Saturday, December 21, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGiảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách: Địa phương...

Giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách: Địa phương kêu khó

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương như: TP HCM (giảm 5%); Đà Nẵng (giảm 17%)…

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017

Cần có sự chia sẻ của các địa phương có tiềm lực kinh tế lớn

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 cho thấy, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương như: TP Hồ Chí Minh (giảm 5%); Đà Nẵng (giảm 17%)…

Các đại biểu cho rằng, việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho các địa phương sẽ không có động lực để địa phương phát triển, đề nghị giữ mức hợp lý ở một số địa phương vùng động lực kinh tế.

Trước luồng ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của ngân sách Nhà nước (NSNN), nhất là trong những năm gần đây vai trò của ngân sách Trung ương (NSTW) giảm sút, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân  đối, tăng tỷ lệ phần trăm điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên.

Do vậy, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc Chính phủ trình tăng tỷ lệ điều tiết thu nộp của một số tỉnh trọng điểm thu về NSTW là phù hợp, tăng nguồn lực để chia sẻ với các địa phương còn nhiều khó khăn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý: Việc xác định tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương đã căn cứ trên tổng số chi cân đối NSNN tính theo nguyên tắc tiêu chí, định mức mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 về chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên từ NSNN, bảo đảm mặt bằng chung giữa các địa phương. Các định mức phân bổ đã có hệ số và mức ưu tiên cho các địa phương điều tiết về NSTW. Đã ưu tiên phân bổ thêm số chi tính theo dân số từ 30% đến 70%. Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt còn được tăng cao hơn để xử lý các vấn đề về môi trường, thị chính, đảm bảo an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai,…

Bên cạnh đó, hàng năm, NSTW còn hỗ trợ các địa phương này thông qua các dự án vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và bổ sung có mục tiêu. Đây là nguồn lực lớn đóng góp vào tổng đầu tư toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nói chung của các địa phương.

Riêng TP HCM, nếu tính cả khoản bổ sung có  mục tiêu từ NSTW cho ngân sách thành phồ năm 2017 là 7.316 tỷ đồng để thực hiện các dự án công trình quan trọng, thì tỷ lệ điều tiết của TP HCM khoảng 22%. Đồng thời, nếu tính cả 10.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án chống ngập và 8.800 tỷ đồng cho 2 bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM  thì tổng mức hỗ trợ từ NSTW khoảng 18.800 tỷ đồng cho thành phố.

Tại phiên thảo luận về dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017, đại biểu Quốc hội của các thành phố lớn chia sẻ nhiều băn khoăn khi nguồn lực đầu tư cho địa phương bị cắt giảm mạnh, trong đó TP HCM giảm 5%, Hà Nội giảm 7%, Đà Nẵng giảm 17%…

Địa phương kêu khó

Trước đó, tại phiên thảo luận về dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) lên tiếng: Thành phố đồng ý cắt giảm nhưng nên giảm có mức độ.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, với tinh thần chia sẻ cùng cả nước, thành phố đồng ý giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại, nhưng không nên điều tiết đột ngột từ 23% xuống 18% (giai đoạn 2017 – 2020). Số tiền này tương đương hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

“Bây giờ giảm đột ngột một lúc 5%, trong 1% của TP.HCM thì con số tuyệt đối là rất lớn, sẽ khiến thành phố rất khó trong chính sách điều hành”, bà Tâm băn khoăn.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (đoàn Đà Nẵng) cũng nêu ý kiến: Mức giao dự toán thu ngân sách 2017 với Đà Nẵng cao hơn gấp đôi bình quân cả nước. Năm 2017, Chính phủ trình Quốc hội xem xét tỷ lệ điều tiết phần ngân sách Đà Nẵng được giữ lại chỉ còn 68%, giảm mạnh so với tỷ lệ 85% giai đoạn 2011-2016. Trong số 16 tỉnh, thành tự cân đối ngân sách giai đoạn 2017-2020, Đà Nẵng là địa phương được huy động tăng cao đột biến với tỷ lệ 17%.

“Tôi cho rằng, việc tăng tỉ lệ điều tiết quá cao, đột ngột và bất ngờ…”, ông Quang nói, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều tiết lại, tránh địa phương quá sốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới