Theo CNN, ngày 14/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump điện đàm. Hai người đứng đầu hai cường quốc nhất trí rằng các quan hệ song phương giữa hai cường quốc này có vai trò quan trọng và hai bên sẽ tăng cường hợp tác.
Ông Obama và tân Tổng thống Donald Trump .
Hai ông cũng đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ, thiết lập mối quan hệ làm việc hiệu quả và sớm tổ chức cuộc gặp riêng để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm.
Hãng thông tấn CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình: “Thực tế chứng minh rằng hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho Trung Quốc và Mỹ. Hai bên phải tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế của hai nước và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mở rộng tất cả các lĩnh vực trao đổi và hợp tác, đảm bảo người dân hai nước được hưởng những lợi ích thiết thực hơn và thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ Trung-Mỹ”.
Còn Tổng thống đắc cử Trump đã nói với ông Tập rằng, ông sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để củng cố sự hợp tác Mỹ-Trung. “Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời và quan trọng. Sự phát triển của Trung Quốc là đáng kể”. Và cao hứng, ông Trump không tiếc lời có cánh: “Quan hệ Mỹ-Trung có khả năng chắc chắn đạt được phát triển lớn hơn mang lại lợi ích cho cả đôi bên”.
Thật là lưỡi không xương.
Người dân Mỹ và Trung Quốc đều chưa quên một điều, trong suốt quá trình tranh cử, ông Donald Trump đã luôn tỏ ra có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Rằng ông sẽ thực hiện biện pháp mạnh nhằm vào Bắc Kinh liên quan đến những vấn đề thương mại.
Còn ông Tập Cận Bình khi điện đàm với ông Trump nói vống lên rằng: “hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho Trung Quốc và Mỹ”. Trước đó, nhiều phân tích từ truyền thông và giới quan sát quốc tế nhận định Donald Trump thắng cử là mong muốn của Bắc Kinh, thậm chí tạp chí Mỹ Foreign Policy giật tít “Trung Quốc vừa thắng bầu cử tại Mỹ”.
Nhưng Trung Quốc không thể ru ngủ ông Trump dễ dàng. Các phân tích của các bộ óc tỉnh táo ở Trung Nam Hải cho rằng, Trump sẽ áp đặt chính sách kinh tế hết sức cứng rắn với Bắc Kinh và “buông lỏng” chính sách an ninh, cho phép quyền chủ động trong thế đối đầu quân sự, đặc biệt ở châu Á-Thái Bình Dương, lọt vào tay Trung Quốc.
Theo nhận định của học giả Cố Thiện Văn từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược & Phát triển Giang Tô, Trung Quốc: còn quá sớm để Bắc Kinh “vui mừng”. Ông tin rằng sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump rất có khả năng nhanh chóng tìm cách “tháo xích” cho ngân sách quốc phòng, vốn bị kìm hãm mạnh từ năm 2013 bởi cơ chế cắt giảm chi tiêu mạnh của chính quyền Tổng thống Obama. Ông Cố đánh giá, Trung Quốc sẽ là nước chịu ảnh hưởng rất lớn một khi Trump dỡ bỏ hạn chế về ngân sách quốc phòng.
Với tuyên bố rất rõ ràng của Trump về việc xây dựng một quân đội hùng mạnh, được tăng cường trang thiết bị và khí tài hiện đại, đừng hi vọng Mỹ sẽ “hiền lành” hơn trong các hoạt động đối đầu Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và biển Đông. Trước sau như một chiến lược “xoay trục châu Á” là bất di bất dịch đối với Lầu Năm Góc và hàng loạt nhà hoạch định chính sách đối ngoại cấp cao. Chiến lược này khó dịch chuyển dù chỉ là một li, ngay cả khi đó là ý chí của Tổng thống Trump, chưa kể quân đội Mỹ duy trì khả năng quyết sách tương đối độc lập với Nhà Trắng. Xét đến lợi ích trực tiếp của lực lượng, gần như không có khả năng quân đội Mỹ xao nhãng với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Vì thế, dù tuyên bố hữu hảo với ông Trump, nhưng chính phủ Trung Quốc không bao giờ có những ảo tưởng không thực tế về Mỹ và đồng minh trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Giới thạo tin thông báo, Bắc Kinh tiếp tục tăng nhanh ngân sách quốc phòng thường niên, nhằm đưa dự toán ngân sách trở về mức 2 con số trong thời gian ngắn nhất, bởi “mối đe dọa bên ngoài không hề giảm bớt”.
“Tăng cường sức mạnh mới là biện pháp đáng tin cậy nhất để ứng xử với chính quyền ‘không đáng tin’ của Donald Trump,” Cố Thiện Văn viết trong bài phân tích đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/11. Tờ Hoàn Cầu cũng cảnh báo Bắc Kinh về việc chính quyền Trump “ra đòn” nhằm vào Trung Quốc. Trang quân sự Sina thì nói rằng 80 chiến hạm mới dưới thời Trump sẽ “nhằm vào Trung Quốc” ở châu Á-Thái Bình Dương.
Như vậy, trái với những lời mật ngọt chết ruồi, Trung Quốc đang rất sợ bị Trump bao vây bằng “trọng binh”. Mà đã dùng đến vũ khí hạng nặng thì những lời giao đãi chả còn có ý nghĩa gì.
Mới hay sự đổi giọng nhanh chóng của các chính trị gia thời toàn cầu hóa kinh hoàng hơn nhiều so với thời chiến tranh lạnh! Những cái lưỡi không xương mặc sức uốn éo. Đạn bom thì không từ một chỗ nào, không ngại khi giáng xuống đầu dân lành, miễn là cỗ máy chiến tranh nhắm tất cả vào mục đích bá chủ thế giới của cả Mỹ và Trung Quốc.