Các lãnh đạo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã bày tỏ quyết tâm chống “mọi hình thức bảo hộ”, và khuyến khích các bên ký vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm ủng hộ hiệp định bất chấp lo ngại nó có thể không có tương lai theo dạng thức hiện tại.
Chủ tịch Trần Đại Quang chụp cùng lãnh đạo các nước APEC
trong hội nghị thượng đỉnh tại Peru ngày 20/11. Ảnh: Reuters
Trong một tuyên bố bế mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru ngày 20/10, các nhà lãnh đạo nhóm 21 nước cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết tiếp tục mở cửa thị trường của mình và chống lại tất cả các hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”.
Theo hãng tin Reuters, cuộc họp của APEC tại Lima năm nay đã bị chi phối bởi những hoài nghi về tương lai của thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định TPP sau khi ông Donald Trump đắc cử vị trí tổng thống Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã kịch liệt phê phán các hiệp định thương mại tự do của Mỹ, trong đó có TPP – một hiệp định có 12 quốc gia tham gia nhưng không có Trung Quốc.
Một số nhà lãnh đạo đề xuất TPP vẫn có thể tiếp tục mà không cần có Mỹ, nhưng những người khác cho rằng TPP sẽ không thể triển khai nếu không có sự đàm phán lại.
Thủ tướng New Zealand John Key trong một cuộc họp bàn tròn vào ngày 19/11 cho rằng việc thay đổi bề mặt của hiệp định có thể cho phép chính quyền mới của Mỹ thông qua mà không làm mất thể diện chính trị của ông Trump.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đang tăng cường sự chú ý khi thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó không có Mỹ.
Trong thông cáo bế mạc, các nhà lãnh đạo APEC tuyên bố: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các hiệp định khu vực, gồm cả TPP và RCEP, nên cởi mở, minh bạch, toàn diện và không xung đợt với nhau.”
Cả TPP và RCEP có thể là một con đường tiềm năng để tiến đến một thỏa thuận thương mại chung cho toàn khu vực, được gọi là Hiệp định thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), thông cáo cho biết.
Các nhà lãnh đạo APEC thừa nhận rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế đã trở nên không đồng đều trong những năm gần đây và tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Đây được xem những yếu tố chủ chốt dẫn tới sự thay đổi theo xu hướng cô lập hóa tại các nền kinh tế phương Tây.
Tuy môi trường kinh tế toàn cầu phức tạp sẽ tiếp tục gây tác động kìm kẹp, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội để APEC tái cam kết xây dựng một nền kinh tế năng động, hài hòa và cởi mở trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo nói trong thông báo bế mạc.