Những năm trước, nhiều tai nạn thương tâm ở trẻ em xuất phát từ hạt nhựa nở – một loại đồ chơi của Trung Quốc đã gióng một hồi chuông cảnh báo về loại đồ chơi nguy hại này. Thế nhưng, sau một thời gian biến mất, đến nay, hạt nhựa nở lại xuất hiện trở lại và trở thành một thứ đồ chơi thịnh hành được bày bán khắp nơi.
Chỉ cần ngâm nước vài phút, những hạt nhỏ li ti đủ loại màu sắc sẽ trương nở to
lên gấp nhiều lần, một trò chơi rất thu hút các em học sinh mầm non và tiểu học.
Tại khu vực Trường tiểu học Trưng Trắc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, không khó để tìm mua những loại hạt nhựa nở này.
Với đủ màu sắc bắt mắt (xanh, đỏ, tím, vàng…), chỉ sau vài phút tiếp xúc với nước, các hạt này đã nở to gấp nhiều lần mà giá chỉ có 2.000 đồng/gói.
Tại một cửa hàng tạp hóa ở cổng trường Tiểu học Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), phóng viên dễ dàng mua được loại hạt nở nguy hiểm này. Nhiều em học sinh tại đây được hỏi đều tỏ ra thích thú với hạt nở và cho biết, chơi hạt nhựa rất vui, chỉ cần vài hạt mà có thể nở ra rất nhiều, thậm chí có những bạn còn ngậm cả vào mồm rồi lại nhả ra.
Em Trung Đức (lớp 2, trường Tiểu học Quang Tiến) hồn nhiên kể: “Cháu mua hạt này đơn giản, tất cả các cửa hàng gần trường cháu đều bán. Mỗi túi có 45 hạt, giá là 2.000 đồng/túi. Sau khi ngâm vào nước, hạt nở to dần, sờ tay vào mềm dẻo như thạch. Các bạn trong lớp cháu đứa nào cũng chơi loại hạt này. Bọn cháu đựng ở trong vỏ chai nước lavie, trà xanh. Có bạn thì bị bố mẹ cấm nhưng nhiều bạn không bị”.
Cũng theo nhiều học sinh kể lại, có bạn sau khi chơi hạt nhựa nở đã bị mẩn ngứa khắp người nhưng vẫn cứ chơi.
Để tìm hiểu kĩ hơn về loại hạt nhựa này, phóng viên đã tìm tới các cửa hàng chuyên bán đồ chơi trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tuy nhiên khi được hỏi mua, các chủ quán đều nói không bán.
Nhưng sau khi ngỏ ý mua với số lượng lớn, bà chủ quầy hàng ở phố Hàng Mã vào trong nhà mang ra một túi to trong đó có 10 vỉ, mỗi vỉ 24 gói nilon nhỏ nằm trong lòng bàn tay cho khách xem.
Bà chủ giới thiệu, hạt nhựa nở có xuất xứ từ Trung Quốc với nhiều loại hình hoa, con vật, côn trùng… nhưng phổ biến nhất là các hạt hình tròn với kích thước nhỏ. Tùy vào thời gian nở, hạt nhựa sẽ có độ phồng lên khác nhau.
Cũng theo bà chủ cửa hàng, vì nhiều người hỏi mua nên “khó cưỡng” lại ma lực của đồng lãi mang về nên bà cứ bán, miễn làm sao kín đáo để khó bị “soi”. “Trẻ em thích hạt nhựa nở bởi chỉ cần thả những hạt nhựa vào nước vài giờ, chúng sẽ từ từ nở to ra. Như thế, trẻ nào không muốn mua?”.
Để có cái nhìn trực quan về loại hạt nở này, các phóng viên đã một gói với giá 2.000 đồng, sau đó ngâm vào nước theo dõi.
Theo đó, chỉ sau khoảng 30 phút, các hạt nở đã phình to gấp 20 lần so với kích cỡ ban đầu, long lanh, màu sắc rất hấp dẫn như viên bi. Ngâm tiếp khoảng 24 tiếng, những hạt này lại nở to hơn rất nhiều, nếu va chạm mạnh có thể vỡ đôi và bắn ra 1 loại dung dịch lạ. Để lâu những hạt này chuyển sang màu trắng đục, nhỏ dần sau đó tan ra. Tiếp xúc lâu với loại hạt khi trương nở hết cỡ, chúng tôi bắt đầu có dấu hiệu ngứa da tay đồng thời mùi hắc của những hạt bị vỡ ra khiến hoa mắt, chóng mặt, thậm chí buồn nôn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết:
“Theo tôi, những loại hạt bán trên thị trường cho trẻ em chơi, khả năng cao có thể sử dụng muối bicarbonate. Khi nổ, dung dịch muối trong mỗi hạt này bắn vào người sẽ gây cảm giác khó chịu. Thực tế thì muối bicarbonate cũng có tính chất tương tự thuốc muối nhưng cũng có thể gây bỏng rộp, ngứa ngáy khi bắn lên cơ thể. Nhất là với trẻ nhỏ, làn da của trẻ rất mềm mỏng, nhạy cảm, lại không ý thức được việc hạt nhựa nở sẽ nổ, nếu bị bắn vào da sẽ nguy hiểm hơn bình thường.”
