Ông Trump đã cho thấy sự thay đổi trong quan điểm về vấn đề biến đổi khí hậu, tra tấn tội phạm khủng bố và vụ bê bối email của bà Clinton.
Ông Trump trong cuộc gặp với ban điều hành, phóng viên và nhà bình luận New York Times. (Ảnh: New York Times)
Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump ngày 22/11 đã một lần nữa cho thấy những thay đổi trong quan điểm về chính sách đối nội và đối ngoại sau khi giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời bảo vệ quyền tiếp tục tham gia vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà ông có liên quan trên toàn thế giới, bất chấp điều này có thể gây ra tình trạng xung đột lợi ích.
Cụ thể, ông Trump đã cho thấy những thay đổi trong quan điểm với ít nhất 3 vấn đề.
Thứ nhất, ông Trump đã có cách nhìn khác, đi ngược lại tuyên bố tưởng như đã “chắc như đinh đóng cột” của ông trong chiến dịch tranh cử rằng, nước Mỹ phải rút khỏi thỏa thuận khí hậu quốc tế đạt được năm 2015 tại Paris.
Thứ hai, Tổng thống đắc cử Trump bày tỏ thông cảm với cựu đối thủ Clinton, từ bỏ ý định truy tố bà về bê bối email và những hoạt động tài chính của Quỹ Clinton.
Cuối cùng, ông Trump thay đổi quan điểm về việc sử dụng biện pháp tra tấn trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống đắc cử Trump nói rằng, ông đổi ý sau khi trao đổi với James N. Mattis, người từng đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, việc những tuyên bố của Trump có phải sự xoay chuyển thực sự trong suy nghĩ hay đơn giản là ông đang muốn thể hiện vai trò mới của mình một cách đúng mức sẽ chỉ sáng tỏ khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ. Với những gì đang thể hiện, rõ ràng, ông Trump sẽ tìm cách “mở rộng không gian hoạt động của mình” như ông ấy vẫn thường làm trước đây.
Ông Trump không có thành kiến với thỏa thuận Paris
“Tôi đang xem xét rất kỹ thỏa thuận”, ông Trump đề cập đến thỏa thận Paris về chống biến đổi khí hậu trong cuộc gặp với ban điều hành, phóng viên và nhà bình luận New York Times tại trụ sở tờ báo này. “Tôi không có thành kiến với nó, không khí và nước sạch rất quan trọng”.
Tổng thống đắc cử Trump thừa nhận, “có mối liên hệ” giữa các hoạt động của con người với tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời bày tỏ quan ngại về chi phí mà các công ty Mỹ phải chi trả để chuyển đổi sang mô hình sản xuất thân thiện với môi trường cũng như những tác động tới năng lực cạnh tranh của các tập đoàn.
Ý kiến về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra không chỉ mâu thuẫn với cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử mà còn mâu thuẫn với cả những tuyên bố của nhóm chuyển giao quyền lực của ông.
Myron Ebell, người dẫn dắt nhóm chuyển giao của ông Trump tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) vốn nổi tiếng là một nhân vật hoài nghi về biến đổi khí hậu. Ebell thường xuyên công kích quan điểm của các nhà khoa học chính thống cho rằng, sự nóng lên toàn cầu là một cuộc khủng hoảng cần phải được giải quyết ngay lập tức.
Cũng chính Ebell là nhân vật chống lại mọi nỗ lực của Mỹ để làm chậm sự ấm lên toàn cầu. Kế hoạch của đội phụ trách chuyển giao quyền lực của ông Trump được đăng tải trên mạng internet nói rằng, Tổng thống đắc cử sẽ “hủy bỏ Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu Obama – Clinton trị giá 5.000 tỷ USD”.
Dựa trên căn cứ này, các nhà hoạt động môi trường tỏ ra khá hoài nghi về tuyên bố mới nhất được Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra.
“Nếu một người có quan điểm cực đoan với biến đổi khí hậu như Myron Ebell còn phụ trách vấn đề này trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump thì tất cả những lời lẽ này đều là sáo rỗng”, May Boeve, Giám đốc điều hành nhóm vận động chống biến đổi khí hậu 350.org nhận định.
Không muốn làm tổn thương bà Hillary Clinton
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống đắc cử Trump cũng bày tỏ thông cảm với cựu đối thủ Clinton, đồng thời bày tỏ ý định không theo đuổi nỗ lực truy tố bà Clinton về bê bối email hoặc những hoạt động tài chính của Quỹ Clinton.
“Tôi không muốn làm tổn thương nhà Clinton. Tôi thực sự không muốn vậy. Bà ấy (Clinton) đã phải trải qua nhiều khó khăn và phải chịu đựng nhiều áp lực khác nhau”, ông Trump nói.
Tuyên bố của ông Trump hoàn toàn trái ngược với những gì ông từng nói trước đó. Tại cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên Tổng thống lần thứ hai ngày 9/10, Donald Trump cảnh báo “sẽ chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp tiến hành cuộc điều tra đặc biệt” về bê bối email của bà Hillary Clinton nếu ông đắc cử.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Kellyanne Conway để ngỏ khả năng ông Trump từ bỏ việc truy tố bà Clinton.
Bà Conway nêu rõ: “Tôi nghĩ rằng, khi Tổng thống đắc cử nói với bạn từ trước khi nhậm chức rằng ông ấy không muốn theo đuổi cuộc điều tra đó, thì đấy là một nội dung, giọng điệu và thông điệp mạnh mẽ”.
Mặc dù cho rằng, cựu Ngoại trưởng Clinton vẫn đang phải đối diện một thực tế là nhiều người Mỹ đã mất niềm tin vào bà, song bà Conway nhận định “nếu ông Trump có thể giúp bà Clinton lấy lại niềm tin thì đó là một việc tốt”.
Mối lo xung đột lợi ích
Trước những quan ngại về hiệu quả điều hành đất nước khi không từ bỏ hoạt động kinh doanh, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng, không có mâu thuẫn giữa hoạt động kinh doanh của ông với việc ông trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ.
“Về mặt lý thuyết, tôi có thể hoạt động kinh doanh một cách hoàn hảo và sau đó điều hành đất nước một cách hoàn hảo. Từ trước đến giờ chưa có trường hợp nào như vậy. Tôi muốn làm một điều gì đó… Luật pháp hoàn toàn đứng về phía tôi, Tổng thống không thể có mâu thuẫn về lợi ích”.
Ông Trump nhấn mạnh rằng, vị thế và trách nhiệm Tổng thống của ông không thể bị tổn hại do những xung đột lợi ích với đế chế tài chính mà ông và các thành viên trong gia đình gây dựng nhiều năm qua.
Cũng trong phỏng vấn này, ông Trump cho biết ông đang dần chuyển giao công việc cho các con.
Một số luật sư và Ủy ban Giám sát trách nhiệm của chính quyền Mỹ cũng đang yêu cầu Tổng thống đắc cử Trump làm rõ việc điều hành các công ty của gia đình sau khi nắm quyền.
Theo thông lệ Mỹ, khi một Tổng thống lên nắm quyền thì các tài sản của cá nhân sẽ được chuyển cho một quỹ tín thác độc lập điều hành, nhưng đến nay ông Trump chỉ nói sẽ chuyển cho các con quản lý.
Hiến pháp Mỹ quy định, Tổng thống đương nhiệm không được nhận quà hay khoản tài chính từ một chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo đó không thể có mối quan hệ kinh doanh với các đối tác tư nhân nước ngoài.
Hiện các công ty của ông Trump có dự án ở 18 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Azerbaijan, Qatar và Indonesia.