Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiHai cuộc chơi của Donald Trump ở TQ

Hai cuộc chơi của Donald Trump ở TQ

Quyết định chơi đến cùng ở Trung Quốc, Donald Trump thắng kiện sau 10 năm và trở thành Tân Tổng thống Mỹ đắc cử.

Người dân Trung Quốc đọc tờ báo có ảnh Donald Trump đắc cử. Ảnh: Nikkei

Trước và sau đắc cử

Tân Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vừa thắng vụ kiện suốt 10 năm theo đuổi ở Trung Quốc liên quan tới thương hiệu và tên của ông cho mục đích kinh doanh ở nước này.

Wall Street Journal cho biết, ông Trump đã đăng ký thương hiệu tên của mình cho các dịch vụ môi giới bất động sản, nhà ở và trung tâm thương mại ở Trung Quốc. Nhưng tên và thương hiệu của ông đã được 53 thương hiệu khác đăng ký trong  trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ quần áo, tiệm làm đẹp cho tới chăm sóc thú cưng và sân golf, nhưng chỉ có 21 thương hiệu là do ông Trump thực sự sở hữu.

Rất nhiều thương hiệu được đăng ký gần đây theo tên tổng thống đắc cử Mỹ nhưng không hề liên quan đến ông Trump, trong đó có các sản phẩm như bể cá thủy sinh, đạn dược, thuốc nổ, bài pocker, vợt tennis, thậm chí cả bao cao su.

Chiến thắng sau 10 năm, Luật sư Zhou Dandan của Văn phòng Luật Unitalen ở Bắc Kinh – người đại diện pháp luật cho ông Trump trong vụ kiện cho hay, tên của ông Trump đã rất phổ biến ở Bắc Kinh và với việc ông đắc cử tổng thống Mỹ, những cuộc tranh chấp pháp lý về thương hiệu có thể trở nên khốc liệt hơn trong tương lai.

Năm 2006, ông Trump đã nộp đơn lên phòng đăng ký thương hiệu thuộc Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Quốc gia Trung Quốc (SAIC) để đăng ký sở hữu thương hiệu Trump trong một loạt lĩnh vực ở Trung Quốc, trong đó có hoạt động môi giới bất động sản.

Đến năm 2009, SAIC từ chối một phần đơn của Trump, cho rằng thương hiệu này đã có người đăng ký. Hai tuần trước khi ông Trump nộp đơn, một người tên là Dong Wei đã đăng ký trước.

Theo phán quyết của tòa, đối thủ của ông được phép sử dụng thương hiệu Trump để cung cấp các dịch vụ “xây dựng – thông tin”, vốn là cốt lõi của dịch vụ môi giới bất động sản.

Trump không hài lòng với phán quyết này và yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc xem xét lại. Cuối năm 2014, SAIC tuyên bố đơn đăng ký thương hiệu của ông Trump quá giống với Dong Wei, có thể dẫn tới sự nhầm lẫn cho khách hàng. Cơ quan này cũng bác bỏ cáo buộc của ông Trump rằng Dong Wei “xâm phạm quyền sở hữu tên” của ông.

Vị tỷ phú quyết định nộp đơn kiện chính SAIC lên Tòa án Nhân dân Trung cấp Bắc Kinh, tuy nhiên các thẩm phán ở đây vẫn giữ nguyên phán quyết.

Đến tháng 5/2015, Tòa án Nhân dân Cao cấp Bắc Kinh ra phán quyết cuối cùng, bác đơn kháng cáo của ông Trump, chỉ một tháng trước khi ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, theo cơ sở dữ liệu của SAIC, sau khi thua kiện, ông Trump tiếp tục nộp một đơn xin đăng ký thương hiệu mới. Và chỉ vài ngày sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đơn đăng ký thương hiệu này được phê chuẩn, đem lại quyền sở hữu thương hiệu trong lĩnh vực môi giới bất động sản cho ông Trump ở Trung Quốc.

Trong vòng 90 ngày, nếu không có khiếu nại nào, quyết định sẽ có hiệu lực.

Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ át con bài kinh tế Trung Quốc?

Trong một vấn đề kinh tế khác, thời điểm tranh cử hồi tháng 9, ông Donald Trump gọi Trung Quốc là một “kẻ thao túng” và nói về việc áp dụng thuế quan nếu các quốc gia giảm giá đồng tiền của mình để “đạt được một lợi thế từ Hoa Kỳ”.

Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã liên tục lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cho rằng quốc gia này đã cố tình hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu, và kết quả là nhiều người đã mất việc trong ngành chế tạo của Mỹ.

Ông đe dọa sẽ áp mức thuế 45% đối với tất cả các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc.

Trước cuộc bầu cử, hai trong số các cố vấn của ông Trump đã viết trên tạp chí “Foreign Policy” rằng ông sẽ “không bao giờ hy sinh nền kinh tế Mỹ cho chính sách ngoại giao thêm một lần nào nữa, chẳng hạn như tham gia các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cho phép Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chấp nhận TPP”.

Theo phân tích của chuyên gia Raymond Yeung của ngân hàng ANZ, “chỉ cần một biện pháp trả đũa nhỏ của Trung Quốc cũng sẽ khiến Hoa Kỳ bị thiệt hại”. Ví dụ, Trung Quốc có thể ngừng các đơn đặt hàng máy bay Boeing, ngừng nhập khẩu dây chuyền cung ứng cho điện thoại iPhone. Những quyết định này sẽ tác động mạnh đến các công ty hàng đầu của ngành công nghiệp Mỹ vì một phần lớn doanh thu của họ là nhờ vào thị trường Trung Quốc.

Theo chuyên gia này, vì Trung Quốc và Mexico chiếm đến 1/4 trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, một “cuộc chiến thuế khóa với hai nước này sẽ có nguy cơ đe dọa gần 4,8 triệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân” ở Hoa Kỳ từ nay đến năm 2019.

Chưa kể, khi Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, Hiệp định TPP khó có thể được ông Donald Trump thông qua.

Khi đó, Trung Quốc vốn đã bắt đầu đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hoàn toàn có thể lôi kéo các quốc gia ở khối ASEAN cho tới các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Việc Mỹ rút khỏi bất cứ hiệp định thương mại nào cũng đều có thể đẩy các đối tác của họ rơi vào vòng tay của Trung Quốc, nước thường xuyên chào mời các quốc gia này những gói cho vay hấp dẫn để thúc đẩy các thỏa thuận, đồng thời hối thúc các công ty của Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở ngoài nước và cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới