Saturday, December 21, 2024
Trang chủĐiểm tinDoanh nghiệp Mỹ thúc giục ông Trump suy nghĩ lại về tự...

Doanh nghiệp Mỹ thúc giục ông Trump suy nghĩ lại về tự do thương mại

Các nghiệp đoàn sản xuất ở Mỹ lo ngại rằng quan điểm của ông Donald Trump với các hiệp định thương mại, cũng như việc đối đầu với Trung Quốc trên thương trường, sẽ gây hại cho kinh tế Mỹ.

Các doanh nghiệp Mỹ muốn ông Trump cứng rắn với Trung Quốc, nhưng chuộng
hướng dùng chính sách quản lý hơn là tạo ra một cuộc “chiến tranh kinh tế”

Trong hầu hết những phát biểu lúc tranh cử tổng thống, ông Trump tỏ rõ quan điểm chống lại các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ngoài ra, ông cũng cứng rắn trong các giao dịch với Trung Quốc, và từng kêu gọi đánh thuế 45% đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu.

Cách phản ứng này được cho nhằm bảo vệ quyền lợi của ngành thương mại cũng như việc làm của người Mỹ. Tuy nhiên, lợi và hại của quan điểm này vẫn là điều gây tranh cãi.

Các nhà sản xuất ở Mỹ đang thúc giục ông Trump tiết chế cái nhìn tiêu cực đối với các hiệp định thương mại, đồng thời có cách tiếp cận “tinh tế” hơn trong các giao dịch với Trung Quốc và Mexico.

Reuters ngày 16.11 cho biết các nhóm vận động hành lang của các công ty, một số giám đốc và nghị sĩ theo khuynh hướng ủng hộ hiệp định thương mại muốn ông Trump tránh các hành động đánh thuế đơn phương, thay vào đó tập trung vào các cuộc thương thảo. Họ hy vọng rằng ông Trump có thể nhìn nhận tự do thương mại là cách để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và tạo ra việc làm.

“Dễ thấy đây là một cuộc chiến thương mại không vì điều gì cả. Tôi có niềm tin rằng có một khoảng trống lớn giữa chính sách hiện tại của chúng ta với một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện”, ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh ngành sản xuất Mỹ (AAM) nhận xét.

AAM là nhóm đại diện cho ngành thép và các ngành công nghiệp cơ bản của Mỹ. Thời gian qua, câu chuyện về thép đặc biệt ảnh hưởng tới quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhiều ý kiến từ Mỹ cáo buộc Trung Quốc bán phá giá thép, làm ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của họ. Ông Trump cũng từng nói rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ và “cưỡng bức” ngành thương mại Mỹ.

Ông Paul là người ủng hộ việc cứng rắn với Trung Quốc, tuy nhiên ông muốn nhìn thấy Tổng thống đắc cử Trump chủ động hơn trong việc thực thi những quy tắc thương mại thay vì thúc đẩy một cuộc chiến tranh kinh tế.

Các nhà sản xuất thép ở Mỹ đã thắng kiện nhiều vụ chống bán phá giá và chống bảo hộ của doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên đa phần không muốn tiếp tục theo đuổi các vụ kiện này vì ngại chi phí kiện tụng cũng như những rắc rối tiềm năng nảy sinh. Ông Paul cho rằng Bộ Thương mại dưới thời ông Trump nên tiến hành điều tra riêng biệt đối với những ngành công nghiệp Mỹ nằm trong diện bị cạnh tranh không lành mạnh.

Tương tự, Chủ tịch John Engler của Business Roundtable (BRT), một hiệp hội với thành viên là các giám đốc cấp cao của những doanh nghiệp lớn tại Mỹ, cho rằng ông Trump nên chú trọng vào chính sách. Theo đó, cách giải quyết tương tự Thỏa ước Plaza của cựu tổng thống Ronald Reagan trong những năm 1980 là một gợi ý.

Thỏa ước Plaza 1985 ký tại khách sạn Plaza, thành phố New York (Mỹ) với sự đồng thuận của 5 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp. Thoả ước này cho phép hạ giá đồng USD so với yen Nhật và đồng mark của Đức, từ đó giúp cán cân thương mại cân bằng hơn và khuyến khích các công ty nước ngoài xây nhà máy ở Mỹ thay vì Mỹ phải nhập khẩu hàng của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới