Wednesday, January 15, 2025
Trang chủĐiểm tinCựu nguyên thủ Trung Quốc Giang Trạch Dân sẽ bị hạ bệ...

Cựu nguyên thủ Trung Quốc Giang Trạch Dân sẽ bị hạ bệ ra sao?

Suốt bốn năm qua, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khéo léo từng bước nắm vị trí thuận lợi trong cuộc đương đầu với người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và kết liễu văn hóa tham nhũng mà ông Giang đã gây dựng ở Trung Quốc.

Từ sự trỗi dậy của ông Tập với tư cách là lãnh đạo tối cao cho đến việc thông qua các quy định nghiêm ngặt chi phối chặt chẽ đời sống của các cán bộ quan trọng của Đảng (được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 6), tất cả đã cho thấy sự sụp đổ của đế chế Giang Trạch Dân đã thật sự gần kề.

Ông Tập gần đây đã làm rõ hơn nữa mục tiêu cuối cùng của mình bằng việc ám chỉ rằng có những cán bộ ngoan cố trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Trong khi đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương dưới sự chỉ huy của ông Vương Kỳ Sơn, một đồng minh của ông Tập, đang bắt đầu điều tra bộ máy an ninh và các cơ quan tư pháp quan trọng. Động thái này khả năng là để chuẩn bị đưa ông Giang Trạch Dân ra hầu tòa, theo nhận định của một quan chức Trung Quốc đã nghỉ hưu có mối liên hệ với giới lãnh đạo Đảng.

Cuộc chiến sinh tồn

Nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm loại bỏ ông Giang Trạch Dân và phe cánh chính trị mạnh mẽ của ông ta không chỉ là một cuộc đấu tranh quyền lực điển hình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn là cuộc chiến sinh tồn của cá nhân, và thậm chí của cả quốc gia.

Gần hai thập kỷ nắm quyền của ông Giang (10 năm làm lãnh đạo Đảng và khoảng 10 năm đứng sau hậu trường thâu tóm chính trị) được đánh dấu bằng hoạt động đàn áp tàn bạo và tham nhũng tràn lan.

Ông Giang lên nắm quyền vào năm 1989, sau khi chứng tỏ rằng ông ta là một lãnh đạo cứng rắn trong suốt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Bắc Kinh và Thượng Hải, và kết thúc bằng vụ thảm sát đẫm máu tại Thiên An Môn. Khi còn đương nhiệm, ông ta cho phép hệ thống gia đình trị và tư bản bè phái nở rộ, làm giàu nhanh chóng cho bản thân và các đồng minh của mình bằng lợi ích của đất nước. Ông Giang cũng tìm cách duy trì quyền lực sau khi chính thức về hưu, nhằm tránh phải chịu trách nhiệm cá nhân vì chỉ đạo đàn áp môn tập ôn hòa Pháp Luân Công từ năm 1999.

Để khuyến khích các quan chức bắt giữ, tra tấn, và “tiêu diệt”các học viên Pháp Luân Công, ông Giang đã hứa hẹn cho họ cơ hội thăng tiến và làm giàu. Nhiều quan chức Trung Quốc đã quen với việc nhận hối lộ và mua bán chức vụ trong suốt triều đại của ông Giang Trạch Dân, và chính họ trở thành những thủ phạm tích cực nhất trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Một số đồng minh của ông Giang trong các doanh nghiệp nhà nước, giới truyền thông nhà nước đã được đưa vào chính quyền và đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đàn áp, chẳng hạn như cựu chiến lược gia an ninh Chu Vĩnh Khang và Lý Đông Sinh. Cả hai người đều từng lãnh đạo Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật tương tự như Gestapo của Đức Quốc Xã, chuyên trách bức hại Pháp Luân Công. Riêng ông Chu Vĩnh Khang còn làm Bộ trưởng Công an, một bộ máy an ninh được cấp ngân sách hơn 120 tỷ USD (khoảng 2,7 triệu tỷ đồng), cao hơn ngân sách dành cho quân đội.

Tuy nhiên, dưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, rất nhiều đồng minh của ông Giang đã dần dần bị vây bắt và kết tội lạm dụng chức vụ, nhận hối lộ hàng trăm triệu nhân dân tệ. Theo ước tính không chính thức của giới truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài thì con số này là hàng tỷ nhân dân tệ, mặc dù vậy con số này có thể vẫn chỉ là một ước tính thấp hơn thực tế.

Trong các bài phát biểu năm ngoái, ông Tập gợi ý rằng các tội chính trị của các cộng sự hàng đầu của ông Giang (như cựu Ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai, ông Chu Vĩnh Khang, cựu Phó Chủ tịch quân ủy Từ Tài Hậu và ông Quách Bá Hùng) còn nghiêm trọng hơn cả tội tham nhũng khổng lồ của họ. Ông Tập ám chỉ rằng những người của ông Giang còn bị kết tội cố ý “phá hoại và chia rẽ” Đảng – vì họ đã hoạch định cho một cuộc đảo chính bất thành.

