Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiRào cản ít đi, môi trường kinh doanh Việt Nam dần cải...

Rào cản ít đi, môi trường kinh doanh Việt Nam dần cải thiện

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa về môi trường kinh doanh Việt Nam 2015, rào cản đang ít đi, môi trường kinh doanh sáng dần lên.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng được hỗ trợ nhiều hơn cho phát triển (Ảnh minh họa)

Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và đối tác công bố sáng 9/11 có đánh giá: Môi trường kinh doanh dần cải thiện, giải pháp Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cần quyết liệt loại bỏ. 

Trở ngại giảm dần…

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và khu vực tư nhân được đánh giá tiếp tục là một động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khu vực DNNVV đã đạt được mức tăng trưởng theo cấp số nhân trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhiều khảo sát đã cho thấy, quá trình tăng trưởng này lại đang diễn ra trong điều kiện môi trường hạn chế nên thường dẫn đến việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, ví von hình ảnh môi trường kinh doanh như một bể cá mà trong đó mỗi doanh nghiệp như con cá trong đó. Trong môi trường đó, “cá” sống và phát triển được hay không phụ thuộc nhiều vào môi trường trong bể. Lâu nay chúng ta được nghe nói Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thì muốn biết “bể cá đó thực sự tốt đến đâu, thì cần đánh giá từ thực tế xem “cá” trong đó sống ra sao.

Đồng quan điểm này, GS. Finn Tarp (Đại học Liên Hợp Quốc) cũng cho rằng, tạo ra được bể cá là tốt, nhưng rất cần làm tốt hơn việc tìm cách để cá trong bể đó được sống và lớn lên. Tức là hiểu được môi trường mà DNNVV đang hoạt động cũng như những trở ngại họ đang đối mặt và cơ hội mà họ đang có là rất quan trọng để đưa ra được các chính sách có lợi cho một sự tăng trưởng ổn định.

Thực tế khảo sát cho thấy, nhìn chung, tỷ lệ các DNNVV Việt Nam gặp phải những trở ngại lớn đối với sự phát triển vẫn là khá cao. Năm 2015, có tới 83% số doanh nghiệp được điều tra cho biết họ có gặp trở ngại trong kinh doanh, tỷ lệ tương đương so với điều tra năm 2013. Trong đó, những cản trở nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp điều tra là: thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính; hạn chế của cầu sản phẩm hiện tại; cạnh tranh quá lớn; thiếu đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

GS. John Rand (Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu) cho rằng, thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính vẫn tiếp tục được đánh giá là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các cuộc điều tra trước đây, tỷ lệ này đã giảm đi, từ 45% năm 2011 xuống 30% năm 2013 và 24% năm 2015.

Khó khăn về thiếu cầu về sản phẩm hiện tại là trở ngại lớn thứ hai theo đánh giá của các chủ doanh nghiệp và nhóm nghiên cứu cũng thấy có sự giảm đi về tỷ lệ các doanh nghiệp gặp khó khăn, từ 27% năm 2013 xuống còn 21% năm 2015. Khó khăn xếp vị trí thứ ba là áp lực cạnh tranh mà các DNNVV phải đối mặt, với 17% doanh nghiệp điều tra, tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ của các cuộc điều tra năm 2011 và 2013.

Những đặc tính môi trường kinh doanh này, theo GS. John Rand, “cho thấy dấu hiệu rằng dường như các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện chút ít nhưng thứ tự các khó khăn vẫn không có sự thay đổi”.

Chí phí không chính thức giảm chậm… 

Một vấn đề đáng quan tâm khác, theo TS. Smriti Sharma (thành viên nhóm nghiên cứu), về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong điều kiện của một nền kinh tế đang phát triển là liệu tính chính thức và các thủ tục hành chính quan liêu có liên quan tới việc các doanh nghiệp phải chi ngoài không.

TS. Smriti Shara cho hay, các nghiên cứu thực nghiệm sử dụng cơ sở dữ liệu trong phạm vi nhỏ từ nhiều quốc gia thường chỉ ra rằng việc chuyển sang khu vực chính thức thường đem lại lợi ích lớn hơn cho các doanh nghiệp ở khía cạnh nâng cao lợi nhuận, đầu tư và tiếp cận tín dụng và có xu hướng phụ thuộc lớn vào các đặc tính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, gần 98% các doanh nghiệp trong khu vực chính thức ở năm 2013 vẫn tiếp tục ở lại khu vực này năm 2015 và chỉ một số lượng nhỏ các doanh nghiệp chuyển sang khu vực phi chính thức.

Ngược lại, khi xem xét sự thay đổi giữa các vòng điều tra trong bộ dữ liệu này TS.Smriti Sharma nhận thấy, có một lượng lớn các doanh nghiệp, lên tới 96% ra khỏi khu vực phi chính thức trong giai đoạn 2013-2015. Sự thay đổi tích cực này là rất đáng kể so với giai đoạn 2011- 2013 khi chỉ có khoảng 10% số doanh nghiệp chuyển từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

“Điều này có thể được lý giải do Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được thông qua năm 2014 thay thế cho các luật này ban hành năm 2005 đã có hiệu lực thi hành. Hai luật này đã hình thành nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đăng ký kinh doanh, điều này làm tăng số lượng đăng ký doanh nghiệp” – TS. Smriti Sharma nhận định.

Mặc dù vậy, khảo sát cho thấy, thay đổi nhỏ không đáng kể trong tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện các khoản chi phi chính thức (từ 44,6% năm 2013 xuống còn 42,7% năm 2015). Và có đến khoảng 70% doanh nghiệp thực hiện các khoản chi này trong 2 đến 5 năm qua.

Lý do chi không chính thức chủ yếu là: để kết nối được với các dịch vụ công, để có giấy phép, để giải quyết vấn đề về thuế và người thu thuế, để đạt được hợp đồng, để thỏa thuận với khách hàng, và chi cho những lý do khác.

GS. Finn Tarp đánh giá tổng thể rằng, “môi trường kinh doanh của Việt Nam đang dần thay đổi tích cực hơn. Xét từ góc độ môi trường kinh doanh đối với DNNVV thì con tàu của chúng ta đi đang đúng hướng. Việc doanh nghiệp từ phi chính thức đang dần chính thức hóa, so với mặt bằng chung của thế giới, là rất tốt và cần tiếp tục được thúc đẩy.

Tuy nhiên, GS. Finn Tarp cũng lo ngại rằng, chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nghiêm trọng, làm tổn hại sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thoát khỏi những chi phí phi chính thức. “Khi mọi thứ minh bạch thì chi phí không chính thức chắc chắn sẽ giảm” –GS. Finn Tarp nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới