Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBản kế hoạch "làm TQ vĩ đại trở lại" của Bắc Kinh:...

Bản kế hoạch “làm TQ vĩ đại trở lại” của Bắc Kinh: Tác giả là… Donald Trump

Trong bài viết trên tuần báo Barron’s (Mỹ) ngày 15/11, nhà báo nổi tiếng William Pesek chỉ ra rằng Trung Quốc đã có kế hoạch cho hầu hết nước đi của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Tôi sẽ mang công ăn việc làm từ Trung Quốc trở lại” là một phát ngôn nổi tiếng của Trump,
nhưng William Pesek cho là không còn đúng với xu thế phát triển hiện nay (Ảnh: Getty Images)

Theo Pesek, Bắc Kinh “vờ tỏ ra” ngạc nhiên trước sự chuyển biến theo hướng chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền mới, cũng như những công kích mạnh mẽ của Trump đối với Trung Quốc.

Nhưng trên thực tế, nước này đã chế định xong một kế hoạch để “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại” sau 4 năm nữa, mà trong đó “sự giúp đỡ vô tình” của Tổng thống Donald Trump đóng vai trò đáng kể.

Việc Trump nôn nóng đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một điềm báo.

Xie Zhenhua, Đại diện cấp cao Trung Quốc của Trung Quốc về đàm phán biến đổi khí hậu, từng nói “nhà lãnh đạo tỉnh táo cần hiểu rằng tất cả chính sách đều nên thuận theo trào lưu phát triển của thế giới”.

Phát ngôn này đã đả kích Trump ở ba phương diện – nhà báo Pesek nhận định.

Thứ nhất, nhận thức của Tổng thống đắc cử Mỹ về khoa học cơ bản. Ông Trump từng bị bóc mẽ trong cuộc tranh luận trực tiếp với Hillary Clinton, khi nói rằng biến đổi khí hậu là trò lừa của Trung Quốc.

Thứ hai, Trump tạo ra hình ảnh một “kẻ quấy rối” toàn cầu.

Thứ ba, một doanh nhân như ông Trump bỏ qua cơ hội kinh doanh lớn nhất mà hiệp định Paris đem lại, thời đại thay thế nhiên liệu hóa thạch, là một điều khá châm biếm.

Đứng từ vị thế “đạo đức cao” để nhìn xuống, Bắc Kinh đang cho thấy một kế hoạch hoàn hảo xoay quanh Donald Trump. Pesek đã chỉ ra 3 phương diện mà chính phủ Trung Quốc đang rất nôn nóng được hưởng lợi khi Trump chính thức bước vào Nhà Trắng.

Quan điểm kinh tế lỗi thời

“Mô hình Trung Quốc” mà Trump muốn tấn công đã không còn tồn tại.

Thời kỳ mà lao động giá rẻ Trung Quốc “cướp” việc làm của người Mỹ đang được thay thế bằng thời đại sáng tạo mới của điện thoại thông minh, công nghệ bán dẫn hay xe ô tô tự lái… Những công xưởng gia công khổng lồ mà Trump đề cập đã chuyển sang Ấn Độ hay Philippines.

Chính phủ Trung Quốc đang đặt trọng tâm tạo dựng nền tảng cho thời kỳ sáng tạo “hậu Wal-Mart”, trong đó chú trọng phát triển công nghệ thông tin.

William Pesek so sánh, ông Trump hiểu về “phần cứng” của Trung Quốc, nhưng không nắm được “tham vọng phần mềm” của Bắc Kinh. Nước này thậm chí muốn có khu công nghệ cao vượt qua Thung lũng Silicon ở Mỹ.

Có một lý do khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc “theo bước Tổng thống Nga Putin” và ủng hộ Trump trong gia đoạn tranh cử. Đó là khi Trump khởi động một cuộc chiến kinh tế nhằm vào mô hình của quá khứ, thì Bắc Kinh đã có đủ không gian thiết kế một “công thức chiến thắng” cho tương lai.

Dùng chính trị che đậy sự thiên vị

Với hùng biện của Trump về phản đối toàn cầu hóa, nhiệm kỳ của ông rất có thể là những ngày tháng tươi đẹp với Trung Quốc, khi chính Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh phải vực dậy các doanh nghiệp quốc gia và hỗ trợ mạnh mẽ cho chính quyền hoặc doanh nghiệp địa phương đang phấn đấu để sản sinh ra “Jack Ma tiếp theo”.

Vào năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố bản quy hoạch có tên “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy phát triển sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp, nâng tầm các nhãn hàng Trung Quốc, đưa nước này đi đầu trong công nghệ sản xuất sạch để bán ra toàn cầu…

Nhưng đồng thời, mục đích của bản quy hoạch còn là loại trừ sức ảnh hưởng hoặc xâm nhập của nước ngoài vào Trung Quốc.

Nói cách khác, Trump càng tuyên bố “nước Mỹ là ưu tiên số 1” và chống lại toàn cầu hóa, thì càng đi đúng những gì chính phủ Trung Quốc mong muốn.

Một năm trước, dư luận chỉ trích Bắc Kinh về việc họ kiểm soát và chèn ép các doanh nghiệp nước ngoài. Đến nay, Trump đang có kế hoạch làm đúng như vậy ở Mỹ.

“Điểm mù” thương mại châu Á

Dù phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Barack Obama đạt được, ông Trump chưa có một phương án thay thế khả dĩ nào.

Tác giả Pesek bình luận, điều này chẳng khác nào “hai tay dâng tặng” tầm ảnh hưởng của Mỹ cho Trung Quốc, nước đang toàn lực thúc đẩy Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) – một đối trọng của TPP.

Gần đây, Pakistan đã tiếp nhận lô hàng hóa Trung Quốc đầu tiên qua Gwadar – cảng biển được nâng cấp và cải tạo bằng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Đây là tín hiệu rất rõ về mối liên hệ ngày càng rộng mở giữa Bắc Kinh với châu Á và các khu vực khác, nhằm thu hút dòng chảy mậu dịch toàn cầu theo hướng mà chính phủ Trung Quốc đã thiết kế, cụ thể là sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình.

Trong khi Mỹ sa lầy vào cuộc tranh chấp với Tehran hay Moscow ở châu Âu và Trung Đông, cùng với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa có hồi kết, Trung Quốc đang cố gắng tranh thủ thời cơ để biến Bắc Kinh thành giao điểm thương mại khu vực và toàn cầu, với mục tiêu cuối cùng là “đưa nền kinh tế Trung Quốc vĩ đại trở lại”.

Pesek trào phúng nhận xét, Donald Trump thường nói rằng lãnh đạo Trung Quốc thông minh hơn lãnh đạo Mỹ. Đều này, người Trung Quốc làm sao lại không biết!

RELATED ARTICLES

Tin mới