Ông Tập đã lặp lại lời lên án của mình tại một cuộc họp vào ngày 2/11 rằng: “Một nhóm rất nhỏ bao gồm vài cán bộ cấp cao đã thổi phồng những tham vọng chính trị… hình thành bè phái và âm mưu… tìm kiếm quyền lực và địa vị, và những âm mưu chính trị khác.”, theo một tuyên bố do cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.

Hiện nay, chỉ có năm cán bộ cấp cao của Đảng phù hợp với mô tả của ông Tập, đó là các thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và là các đồng minh của ông Giang như: Ông Trương Đức Giang, ông Trương Cao Lệ, ông Lưu Vân Sơn, ông Tăng Khánh Hồng (cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc, trợ thủ chính trị của ông Giang), và chính bản thân ông Giang Trạch Dân.

Động thái chuẩn bị của ông Tập

Ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng, dường như đang chuẩn bị xiết chặt vòng vây tới các nhân vật quan trọng còn lại của phe ông Giang.

Đầu tiên là củng cố và chuẩn bị.

Vào tháng 10, các trưởng thanh tra nội bộ Đảng của sáu tỉnh và bốn cơ quan Đảng đã được cải tổ, đây là một động thái nhằm giữ các thanh tra viên trung thực bằng cách tách họ ra khỏi các đồng minh và các mạng lưới có thể có giữa các phe phái, theo nhà bình luận chính trị Lý Thiên Hiếu.

Sau đó, vào ngày 02/11, 69 nhà điều tra nội bộ thuộc Bộ Công an đã phải trải qua “các lớp đào tạo”, một động thái cho thấy một cuộc thanh trừng sắp xảy ra. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã chỉ trích Bộ Công an vào tháng trước, cho rằng giới lãnh đạo hàng đầu của Bộ thiếu “nhạy cảm chính trị”(Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn dường như là một thuộc cấp của ông Giang, từng được đưa vào chính phủ từ một công ty nhà nước, giống như ông Chu Vĩnh Khang).

Cũng trong ngày 02/11, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thông báo họ đang điều tra 27 cơ quan và các ban ngành của Đảng, trong đó có Trường Đảng Trung ương, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, và một số phương tiện truyền thông của nhà nước, cũng như Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Việc thanh tra trường đào tạo hàng đầu của Đảng, từ các đoàn thể cán bộ tới các phương tiện truyền thông của Đảng, cho thấy tình trạng đáng báo động của ông Lưu Vân Sơn, Chủ tịch Trường Đảng Trung ương kiêm Trưởng ban tuyên truyền. Tháng 6 vừa qua, bộ máy tuyên truyền cũng nhận được thông tin phản hồi gay gắt từ cơ quan chống tham nhũng.

Việc hai cơ quan pháp lý hàng đầu của Đảng sẽ bị điều tra đã gợi mối quan tâm của hơn 200.000 người dân Trung Quốc và các học viên Pháp Luân Công, những người đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với ông Giang Trạch Dân vì tội ác chống lại nhân loại. Làn sóng khiếu nại đã nổi lên sau một cuộc cải cách pháp lý hồi tháng 5 vừa qua trong đó yêu cầu Toà án chấp nhận và phản hồi tất cả các chứng từ hợp pháp đó.

Hạ bệ ra sao?

Một khối lượng lớn các đơn khiếu nại pháp lý của công dân Trung Quốc rằng họ bị ông Giang tước đoạt quyền lợi hợp pháp hoặc bị bức hại có thể sẽ trở thành lý do chính thức để truy tố ông ta, theo ý kiến của ông Tân Tử Linh, một cựu quan chức quốc phòng.

Ông Tân đã nói với Đài Phát thanh Hy vọng trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 01/11 rằng: “Khi vấn đề Giang Trạch Dân bị xử lý trong tương lai, nó sẽ không thông qua quyền lực cá nhân của lãnh đạo hạt nhân Tập Cận Bình, mà sẽ bằng Hiến pháp và pháp luật.” Ông cũng cho rằng một “phiên tòa đặc biệt” sẽ được thiết lập để truy tố ông Giang vì mức độ nghiêm trọng của những tội ác mà ông ta đã gây ra, trong đó bao gồm việc mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công.

Ông Tân nói rằng ông Giang có thể sẽ ra tòa trước kỳ Quốc hội thứ 19 của Đảng, sự kiện chuyển đổi lãnh đạo quan trọng của Trung Quốc, bởi vì ông Giang không được phép “can thiệp vào tương lai chính trị của đất nước dưới bất kỳ hình thức nào.”

RELATED ARTICLES

Tin mới