Theo TASS, sẽ không cắt giảm số vũ khí đặt mua từ 2017-2019, đảm bảo tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang Nga, sẵn sàng đối phó với sự phát triển bùng nổ của quân đội Mỹ.
Trong tương lai gần, Hải quân Mỹ sẽ liên tục được nhận tàu chiến thế hệ mới.
Nga gồng mình…
Trong bối cảnh Tổng thống đặc cử Donald Trump tích cực triển khai những kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến Quân đội Mỹ hùng mạnh hơn bao giờ hết, Nga cũng phải gồng mình để không bị lép vế.
Ông Anton Siluanov, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 18/11 rằng: “Số lượng vũ khí được bố trí ngân sách để đặt mua trong giai đoạn từ 2017-2019 sẽ không bị cắt giảm. Đây là điều tối quan trọng đảm bảo tiến trình hiện đại hóa của quân đội Nga”.
Duma Quốc gia đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Hầu như tất cả các lĩnh vực đều bị cắt giảm, ngoại trừ quốc phòng.
Ngay ở những dòng đầu của bài phát biểu ông Anton Siluanov đã nhấn mạnh: “Chi tiêu quốc phòng là một trong nhưng ưu tiên đặc biệt, số lượng vũ khí đặt mua sẽ không giảm, bất chấp ngân sách hết sức khó khăn, đặc biệt là thu nhập từ dầu lửa bị sụt giảm”.
… nhưng như thế là chưa đủ
Trước đó, dự thảo ngân sách quốc phòng đã đề xuất chi cho năm 2017 là 2,8 nghìn tỷ rubles (43 tỷ USD); 2.7 nghì tỷ rubles (41 tỷ USD) năm 2018 và 2,8 nghìn tỷ rubles (43 tỷ USD) năm 2019.
Về con số tuyệt đối thì có thể thấy ngân sách quốc phòng Nga trong 3 năm tới sẽ không tăng và có sự giảm nhẹ. So với tổng ngân sách liên bang thì Chính phủ Nga cố giữ mức chi quốc phòng tương đương với 17,5% năm 2017, còn trong 2 năm 2018 và 2019 sẽ lần lượt chiếm 17% và 17,6% tổng ngân sách, không thay đổi là bao.
Mặc dù vậy, so với GDP, thì có thể thấy rất rõ rằng chi tiêu quốc phòng của Nga có dấu hiệu giảm sâu khi tụt mạnh từ khoảng 4,7% GDP năm 2016 xuống còn 3,3% năm 2017, giảm tiếp chỉ ở mức 3% năm 2018 và chạm đáy 2,8% GDP vào năm 2019.
Đài RFI cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội, cho dù nguồn thu nhập từ dầu lửa bị sụt giảm. Khoản thâm hụt ngân sách sẽ được bù đắp bằng quỹ dự trữ và quỹ này sẽ cạn kiệt vào cuối năm 2017.
Để đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 1,9% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2019, Nga cần phải cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu.
Như vậy, Ngân sách của chính phủ Nga đang nguy cấp, không đủ trang trải cho các khoản cần chi, buộc phải tiến hành thắt lưng buộc bụng. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga tuyên bố không giảm số lượng vũ khí đặt mua mới, nhưng về tổng thể ngân sách quốc phòng Nga cũng bị cắt giảm đáng kể.
Điều này có thể dẫn tới hệ lụy là nếu Quân đội Nga giữ nguyên số vũ khí sẽ đặt mua thì tất yếu dẫn tới việc sẽ không đủ tiền chi cho các hoạt động bảo đảm kỹ thuật, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, có thể khiến sức mạnh của các lực lượng vũ trang Nga bị suy giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo RFI, có tới 17% tổng ngân sách không xác định mục đích chi tiêu, nghĩa là trên thực tế đây có thể là những khoản chi cho quân sự. Vẫn biết Nga đang gồng mình chi cho quân sự, nhưng dường như Quân đội Nga đang rơi vào tình trạng khó khăn rất lớn.
Trước đó, đầu tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Timur Ivanov đã phải thừa nhận, các nguồn tài chính của ngành công nghiệp quốc phòng sẽ giảm do cuộc khủng hoảng, một xu hướng chắc chắn diễn ra trong năm 2017.
So với sự mạnh tay của Tổng thống đắc cử Donald Trump thì những nỗ lực trên của Nga chẳng thấm vào đâu. Quân đội Mỹ sẽ vươn tới sức mạnh tuyệt đối, đủ sức đánh thắng cùng lúc 2 cuộc chiến lớn, còn Nga vẫn giậm chân tại chỗ và suy yếu so với chính mình, dù Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, vẫn mạnh miệng tuyên bố:
“Moscow không phải là mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào, nhưng cũng sẽ không bỏ qua những hành động gây nguy hại tới lợi ích Liên bang”.