Được biết, trước đó vào ngày 24/4/2014, 3 học sinh của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (khu phố 5, phường 4, thành phố Tây Ninh) được các thầy cô đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh với triệu chứng tê cứng tay, ngứa da, đau bụng và nôn ói. Nguyên nhân ban đầu được xác định là sau giờ ăn cơm trưa, các em học sinh bán trú cùng chơi túi hạt nở ngâm nước mà các em học sinh thường gọi là hạt “trân châu”. Tại lớp học, em Huyền Trang kể lại, sau khi ăn cơm trưa xong em mượn hạt “trân châu” của mấy bạn nam cầm trên tay chơi, sau đó em cảm thấy khó chịu trong người, hai tay tê cứng không co lại được, toàn thân lạnh cóng.
Cũng cách đó không lâu, vào năm 2007, tại Trường THCS Quảng Phong – Quảng Xương (Thanh Hóa), 24 em học sinh và một giáo viên đã phải nhập viện cấp cứu vì hít phải khí lạ có mùi hắc từ đồ chơi hạt nhựa nở, trong đó có tới 7 em phải nhập viện lần 2.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam cho biết, các hạt nhựa trương nở có xuất xứ từ Trung Quốc khi hút nước thể tích của nó có thể tăng tới 100- 200 lần. Đây thực chất là polyme ghép tinh bột. Nếu trong quá trình sản xuất không loại hết phụ gia, chất xúc tác sẽ rất độc hại đối với cơ thể con người, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, một số chất màu còn có khả năng gây ung thư.
Được biết, trước đây, hạt trương nở được bán rộng rãi tại 40 quốc gia với 12 triệu gói chứa 8 tỷ hạt đã được bán trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, loại hạt này được bán rất chạy. Tuy nhiên, một cuộc thu hồi hạt nở trên đa quốc gia đã được thực hiện sau khi người ta phát hiện một nhà máy sản xuất loại hạt này ở Thâm Quyến (Trung Quốc) đã sử dụng một hóa chất rẻ tiền có độc tính thay cho chất được quy định khiến một số trẻ em nuốt loại hạt này đã bị ngộ độc và phải nằm viện.
Theo đó, loại hạt này bị phát hiện có chứa Diazo (màu dẫn polyacryamit) rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư.
Cụ thể, vào năm 2007, các cơ quan chức năng tại Hoa Kỳ đã thu hồi khoảng 4,2 triệu tấn đồ chơi hạt nhựa nở do Trung Quốc sản xuất. Nguyên nhân là những loại hạt này chứa một chất hóa học có thể gây ra một số triệu chứng như nôn mửa, hôn mê ở trẻ em sau khi nuốt phải.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chia sẻ: “Sẽ rất nguy hiểm nếu các hạt này lọt vào đường hô hấp và tiêu hóa của trẻ. Sau khi vào cơ thể, chúng sẽ hút nước và nở ra, làm tắc nghẽn đường thở, thậm chí tử vong. Ở đường tiêu hóa của trẻ nhỏ, một lượng hạt lớn có thể làm tắc ruột”.
Theo bác sĩ Lộc, trẻ lớn ít có nguy cơ hít hay ăn phải hạt nở, nhưng có thể đưa về nhà và những em bé dưới tuổi đến trường sẽ cầm lấy chơi. Trẻ nhỏ hay có xu hướng cho bất cứ thứ gì tìm được vào miệng, vào mũi nên nguy cơ gặp nạn do hạt nở là có thể xảy ra.
Hạt nở khi mới vào cơ thể sẽ rất khó gắp vì quá bé, còn khi nở ra lại quá mềm. Bác sĩ Lộc khuyến cáo nếu phát hiện hạt này lọt vào đường thở của trẻ, hoặc lọt vào đường ăn với số lượng lớn, cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
Chính vì vậy, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh từ hạt nhựa nở, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên mua hạt nhựa nở cho con chơi mà thay thế bằng những loại đồ chơi khác an toàn hơn. Bên cạnh đó, hi vọng rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm có các biện pháp thiết thực nhằm loại bỏ sản phẩm này trên thị trường.