Monday, May 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCứu nền kinh tế VN bằng cách nào?

Cứu nền kinh tế VN bằng cách nào?

Nền kinh tế đang chịu những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Vấn đề đặt ra lúc này là làm cách nào để cứu nền kinh tế và cứu như thế nào? TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, khi nguồn lực có hạn mà không có chiến lược khôn ngoan thì chúng ta có thể được tiếng “không bỏ quên ai” nhưng nền kinh tế sẽ nằm bẹp.

Nguồn lực có hạn nên cần có chiến lược khôn ngoan để cứu nền kinh tế

Giai đoạn tồi tệ nhất đang ở phía trước

Theo ông, nền kinh tế sẽ ra sao sau đợt dịch này?

Trước hết, phải khẳng định rằng, đợt dịch lần này khiến chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Tuy nhiên giai đoạn tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt và chưa biết đến bao giờ mới có thể phục hồi. Như vậy, việc có thêm những doanh nghiệp phá sản, thêm nhiều lao động bị thất nghiệp sẽ là tất yếu.

Vậy ông nghĩ sao khi Chính phủ kiên định với mục tiêu không để đứt gãy nền kinh tế?

Mới đây, tôi có đến một khách sạn 5 sao ở Nha Trang mà chỉ có 2 – 3% khách, nếu kéo dài trong 2 – 3 tháng tới họ có trụ nổi không? Như vậy, đứt gãy là khó tránh khỏi. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng không thể trụ. Nhưng sự đứt gãy này chỉ ở mảng, tuyến nào đó gặp khó khăn, còn nền kinh tế không thể đứt gãy vì sẽ có những năng lực khác bù vào.

Ở đây, nên hiểu việc Chính phủ không để đứt gãy nền kinh tế có nghĩa là hạn chế đến mức tối thiểu những tổn thất cho từng ngành, thậm chí cho từng doanh nghiệp, chứ không phải là bảo đảm để không có thêm doanh nghiệp phá sản và lao động bị mất việc.

Theo quan sát của ông, các biện pháp của Chính phủ đến thời điểm này đã bảo đảm hạn chế tối đa tổn thất do dịch chưa?

Chính phủ đã làm rất nhiều việc như giảm, giãn, hoãn nhiều loại thuế, phí, tiền thuê đất… cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội; rút kinh nghiệm không thực hiện giãn cách toàn xã hội mà chỉ theo khu vực. Đặc biệt, Chính phủ đã nhận ra giải ngân đầu tư công chính là biện pháp sống còn để “cứu” nền kinh tế. Thủ tướng cũng trực tiếp đi kiểm tra, đốc thúc giải ngân cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc hạn chế thấp nhất tổn thất do dịch.

Tính đến đại cục để giảm bớt quy trình thủ tục

Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Theo ông, cách nào để bảo đảm mục tiêu?

­Đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ và buộc phải làm để “cứu” nền kinh tế. Để thực hiện được, tôi cho rằng khâu then chốt nhất là quy trình thủ tục từ Trung ương.

Nguyên tắc chung là lúc trước dịch thì cứ theo quy trình bình thường, nhưng bây giờ tình thế cấp bách thì phải làm khác đi. Muốn vậy, phải có tín hiệu từ cơ quan tối cao là tình thế đang không bình thường, mà mục tiêu tối thượng là phải cứu nền kinh tế thì phải làm thật nhanh, có thể rút ngắn quy trình, đáng ra làm 10 khâu thì nay chỉ còn 3 – 4 khâu thôi và phải gắn rõ trách nhiệm, như giao trách nhiệm cho riêng ông bộ trưởng thay vì để nhiều người cùng chịu.

Nhưng như vậy liệu có phát sinh tiêu cực?

Tất nhiên điều đó khó tránh khỏi! Nhưng hãy nhìn lại việc sửa đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hồi tháng 7 vừa qua. Chúng ta làm khi ngành du lịch đang phục hồi, trong khi đáng ra có thể làm ngay trong đợt giãn cách toàn xã hội trước đó. Chúng ta sợ làm nhanh, rút bớt quy trình sẽ rơi vãi đâu đó ít “dầu mỡ” mà không thể kiểm soát được, nhưng giả dụ khi đó thế giới mở cửa thì thiệt hại nào lớn hơn? Do vậy, cần tính đến đại cục, có thể có sơ suất trong việc rút ngắn quy trình, thủ tục giải ngân đầu tư công, nhưng cái lợi cho nền kinh tế khi đó chắc chắn lớn hơn rất nhiều.

“Không bỏ quên ai” có thể khiến chúng ta “chết cả”

Ông nói giai đoạn tồi tệ nhất vẫn ở phía trước. Vậy ông lưu ý gì cho Chính phủ trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ nền kinh tế?

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, chúng ta cần có chiến lược khôn ngoan. Tức là phải hiểu rằng trong lúc này, việc có những doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất bình thường và mang tính tất yếu, đừng mong sẽ giúp được tất cả doanh nghiệp cùng sống. Khi giúp tất cả cùng sống, chúng ta sẽ được tiếng tốt là “không bỏ quên ai” nhưng điều đó có thể khiến chúng ta “chết cả” khi nền kinh tế nằm bẹp.

Theo tôi, nhân lúc này, chính sách hỗ trợ nên dành một nửa cho doanh nghiệp đang hoạt động và một nửa cho doanh nghiệp mới, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo – cách để “thay máu” nền kinh tế. Bởi sau dịch, chúng ta không thể mang “nồi niêu” cũ là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, chủ yếu gia công lắp ráp ra để khôi phục kinh tế, mà phải là thế hệ những doanh nghiệp trẻ, mới ra đời, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, việc cứu doanh nghiệp cũ và doanh nghiệp mới cần được thực hiện ra sao?

– Đối với doanh nghiệp cũ, có những ngành không thể không cứu như hàng không, vì đất nước hội nhập mà hàng không èo uột thì không thể phát triển. Chỉ khi hàng không phát triển sẽ kéo theo các ngành khác, như du lịch, dịch vụ, đầu tư… Cách hỗ trợ hàng không cũng phải bảo đảm tính công bằng, không phân biệt chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, cần chọn ra những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trụ được và có triển vọng phát triển để hỗ trợ. Hơn lúc nào hết, các hiệp hội phải phát huy vai trò của mình trong việc tính toán, đánh giá cơ hội, tiềm năng phát triển cũng như chính sách hỗ trợ tương ứng để đề xuất với Chính phủ. Bây giờ cứ u u minh minh, nguồn lực ít mà ai cũng muốn hưởng thì chúng ta sẽ kiệt sức.

Việc quyết các chính sách cũng cần phải nhanh, đừng theo quy trình thông thường là phải trình lên, họp hết cuộc nọ đến cuộc kia thì biết đến bao giờ chúng ta mới làm được!

Song song với đó, cơ chế, chính sách phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp mới, khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Chúng ta phải dần thiết lập các cơ chế đó ngay từ bây giờ. Chẳng hạn, đối với quy định về lao động, không thể là yêu cầu ngày làm 8 tiếng mà lao động trí óc có thể làm việc nhiều hơn hoặc ít hơn thời gian đó, và không nhất thiết phải làm theo giờ hành chính…

Để làm được những điều trên đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược. Bởi lúc này tình hình đã nghiệt ngã rồi, giống như con thuyền sắp chìm nên cứu ai phải bảo đảm có tương lai. Tôi cho rằng, đây là cơ hội rất quan trọng để chúng ta thoát khỏi trói buộc quá ghê gớm về mặt đạo đức là “không để ai bị bỏ lại”, mà cao hơn là hướng đến tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới