Đồng minh của Mỹ như Australia và Nhật Bản có thể phải tìm đến Bắc Kinh để lấp đầy khoảng trống này, cho dù không muốn.
Ông Tập Cận Bình tại Lima, Peru, ảnh: CBC.
The Straits Times ngày 19/11 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương đang dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru ngày 19/11 nhanh chóng tham gia các hiệp định thương mại do Bắc Kinh hậu thuẫn, sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, có thể đánh dấu “sự sụp đổ” của TPP.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đứng trước khả năng Mỹ rút đi để lại khoảng trống, nếu Donald Trump thực hiện tuyên bố bãi bỏ TPP như lúc tranh cử.
Đồng minh của Mỹ như Australia và Nhật Bản có thể phải tìm đến Bắc Kinh để lấp đầy khoảng trống này, cho dù không muốn.
Bắc Kinh bị Washington loại khỏi TPP, họ đang thúc đẩy 2 lựa chọn. Một là hiệp định thương mại tự do với tất cả 21 thành viên châu Á – Thái Bình Dương, viết tắt là FTAAP, hai là hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) 16 thành viên, cả hai không có Hoa Kỳ.
Ông Tập Cận Bình thúc đẩy các nhà lãnh đạo khu vực tham gia cả hai hiệp định này: “Xây dựng một khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương là một sáng kiến chiến lược quan trọng và lâu dài đối với khu vực.
Chúng tôi kiên quyết theo đuổi FTAAP. Cởi mở chính là sự sống còn đối với sự thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.” [1]
Financial Times ngày 20/11 cũng đưa ra nhận định tương tự, ông Tập Cận Bình đang vạch ra tầm nhìn mới trong bối cảnh lo ngại Hoa Kỳ rút khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương dưới thời Donald Trump.
Trong hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay, Trung Quốc đang di chuyển nhanh chóng để tìm kiếm vai trò lãnh đạo mà nhiều người xem là Mỹ bỏ lại khi rút khỏi TPP.
Với tương lai TPP còn nhiều hoài nghi, Trung Quốc đã thúc đẩy nhanh chóng FTAAP và RCEP và những nước như Peru đang tỏ vẻ quan tâm đến hiệp định này.
Hôm qua ông Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc dự kiến sẽ sớm kết thúc RCEP và mở cửa cho các nước Mỹ Latinh tham gia sáng kiến “một vành đai, một con đường” do Trung Quốc khởi xướng.
Thủ tướng New Zealand John Key cho biết, ông sẽ cố gắng thuyết phục Donald Trump về giá trị của TPP và tầm quan trọng trong sự tham gia của Mỹ ở châu Á.
Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng, nước mình và những quốc gia khác không thể ngồi chờ Mỹ mãi. Cần phải có một sự chuyển biến ở Washington:
“Lý do Tổng thống Barack Obama theo đuổi TPP trên tất cả là vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn Mỹ hiện diện trong khu vực.
Nhưng nếu Hoa Kỳ không có tiếng nói, khu vực này sẽ được lấp đầy bởi Trung Quốc.”
Còn theo South China Morning Post ngày 19/11, cuối ngày thứ Bảy giờ Lima ông Tập Cận Bình và ông Barack Obama sẽ có cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, tuy nhiên hai nhà lãnh đạo không có nhiều điều để nói với nhau.
Một phần là vì Barack Obama đang chuẩn bị rời Nhà Trắng trong bối cảnh người kế nhiệm từ chối tiếp tục các chính sách đối ngoại ông vạch ra, trong khi ông Tập Cận Bình đang thâu tóm quyền lực trong nước và muốn gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài nên sẽ tập trung vào nhà lãnh đạo mới Donald Trump.
Hai là Obama và Tập Cận Bình đã có cuộc làm việc hơn 5h tại Hàng Châu bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 trong năm nay với hàng loạt thỏa thuận được ký kết.
Vì vậy cuộc gặp chính thức cuối cùng giữa hai ông dự kiến sẽ ngắn gọn và mang tính biểu tượng.