Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), vụ 2 máy bay J-10 của Trung Quốc va chạm trên không hôm 12/11 là do lỗi động cơ Nga cung cấp.
Phi đội J-10 biểu diễn của Trung Quốc.
Đổ lỗi cho Nga
Tờ SCMP dẫn tuyên bố của chuyên gia quân sự Ni Lexiong, ở TP Thượng Hải cho biết, có nhiều vụ tai nạn liên quan đến máy bay J-10 nhưng nguyên nhân không được công bố. Chuyên gia này cho rằng những vụ tai nạn là cái giá phải trả cho quá trình hiện đại hóa của Không quân Trung Quốc.
Theo vị chuyên gia này, J-10 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ một động cơ được phát triển bởi Tập đoàn Máy bay Thành Đô vào những năm 1990 và chính thức phục vụ trong Không quân Trung Quốc từ năm 2005.
Máy bay này được thiết kế với động cơ AL-31 mạnh mẽ của Nga – loại động cơ ban đầu vốn được dành cho dòng máy bay Su-27 hai động cơ. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, J-10 gặp một số vấn đề không tương thích trong việc sử dụng AL-31.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, động cơ WS-10 do Trung Quốc tự phát triển thậm chí không đáng tin cậy bằng động cơ của Nga. Chính vì vậy đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng động cơ Nga, Ni Lexiong tuyên bố.
Được biết vụ tai nạn của máy bay hôm 12/11 xảy ra khi 2 chiếc đấu cơ J-10 thuộc Không quân Trung Quốc đã xảy ra va chạm trên không khiến 1 chiếc rơi xuống cánh đồng thuộc huyện Ngọc Điền, tỉnh Hà Bắc tạo ra một hố lớn sâu khoảng 2 mét.
Thời điểm xảy ra va chạm, trên máy bay có hai phi công gồm Yu Xu (nữ), 30 tuổi tử nạn và phi công nam đồng hành với cô đã kịp thoát ra khỏi máy bay và chỉ bị thương.
Tiếp tục mua động cơ Nga
Trong khi tuyên bố động cơ Nga không đáng tin cậy và chúng có thể chính là nguyên nhân của vụ tai nạn hôm 12/11 nhưng điều lạ lùng là Trung Quốc vẫn tiếp tục mua loại động cơ này từ Nga và trang bị chúng cho cả tiêm kích thế hệ 5 là J-20.
Theo nguồn tin nội bộ ngành sản xuất động cơ Nga, nước này sẽ cung cấp phiên bản cải tiến mới nhất của thế hệ động cơ AL-31 là AL-31M cho Trung Quốc và rất có thể nó sẽ được lắp đặt trên loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc là J-20.
Tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Defence Review dẫn nguồn thông tin từ Nhà máy chế tạo động cơ Saturn của Nga cho biết, Nga sẽ bán cho Trung Quốc động cơ AL-31M là phiên bản nâng cấp rất mạnh của loại động cơ AL-31F. Đồng thời, Moscow cũng bán và bảo dưỡng cho Bắc Kinh 100 động cơ tương đối tiên tiến là AL-31FN.
Việc Trung Quốc liên tục nhập khẩu động cơ AL-31F cho thấy 2 vấn đề. Một là nước này vẫn chưa có tiến bộ gì trong sản xuất động cơ máy bay quốc nội WS-10. Công nghiệp sản xuất động cơ là một ngành siêu khó, cần có nền tảng công nghệ cao và quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Để có được như ngày hôm nay, nhà sản xuất động cơ Nga đã trải qua quá trình tích lũy khinh nghiệm gần một thế kỷ.
Vấn đề thứ hai là Trung Quốc vẫn đang tiếp tục sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ J-10 nhưng chủ yếu tập trung vào J-10B. Số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của Trung Quốc vẫn chưa đủ (dự kiến chế tạo ít nhất 1000 chiếc J-10) nên họ đang dốc toàn lực vào chế tạo máy bay J-10 dẫn đến phải ồ ạt nhập khẩu động cơ máy bay của Nga, đồng thời ngành chế tạo vật liệu tổng hợp trong nước cũng không theo kịp tốc độ sản xuất máy bay.
Kanwa cho biết, trước đây Trung Quốc đã nhập khẩu một số lượng lớn thiết bị đại tu động cơ AL-31F từ Ukraine, nhưng do AL-31F và AL-31FN khác nhau nhiều về công nghệ nên phần lớn động cơ máy bay Trung Quốc vẫn phải mang sang Nga sửa chữa và đại tu. Trong khi đó, một số lượng lớn các máy bay chiến đấu J-11B đã sử dụng động cơ quốc nội WS-10A Thái Hàng của Công ty sản xuất động cơ Lê Minh.
Công ty động cơ Saturn đặc biệt lưu ý là sang năm 2014 họ sẽ cung cấp cho Trung Quốc loại động cơ mới là AL-31F-S42 hay còn gọi là AL-31M. Loại động cơ này có lực đẩy 13.500kg, hơn hẳn 1.000kg so với động cơ AL-31FN hiện đang sử dụng rộng rãi trong các loại máy bay Trung Quốc. Lực đẩy chưa đốt sau của nó cũng cao hơn gấp bội so với thế hệ trước (8.250kg/7.770kg).
Do kích thước cánh quạt tăng lên từ 905 lên 924mm nên trọng lượng của động cơ AL-31M cũng lớn hơn so với AL-31F (1.520/1.490kg), tuổi thọ của động cơ cũng tương đương với AL-31F với 4.000 giờ bay, nhưng lượng nhiên liệu tiêu hao ít hơn so với loại động cơ cũ.
Hiện nay, AL-31M chủ yếu được lắp ráp trên phiên bản mới nhất của dòng Su-27 là tiêm kích đa năng Su-27SM và máy bay ném bom Su-34 của Không quân Nga.