Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 22/11

Bản tin Biển Đông ngày 22/11

Bản tin Biển Đông ngày 22/11/2016.

1) Quan chức Chính phủ Philippines kêu gọi cần mở lại các dự án khai thác dầu khí

Ngày 22/11, tạp chí The Manila Times đưa tin:

Trong một tuyên bố mới đây của ông Johnny Pimentel, tỉnh trưởng tỉnh Surigao del Sur’s, Philippines, đồng thời là thành viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh quốc gia của Nghị viện, ông kêu gọi Bộ Năng lượng tái khởi động các dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông đã tạm thời bị ngừng lại năm ngoái. Cụ thể, ông cho biết, ba dự án khai thác dầu khí ngoài khơi đang bị tạm dừng là các Hợp đồng Dịch vụ số 58, 72 và 75 tại khu vực Bãi Cỏ Rong, nơi được cho là đang chứa tới 1,56 nghìn tỉ mét khối khí và 5, 2 tỉ thùng trữ lượng dầu, theo một nghiên cứu do Cục Thông tin Năng lượng Mỹ thực hiện. Ông Pimentel cho hay, “việc tái khởi động ngay lập tức các hoạt động tìm kiếm những mỏ khí gas tự nhiên nước sâu mới là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, bởi mỏ khí Malampaya, nơi cung cấp gần 40% nhu cầu năng lượng cho đảo Luzon, có thể sẽ cạn kiệt trong vài thập kỷ tới”. Ông Pimentel khẳng định đã đến thời điểm thích hợp vì Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7 đã kết luận toàn bộ khu vực có liên quan hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phù hợp với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Thêm vào đó, ông bày tỏ kỳ vọng rằng Bộ Năng lượng sẽ dỡ bỏ lệnh tạm dừng hoạt động của các dự án này trong khi Chính phủ Philippines nỗ lực theo đuổi các biện pháp ngoại giao cứng rắn và hữu hiệu với Trung Quốc.

2) Đối với các ngư dân Trung Quốc, khi hoạt động trên Biển Đông, ranh giới giữa “nhu cầu” và “nghĩa vụ” không rõ ràng

Ngày 21/11, tạp chí Nikkei đăng bài viết “Đối với các ngư dân Trung Quốc, khi hoạt động trên Biển Đông, ranh giới giữa “nhu cầu” và “nghĩa vụ” không rõ ràng” của nhà báo Yu Nakamura:

Trong bài viết, nhà báo Yu Nakamura cho rằng mặc dù bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là “xâm chiếm lãnh thổ” song chính những ngư dân Trung Quốc hoạt động trong và xung quanh các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng không thể tách bạch được hai vấn đề “nghĩa vụ yêu nước” và “nhu cầu mưu sinh”.

Tác giả Nakamura nhận định, bên cạnh nhu cầu “mưu sinh”, động lực lớn để các ngư dân ra biển còn gắn với “một thoả thuận không thường xuyên” với Chính phủ, theo cam kết “cứ ra đánh cá mà không phải lo lắng gì” của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm cảng Đàm Môn ngày 8/4/2013. Khi được phóng viên phỏng vấn, ông Li, một ngư dân Trung Quốc hoạt động lâu năm trên biển, là một điển hình rõ nhất cho thấy ngư dân nước này đang bị vấn đề chính trị ở Biển Đông làm cho “đau đầu”. Trong cuộc phỏng vấn, ông khẳng định ngư dân Trung Quốc “chỉ ra Biển Đông để kiếm sống”, mặt khác lại nói rằng: “có những điều phải làm với tư cách là người Trung Quốc”, “nếu Chính phủ yêu cầu ngư dân ra biển, ngư dân sẽ mặc quân phục để ra biển”. Ông Li còn tiết lộ rằng, Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp khoảng 100.000 – 200.000 nhân dân tệ cho các tàu mỗi lần đưa ra chỉ thị cho các ngư dân ra Biển Đông nhằm “chi trả chi phí xăng dầu”. Không những thế, Bắc Kinh còn lập ra các hệ thống hàng hải hiện đại do Chính phủ trợ cấp phục vụ cho các tàu đánh cá ở cảng Đàm Môn để hỗ trợ cho hoạt động của ngư dân.

RELATED ARTICLES

Tin mới