Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan ngại TQ đi vào "vết xe đổ" của Nhật Bản

Quan ngại TQ đi vào “vết xe đổ” của Nhật Bản

Nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel năm 2008, ông Paul Krugman hôm 17/11 bày tỏ quan ngại, Trung Quốc đang ở tình trạng giống Nhật Bản năm 1989, ngay trước “thập kỷ mất mát”.

Nhà kinh tế học Paul Krugman (Ảnh: VOA)

Tham dự một hội thảo ở Viện Peterson, Washington ngày 19/11, ông Krugman cho biết mối lo không đến từ sự đe dọa do nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mang lại với xã hội quốc tế và Mỹ, mà đến từ nguy cơ bất ổn trên phạm vi toàn cầu khi kinh tế Trung Quốc đi xuống.

Trung Quốc “chưa đủ lớn để không thể sụp đổ”

Trả lời câu hỏi liệu cộng đồng quốc tế có thể giải cứu Trung Quốc theo cách tương tự chương trình cứu trợ tài chính ngân hàng mà chính phủ Mỹ khởi động sau cuộc khủng hoảng 2007-2008, Paul Krugman lắc đầu:

“Không. Ngay cả khi các nước khác có sẵn lòng đến mấy, thì [quy mô nền kinh tế-xã hội] Trung Quốc cũng quá lớn… Nó chưa đủ lớn để không bị sụp đổ, nhưng lại quá lớn để được giải cứu.”

Ông lý giải thêm: “Ai có thể làm được điều đó (cứu thị trường Trung Quốc)? Chính quyền Trump? Hay Liên minh châu Âu (EU), vốn cũng đang ‘tan đàn xẻ nghé’? Không, sẽ không có màn giải cứu toàn cầu nào hết.”

Hậu quả chính trị mà sự suy thoái kinh tế gây ra ở Trung Quốc là một nỗi lo rất lớn mà các nước lớn cần phải lưu tâm. 

Krugman nói: “Trung Quốc đủ lớn để tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng lên phần còn lại của thế giới, chủ yếu vẫn là ở châu Á. Nhưng tôi bắt đầu lo ngại về vấn đề kinh tế chính trị. Điều gì sẽ xảy đến đối với sự ổn định nội bộ của Trung Quốc? Chắc chắn không phải là những chuyện tốt đẹp gì.”

Trung Quốc giống Nhật Bản năm 1989 nhưng không có “lưới an toàn”

Theo chủ nhân giải Nobel Kinh tế, Trung Quốc của năm 2016 đang tồn tại hàng loạt dấu hiệu tương đồng với Nhật Bản năm 1989, trước khi Nhật rơi vào “thập niên mất mát”.

“Thập niên mất mát” là tên gọi thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài của Nhật suốt thập niên 1990. Sau khi bong bóng tài sản vỡ vào những năm 1990-1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này thấp hẳn đi.

“Nhìn từ các hiện tượng như người dân gửi tiền tiết kiệm quá nhiều, thiếu cơ hội đầu tư và bong bóng bất động sản, có thể thấy hiện trạng Trung Quốc rất giống [Nhật Bản] ngày trước, nhưng lại thiếu hẳn ‘một tấm lưới an toàn’,” ông nói.

Theo ông Krugman, chính trường Nhật Bản rất ổn định và “rất giỏi trong việc bảo đảm tạo công ăn việc làm”. Chính phủ Nhật đã “rót lượng tiền khổng lồ vào xây dựng cơ sở hạ tầng – một giá trị đáng ngờ – mà vẫn giữ được ổn định xã hội”. Nhưng khó có thể hình dung như thế về Trung Quốc.

Với môi trường chính trị ngày càng được kiểm soát một cách nghiêm ngặt, đặc biệt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành “lãnh đạo hạt nhân” của nước này tại Hội nghị trung ương 6 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối tháng 10, rất khó nhận định diễn biến nào sẽ, hoặc không xảy ra trong vài năm tới.

Tại hội thảo ngày 19, Krugman chỉ ra rằng, trong khi hai nền kinh tế hàng đầu châu Á đều có tầm ảnh hưởng đáng kể lên các vấn đề quốc tế, cũng như nhiều phương diện kinh tế khác, nhưng Trung Quốc lại dễ rơi vào khủng hoảng tài chính hơn nhiều.

RELATED ARTICLES

Tin mới