Cố vấn thân cận của ông Shinzo Abe nói: “Chúng ta phải giải quyết những hiểu lầm của ông Donald Trump đối với Nhật Bản càng nhanh càng tốt.”
Lực lượng quân sự Mỹ – Nhật trong một cuộc tập trận chung, ảnh: Morasta.it.
The Wall Street Journal ngày 10/11 đưa tin, các đồng minh của Mỹ ở châu Á đã nhanh chóng có những nỗ lực giữ gìn, củng cố hiệp ước an ninh với Mỹ sau khi Donald Trump trúng cử Tổng thống.
Thủ tướng Australia, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc đã gọi điện chúc mừng Donald Trump hôm thứ Năm và củng cố thêm quan hệ với Mỹ, sau khi nhà lãnh đạo này đe dọa sẵn sàng thay đổi các thỏa thuận an ninh trong chiến dịch tranh cử.
Donald Trump đã không nhắc lại đe dọa này khi nghe điện mừng từ các nhà lãnh đạo đồng minh ở châu Á. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn lên kế hoạch bay qua New York tuần tới để gặp Donald Trump trước khi đi dự hội nghị APEC.
Trump cũng đã kam kết với Hàn Quốc sẽ giữ nguyên hiệp ước đảm bảo an ninh, Phủ Tổng thống Hàn cho biết. Còn Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục là một nền tảng cho hòa bình và ổn định.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói với các quan chức an ninh hàng đầu Hàn Quốc: “Chúng ta nên thiết lập mối quan hệ hợp tác với chính quyền Mỹ tiếp theo càng sớm càng tốt.”
Trong cuộc hội đàm tuần tới với Donald Trump và cố vấn, các quan chức Nhật Bản dự kiến sẽ nhấn mạnh sự sắp xếp hiện nay là cùng có lợi.
Họ sẽ chỉ ra rằng, Tokyo cũng phải trả công cho lao động địa phương ở các căn cứ Mỹ đóng quân, các hóa đơn lương thực thực phẩm và các chi phí khác.
Những năm gần đây Nhật Bản cũng phải chi hàng tỉ USD để các lực lượng Mỹ chuyển đến Guam.
Ichita Yamamoto, một cố vấn thân cận của ông Shinzo Abe nói: “Chúng ta phải giải quyết những hiểu lầm của ông Donald Trump đối với Nhật Bản càng nhanh càng tốt.”
Trong khi đó nghị sĩ đối lập Akihisa Nagashima đã từng gặp cố vấn của Trump, Michael Flynn trước bầu cử, cho rằng Nhật Bản không nền đồng ý chi thêm tiền. Nếu tiếp tục trả thêm tiền cho quân đội Mỹ, thì khác gì đó là lực lượng lính đánh thuê?
Mỹ chi khoảng 5,5 tỉ USD mỗi năm để duy trì các căn cứ quân sự và lực lượng của họ tại Nhật Bản.
Còn Tokyo cho biết họ cũng phải rót một khoản tiền tương đương hàng năm để hỗ trợ. Seoul nói rằng họ phải chi khoảng 886 triệu USD năm 2014 cho lính Mỹ, chiếm 40% tổng kinh phí duy trì lực lượng này.
Rory Medcalf, một nhà phân tích chiến lược từ Đại học Quốc gia Australia bình luận:
“Đồng minh của Mỹ bây giờ sẽ phải tìm cách thực tế hơn để giữ chân Mỹ tham gia càng nhiều càng tốt, đồng thời phải xây dựng một chính sách phòng ngừa rủi ro giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước là đồng minh của Mỹ.”
Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây đã nối lại các cuộc đàm phán thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự, cùng đề phòng mối đe dọa ngày càng tăng từ CHDCND Triều Tiên.
Nhật Bản và Australia gần đây bắt đầu tập trận chung nhiều hơn. Tháng trước, Nhật Bản và Philippines đã đồng ý tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng.
Yoshiki Mine, Chủ tịch Viện Ngoại giao vì hòa bình nhận xét: “Tất nhiên sẽ có ảnh hưởng rất lớn nếu Mỹ rút quân khỏi Nhật Bản, một tác động không thể tưởng tượng. Nhưng thực sự điều đó có thể xảy ra sao?”
Người viết cho rằng, trước khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống, ông là một tỉ phú – doanh nhân thành đạt, nên nhiều khả năng các kỹ năng đàm phán và thủ thuật kinh doanh sẽ được ông áp dụng vào chính trường, nhất là trong quan hệ quốc tế.
Do đó làm việc với Donald Trump cũng cần tìm hiểu rõ về con người ông và chuẩn bị những kỹ năng đàm phán nhất định, trong đó cần tính đến chiêu “nâng giá trước, đàm phán sau”.
Mặt khác, Donald Trump trong lúc vận động tranh cử có thể ăn nói bạt mạng, nhưng Donald Trump ông chủ Nhà Trắng có lẽ sẽ khác, phát ngôn và hành động chuẩn mực hơn, người viết hy vọng sẽ là như vậy.