Một tướng NATO phát biểu rằng ông Donald Trump, người sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đời thứ 45 vào đầu năm sau sẽ không từ bỏ cam kết nêu ra trong hiệp ước NATO bởi tầm quan trọng của nó với Mỹ và “không ai dám thay đổi nó”.
Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, tướng Quân đội Cộng hòa Séc Petr Pavel cho biết, Điều 5 của hiệp ước NATO có nội dung rất rõ ràng rằng các nước thuộc NATO sẽ hỗ trợ phòng vệ cho bất kỳ quốc gia thành viên nào bị tấn công.
Trước đó trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump tuyên bố ông sẽ xem xét những đóng góp tài chính của các nước NATO trước khi thực hiện Điều 5 của hiệp ước NATO, đồng thời gọi NATO là một tổ chức “lỗi thời” và sẽ không có lợi cho Mỹ.
“Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu đã kéo dài gần 70 năm là một sự ràng buộc lớn đến mức không một Tổng thống Mỹ nào dám thay đổi. Không ai muốn điều đó xảy ra bởi cả hai bên hiểu rằng NATO rất quan trọng đối với các nước châu Âu và Bắc Mỹ”, ông Pavel nói. “Tôi nghĩ rằng không có một mối đe dọa thực sự nào có thể phá vỡ những nguyên tắc của NATO”.
Có khá nhiều quan chức Mỹ đã phàn nàn rằng nhiều nước thành viên NATO không đóng góp ngân sách quốc phòng cho mục đích chung. Hiện tại Mỹ chiếm 70% chi tiêu quốc phòng của toàn khối NATO, và chỉ có 4 nước là Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan đã thỏa mãn điều kiện mõi nước phải dành 2% GDP quốc gia cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, ông Trump đã tuyên bố rằng mục tiêu chi tiêu quốc phòng này sẽ là điều kiện bắt buộc để Mỹ bảo vệ các nước châu Âu trong trường hợp bị tấn công.
“Nội dung của Điều 5 rất rõ ràng”, ông Pavel nói. “Tôi tin các bên sẽ thực hiện cam kết của mình trong mọi tình huống và các nước đồng minh châu Âu cũng cần phải thực hiện đúng cam kết của mình”.
Tướng Pavel cho biết ông hiểu rằng cần phải gây sức ép đối với các nước thành viên để họ thực hiện đầy đủ những điều kiện bắt buộc, nhưng khẳng định NATO không hề lỗi thời và “vẫn phù hợp với tình hình hiện tại”.
Giống như các quan chức phương Tây khác, ông Pavel cũng chi trích Nga theo đuổi mục tiêu chính trị bằng biện pháp quân sự, và gọi đây là điều không thể chấp nhận được. “Chúng ta đang chứng kiến hành vi thay đổi đường biên giới trái phép đầu tiên bằng vũ lực kể từ sau khi Thế chiến II kết thúc”, vị tướng này cho biết.
Bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga vào tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, và sau đó phương Tây đã áp dụng một loạt biện pháp cấm vận đối với Nga. Tại Ukraine, một cuộc xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy thân Nga cũng đã nổ ra từ năm 2014 đến nay.
Vị tướng người Cộng hòa Séc hi vọng ông Trump sẽ sửa những phát ngôn của mình, khi giờ đây ông đã được bầu làm Tổng thống Mỹ.