Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐB Quốc hội truy trách nhiệm vụ Trịnh Xuân Thanh

ĐB Quốc hội truy trách nhiệm vụ Trịnh Xuân Thanh

Ngày 17.11, tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nội vụ, nghe xong phần đọc báo cáo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) giơ biển xin tranh luận truy trách nhiệm vụ Trịnh Xuân Thanh.

*Thông qua luật Đấu giá tài sản

Nhắc lại câu hỏi của mình đã chất vấn ngày hôm trước, theo ĐB Ngô Văn Minh, nguyên nhân cốt lõi và trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ từ việc tặng thưởng Anh hùng Lao động cho đến đề bạt bổ nhiệm về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

“Đây là vấn đề rất bức xúc trong xã hội nhưng trong trả lời sáng nay, tôi không thấy Bộ trưởng nói gì về chỗ này. Thứ hai, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh hiện nay có văn bản nào quy định không? Hiện nay có bao nhiêu trường hợp đang luân chuyển theo kiểu này, thực trạng ra sao và tới đây xử lý từng trường hợp cụ thể việc này như thế nào”, ĐB Minh nói.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an, ĐB Minh cho rằng Bộ trưởng Bộ Công an có khẳng định lực lượng công an tinh nhuệ, xuất sắc đi phá nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được toàn dân ghi nhận hơn 70 năm qua với nhiều chiến công hiển hách. “Nhưng bây giờ mỗi lần tham nhũng lớn hết Vinashin, Vinalines, lại tới ông này. Có chuyện tham nhũng là bỏ trốn, ra đi một cách êm ái như “con voi chui vào lỗ kim” ai chấp nhận được, mà giờ phát lệnh truy nã toàn thế giới.

Do quỹ thời gian dành cho Bộ trưởng Nội vụ đã hết, nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Công an sẽ trả lời sau bằng văn bản.

* Chiều 17.11, với 84,41% ĐB Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Đấu giá tài sản. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ 1.7.2017. Luật Đấu giá tài sản được thông qua gồm 8 chương, 81 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo quy định của luật các hành vi bị nghiêm cấm có việc người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm mục đích làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

RELATED ARTICLES

Tin mới