Ngoài ra, cựu Thứ trưởng Mã Kiện còn là quan chức an ninh cao nhất bị bắt sau bê bối của cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang. Gần 9 tháng trước (25-2), Tân Hoa xã cho biết, ông Mã Kiện đã bị bãi miễn tư cách ủy viên Ủy ban Chính hiệp và quyết định này được đưa ra sau khi Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương thông báo (16-1), cựu Thứ trưởng An ninh đang bị điều tra vì những vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Theo thông tin trên tạp chí Tài Tân của Trung Quốc, nhân viên điều tra đã tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến cuộc sống xa hoa của cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Mã Kiện. Bởi ông Mã Kiện sở hữu 6 biệt thự tại những khu vực đắt nhất ở thủ đô Bắc Kinh để sống với 6 bồ nhí cùng 2 con trai ngoài giá thú. Và 2 trong số 6 bồ nhí là người đang làm việc tại các đơn vị của Bộ An ninh. Trước khi trở thành Thứ trưởng An ninh (năm 2006), ông Mã Kiện từng phụ trách Cục 10, chuyên quản lý các tổ chức nhà nước, nhân viên và lưu học sinh Trung Quốc ở nước ngoài, và phát hiện các mục tiêu phản động ở nước ngoài. Theo tờ South China Morning Post, ông Mã Kiện bị bắt vì bị cáo buộc tham nhũng và có liên quan với ông Lý Hữu, Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ Phương Chính (Founder Group) thuộc sở hữu của trường Đại học Bắc Kinh, người bị cáo buộc đứng sau thao túng các vụ giao dịch chứng khoán có lợi nhuận khủng được thực hiện bởi một trong những thân nhân của cựu Thứ trưởng An ninh. Ngoài ra, ông Mã Kiện còn bị coi có quan hệ mật thiết với cựu Chánh văn phòng Trung ương đảng Lệnh Kế Hoạch.

Người đề xuất thành lập Bộ An ninh là Bộ trưởng Công an Lưu Phục Chi. Nhân sự làm việc tại Bộ An ninh thời kỳ mới thành lập được lấy chủ yếu từ Cục chống gián điệp của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cơ quan điều tra của Trung ương. Giới truyền thông cho rằng, cơ cấu tổ chức của Bộ An ninh gồm nhiều Tổng cục và các vụ, cục, đơn vị trực thuộc như Cục 1 (nội địa), Cục 2 (tình báo ở hải ngoại), Cục 3 (hoạt động ở Hongkong, MaCao và Đài Loan), Cục 4 (kỹ thuật nghiệp vụ), Cục 5 (địa phương), Cục 6 (phản gián), Cục 7 (phân tích và xử lý tin), Cục 8 (nghiên cứu), Cục 9 (an ninh nội bộ), Cục 10 (kinh tế), Cục 11 (điện tử và an ninh mạng).

RELATED ARTICLES

Tin mới