Wednesday, May 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBản đồ đường 9 đoạn sẽ chỉ là cái gông lớn đeo...

Bản đồ đường 9 đoạn sẽ chỉ là cái gông lớn đeo vào cổ Trung Quốc

BienDong.Net: Ngày 27-7, báo Strait Times đã cho đăng tải bài phân tích của Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định Trung Quốc đã có quyết định sai lầm về nhiều vấn đề trên thế giới trong thời gian qua, trong đó có vấn đề biển Đông.

Giáo sư người Singapore Kishore Mahbubani được độc giả ngoài vùng Đông Nam Á biết đến với các tác phẩm khẳng định phương Tây đang đi xuống và trật tự thế giới mới sẽ thuộc về châu Á, với vai trò dẫn đầu của Trung Quốc.

alt

Giáo sư người Singapore Kishore Mahbubani ( Ảnh Getty Image )

Nhưng trong bài bình luận hôm 26/7, người đứng đầu Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore than phiền “sau 30 năm khôn khéo về địa chính trị, người Trung Quốc dường như đang trên đà để mất sự khôn khéo đó ngay khi họ cần nó nhất”.

Ông cho rằng Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn tại hội nghị ASEAN ở Campuchia hồi tháng Bảy, khi ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử không đưa ra được tuyên bố chung. Chủ nhà Campuchia không muốn bản tuyên bố nhắc đến tranh chấp Biển Đông.

Giáo sư Kishore Mahbubani nói: “Cả thế giới, trong đó có đa số các nước ASEAN, xem lập trường của Campuchia là do sức ép to lớn của Trung Quốc.”

Ông nói Trung Quốc “thắng trận chiến tuyên bố chung, nhưng có thể đã đánh mất 20 năm gây dựng thiện chí”.

alt

Trung Quốc bị tố cáo là đã gây sức ép để mua sự ủng hộ của CPC trong vấn đề Biển Đông ( Ảnh Reuters )

“Quan trọng nhất, các lãnh đạo trước đây của Trung Quốc tính toán rằng một ASEAN mạnh và đoàn kết là đệm chắn hữu ích chống lại mọi chiến lược kiềm chế của Mỹ.”

“Nay, khi chia rẽ ASEAN, Trung Quốc đã giúp Mỹ có cơ hội địa chính trị tốt nhất trong vùng.”

“Nếu Đặng Tiểu Bình còn sống, ông sẽ lo ngại sâu sắc” về điều này, tác giả viết.

Tấm bản đồ như “cái gông đeo vào cổ” Trung Quốc

Đáng chú ý, vị giáo sư người Singapore dành nhiều đoạn trong bài để chỉ trích yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc mà ông cho rằng nó “có thể sẽ chỉ là cái gông lớn đeo vào cổ Trung Quốc”.

Nhắc lại ngày 7/5/2009, Trung Quốc đã gửi Công hàm, trong đó kèm bản đồ có hình “đường lưỡi bò”, lên Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Công hàm này nhằm phản đối báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia cũng như báo cáo về thềm lục địa mở rộng của riêng Việt Nam.

Ông nói việc gửi kèm bản đồ năm 2009 của Trung Quốc là “không khôn ngoan” vì đó là lần đầu tiên Bắc Kinh kèm bản đồ trong văn thư chính thức cho LHQ.

“Sau khi đệ trình đường 9 đoạn lên LHQ, Trung Quốc bước vào thế không có lối ra, vì khó khăn trong việc biện hộ tấm bản đồ này theo luật quốc tế.”

Ông viết tiếp: “Ở trong nước, đường 9 đoạn có thể gây rắc rối cho chính phủ khi đem lại cho những người chỉ trích một vũ khí hữu ích.”

“Mọi dấu hiệu thỏa hiệp sẽ gây khó khăn về chính trị cho giới chức,” và Trung Quốc “sẽ phải tìm cách để thỏa hiệp quanh đường 9 đoạn”, ông nhận xét.

“Họ đã ngầm làm thế rồi. Mặc dù đường này bao gồm cả vùng biển đông bắc đảo Natuna thuộc Indonesia, song chính phủ Trung Quốc khẳng định với Indonesia rằng Trung Quốc không đòi đảo Natuna hay Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này.”

Theo ông Mahbubani, “thách thức hiện nay cho thế giới là Trung Quốc đã trở nên đa nguyên chính trị: không lãnh đạo nào đủ mạnh để có nhượng bộ đơn phương khôn ngoan,” học giả người Singapore nhận xét.

Giữa rất nhiều bình luận hàng ngày về Trung Quốc và Biển Đông của giới quan sát, sự phê phán của ông Kishore Mahbubani có thể được giới học giả Trung Quốc chú ý vì lâu nay ông vẫn chê phương Tây, và dự đoán Trung Quốc sẽ thay Mỹ ở vị trí số một thế giới.

Cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ gây chiến?

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy, giáo sư James Holmes thuộc Trường Chiến tranh hải quân (Mỹ) cảnh báo có khả năng Trung Quốc sẽ gây chiến trên biển Đông. Bởi chiến thuật “cây gậy nhỏ” (dùng lực lượng bán dân sự đàn áp tàu thuyền các nước trên biển Đông và khẳng định chủ quyền) đòi hỏi nhiều thời gian để Trung Quốc độc chiếm vùng biển quốc tế này. Áp lực từ phía dư luận trong nước sẽ buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải làm một điều gì đó trong khi các nước Đông Nam Á chưa đủ lực quân sự để chống trả.

Trong khi đó, báo Nhật Yomiuri Shimbun đăng xã luận kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không có những hành động đơn phương quá khích và yêu cầu nước này giảm căng thẳng bằng đàm phán. Yomiuri Shimbun khẳng định việc Trung Quốc đòi chủ quyền cả biển Đông và thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, điều quân đồn trú là nguyên nhân của mọi căng thẳng. Báo này cũng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc có thể cũng gây hấn tương tự trên biển Hoa Đông.

Theo báo Daily Inquirer, nghị sĩ Philippines Rodolfo Biazon, chủ tịch Ủy ban quốc phòng hạ viện, mới đây đã đặt vấn đề mời LHQ đưa quân gìn giữ hòa bình đến biển Đông để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc gây chiến. Ông Biazon cho rằng quân gìn giữ hòa bình LHQ có thể ngăn chặn khả năng căng thẳng “tăng lên mức nguy hiểm” do các hành động của Trung Quốc và là hành động hợp lý bởi Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) được 152 nước ký.

Sông Hương ( tổng hợp theo BBC, Tuổi Trẻ)

RELATED ARTICLES

Tin mới