Trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump thể hiện nhiều quan điểm mà ý nghĩa trong đó đều dẫn đến mong muốn xem xét mối quan hệ giữa Moscow và Washington có tính xây dựng hơn.
Không giống như ông Obama – người đã lựa chọn cách tiếp cận cực kỳ nghiêm khắc đối với Nga, ông Donald Trump có lẽ là người có thể tìm thấy lối thoát cho cuộc khủng hoảng quan hệ kéo dài dai dẳng này, bình luận viên Tạp chí The National Interest – Mark Rosen đánh giá.
Ông Rosen cho rằng, đường hướng triển vọng nhất trong việc “cài đặt lại” nằm bên lề bất đồng chủ yếu trong quan hệ Nga-Mỹ: đó không phải là Syria và Ukraine, nơi mà để giải quyết tình hình sẽ mất rất nhiều thời gian, mà là Bắc Cực, nơi mà Moscow và Washington có nhiều lợi ích chung.
Nhiều người trong Nhà Trắng coi Bắc Cực là nơi đặt các Trung tâm nghiên cứu để các chuyên gia ghi nhận những biến đổi khí hậu. Trong khi đó, một khía cạnh quan trọng của sự thay đổi khí hậu trên khu vực này là sự ra đời của một đại dương mới, có thể được sử dụng để vận chuyển dầu và khí đốt từ châu Âu đến châu Á.
Ước tính cơ sở tài nguyên của Bắc Cực thực sự đáng kinh ngạc: hơn 80% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 70% trữ lượng dầu ở Nga đang nằm tại các vùng Bắc cực, chủ yếu ở biển Barents, Kara và lưu vực Timan-Pechora. Theo báo cáo của Cơ quan Địa chất Mỹ (ghi nhận vào năm 2008), 13% mỏ dầu chưa được thăm dò trên thế giới (tương đương 90 tỷ thùng dầu) và 30% trữ lượng khí đốt đang nằm tại Bắc Cực.
Các chuyên gia không nghi ngờ rằng, Bắc Băng Dương sẽ sớm không còn băng, và ở đó sẽ bắt đầu cuộc chiến giành giật các loại tài nguyên khác nhau: từ dầu mỏ và khí đốt cho đến khả năng khai thác du lịch và quản lý dẫn đường hàng hải trong khu vực. Nếu ngay bây giờ, người ta khai thác quá mức ở Bắc Cực, Mỹ sẽ tụt lại phía sau, và các bên được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên của khu vực là Nga, Iceland, Na Uy và Đan Mạch.
Đóng vai trò quan trọng trong việc này là các biện pháp trừng phạt mà Nhà Trắng áp đặt nhằm chống lại Nga, ông Rosen nói. Chịu thiệt hại chính là tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, đã dự tính thực hiện nhiều dự án ở Bắc Cực cùng với công ty Rosneft của Nga. Ngoài việc thành lập một liên doanh, hai công ty đã thành công trong việc khai thác một số mỏ dầu ở Biển Kara, nhưng sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực thì các dự án bắt đầu dừng lại. Kết quả là, các công ty dầu khí của Nga bị mất khả năng tiếp cận công nghệ khai thác của Mỹ, còn người Mỹ thì mất thị phần trên thị trường hydrocarbon của Bắc Cực.
Sau đó, công ty Shell của Mỹ đã cố gắng mở rộng khai phá các mỏ dầu dưới biển Chukchi, nhưng dự án trị giá khoảng 2 tỷ USD đã thất bại. Đồng thời, Trung Quốc đang dần nhận ra rằng, Bắc Cực là một trong những hướng ưu tiên phát triển kinh tế và đầu tư vào các dự án của đa số các đối thủ lớn trong khu vực. Vì vậy, vào năm 2012, Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mua công ty Nexen của Canada với giá 15,1 tỷ USD để tiến hành khoan dầu tại Yukon. Bắc Kinh cũng đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào các dự án dầu khí của Nga.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama. |
Nhà phân tích của NI cho rằng, đầu tư của Trung Quốc ở Bắc Cực theo thời gian có thể trở thành công cụ để “thâu tóm” khu vực trong bối cảnh chính trị và quyền lực mới trong khu vực thay đổi, sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực có lợi cho Bắc Kinh. Điều này là không thể chấp nhận đối với cả Nga và Mỹ.
“Cần lưu ý rằng, sức mạnh của Trung Quốc là tiền, Tổng thống Trump nên đề nghị người đồng cấp Putin cùng với Na Uy, Đan Mạch và Greenland thành lập Ngân hàng phát triển Bắc Cực, mà đó sẽ trở thành nguồn đầu tư tài chính thay thế cho Trung Quốc đối với các dự án quy mô lớn”, nhà phân tích bày tỏ.
Washington cũng có thể giúp Moscow khi góp phần công nhận Tổ chức Hàng hải quốc tế là hành lang hàng hải phía Bắc quan trọng nhất của Nga, đây sẽ trở thành tuyến đường vận tải chính thức đi qua Bắc Cực. Điều này, theo ông Rosen, sẽ cấp cho Moscow nguồn kinh phí bổ sung nhằm phát triển đội tàu phá băng, nhờ đó có thể cải thiện việc dẫn hướng và an toàn hàng hải trong vận tải hàng hóa.
Chuyên gia nhận thấy điều quan trọng đối với Donald Trump đó là vấn đề loại bỏ những trở ngại – đó là các biện pháp trừng phạt, để tiến tới hợp tác giữa các công ty của Nga và Mỹ ở Bắc Cực và những triển vọng cho các nhà lãnh đạo Washington và Moscow trong Hội đồng Bắc Cực.
“Bắc Cực là một trong số ít những nơi mà lợi ích của Nga và Mỹ trùng nhau. Việc xây dựng mối quan hệ dựa trên lợi ích chung đó sẽ tạo ra sự tin tưởng giữa hai quốc gia và hai nhà lãnh đạo, điều này sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực tại các khu vực có vấn đề khác trên thế giới”, Mark Rosen kết luận.