Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với Nga để mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400. Động thái này diễn ra sau khi Ankara vừa rút khỏi một hợp đồng tương tự với Trung Quốc vì lý do Bắc Kinh chần chừ không chịu chuyển giao công nghệ. Liệu sự việc này có khiến hai đồng minh thân thiết Nga, Trung quay lại trở mặt với nhau hay không?
Hệ thống S-400
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik hôm qua (18/11) đã lên tiếng xác nhận, các cuộc đàm phán liên quan đến hợp đồng mua tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga đang diễn ra và thái độ của Moscow với hợp đồng tiềm năng này là tích cực.
Trước đó, Thứ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir cho biết, nước này đã chuẩn bị để có thể hợp tác với “bất kỳ bên nào quan tâm”, trong đó có cả Nga và Trung Quốc, để phát triển năng lực phòng không tầm xa.
“Chúng tôi đã nói rõ ràng rằng chúng tôi sẽ hợp tác với các nước và các công ty sẵn sàng ủng hộ chúng tôi thực hiện tiến trình này. Chúng tôi cũng từng khẳng định, mọi cánh cửa đều đang mở và chúng tôi sẵn sàng hợp tác”, vị quan chức quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho tờ nhật báo Hurriyet biết.
Thổ Nhĩ Kỳ có ý định chi 3,4 tỉ USD để phát triển một hệ thống lá chắn tên lửa nội địa tầm xa. Năm 2013, họ đã từng tổ chức một buổi đấu thầu có sự cạnh tranh giữa hệ thống S-400 của Nga, hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ, hệ thống SAMP/T Aster 30 của Châu Âu và hệ thống FD-2000 của Trung Quốc. FD-2000 là phiên bản xuất khẩu của HQ-9. Trung Quốc đã thắng thầu.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán hợp đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã thất bại do Ankara và Bắc Kinh không thể nhất trí được với nhau về vấn đề chuyển giao công nghệ. Ankara cực kỳ coi trọng vấn đề chuyển giao công nghệ bởi họ muốn xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng nội địa có thể đáp ứng mọi nhu cầu trong nước mà không bị phụ thuộc vào bên ngoài.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng, hợp đồng với Trung Quốc thực chất chỉ là một mánh khóe để Thổ Nhĩ Kỳ giành ưu thế trong các cuộc đàm phán với những nhà cung cấp Mỹ và Châu Âu.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quay ngoắt với Trung Quốc và tìm đến với Nga trong bối cảnh Moscow và Bắc Kinh đang là đồng minh thân thiết đối trọng với phương Tây. Không rõ diễn biến này có khiến Nga và Trung Quốc quay lưng lại với nhau hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Nga và Trung Quốc hiện tại đang rất cần nhau và vì thế họ sẽ không vì vấn đề hợp đồng vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ mà làm sứt mẻ mối quan hệ song phương.
Trong khi đó, phương Tây lo ngại trước viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên của NATO, tìm đến với vũ khí của Nga.
Do thiếu vũ khí hạng nặng, Thổ Nhĩ Kỳ phải dựa vào sự bảo vệ của hệ thống phòng thủ tên lửa của các nước thành viên khác trong NATO. Ankara từng tức giận trước việc Mỹ quyết định rút hệ thống Patriot ra khỏi biên giới của họ với Syria. Hệ thống này được triển khai năm 2013 để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc tấn công xuyên qua biên giới.
Washington phủ nhận cáo buộc cho rằng, động thái trên của họ là nhằm để trả đũa đồng minh Ankara.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD.