Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiViệt Nam khéo lại phá rừng để trồng Mắc-ca

Việt Nam khéo lại phá rừng để trồng Mắc-ca

Tôi không nghi ngờ người ta sẽ lại tiếp tục phá rừng tự nhiên để trồng mắc-ca. Cấm công khai người ta sẽ lén lút làm trộm.

Không còn đất để trồng mắc-ca

Trồng đại trà mắc-ca cũng không có đất

TS. Võ Đại Hải – Viện phó – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (FSIV) nhấn mạnh, Bộ NN-PT-NT không phát động mở rộng trồng cây mắc-ca một cách ồ ạt, thiếu bền vững.

Theo ông Hải, cây mắc-ca là loài cây lâm sản ngoài gỗ và là loại cây chiến lược nằm trong mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu cây lâm sản ngoài gỗ của ngành nông nghiệp. Nhưng do chỉ đạo không được phép phá rừng tự nhiên để khai thác cây lâm sản ngoài gỗ, do đó, Bộ NN-PT-NT đã xây dựng một quy hoạch với diện tích nhất định để trồng cây mắc-ca. Mục tiêu là phát triển nhưng phải đảm bảo tính bền vững.

Theo phương án quy hoạch trồng cây mắc-ca của Bộ NN-PT-NT hiện nay chỉ có khoảng 10.000ha đất rừng dành cho loại cây này. Như vậy, diện tích trồng mắc-ca đã có địa chỉ cụ thể và việc các địa phương muốn ồ ạt, mở rộng diện tích để phát triển mắc-ca là quá mạo hiểm gây phá vỡ quy hoạch và không được phép.

Ông Hải cho biết, vừa rồi Bộ cũng đã có rà soát, phương án quy hoạch đã rất rõ rồi.

Hơn nữa, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

“Chắc chắn không có chuyện sẽ phá rừng tự nhiên để trồng mắc-ca. Trồng mắc-ca cũng không được phép trùm lên diện tích rừng tự nhiên. Điều này là không được phép”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, sự tính toán của Bộ NN-PT-NT cho thấy đã có sự rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học trồng cây cao su, ồ ạt trồng, ồ ạt chặt rồi cuối cùng cái khổ chỉ đổ đầu người dân.

Do đó, việc không khuyến khích mở rộng, trồng đại trà cây mắc-ca của Bộ NN-PT-NT là hướng đi đúng đắn.

Dù đã có quy hoạch song ông Lê Huy Cường – Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp vẫn lo ngại: “diện tích có thể trồng được thì đã trồng cafe, cao su hết rồi, nếu muốn trồng mắc-ca bắt buộc phải phá rừng tự nhiên thôi”.

Ông Cường lý giải, người dân đã đổ rất nhiều tiền của vào trồng cafe, cao su dù dớt giá, không hiệu quả nhưng hiện nay vẫn đang túc tắc thu được tiền. Không ai lại mạo hiểm thêm một lần nữa, phá bỏ cao su, cafe để trồng một loại cây mới mà tới 5-7 năm sau mới cho kết quả.

Trong khi kết quả thì còn chưa rõ ràng, chưa ai chắc chắn 10 cây sẽ cho ra quả cả 10 hoặc có thì cũng là rất ít.

“Tôi không nghi ngờ người ta sẽ lại tiếp tục phá rừng tự nhiên để trồng mắc-ca. Đóng cửa rừng, không cho phá công khai họ sẽ phá trộm, phá một vài héc-ta trong rừng sâu thì cũng rất khó có thể kiểm tra, kiểm soát, xử lý được. Như phá rừng cao su, cuối cùng cũng chỉ là sự đã rồi”, ông Cường nói.

Hô hào trồng mắc-ca: Nhiều động cơ khác

Bàn thêm về vấn đề này, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT cũng cho biết, quan điểm của Bộ NN-PT-NT đã rất rõ ràng, không hô hào, mở rộng trồng cây mắc-ca đại trà.

Việc hô hào phát động trồng cây mắc-ca đại trà chủ yếu vẫn là từ phía các doanh nghiệp bán cây giống và các đơn vị muốn cho vay vốn. Vì những động cơ khác nhau mà họ đưa ra những lời mời gọi khác nhau, tuy nhiên, ông Sơn vẫn nhấn mạnh phải rất thận trọng.

“Bộ NN-PT-NT đã có cảnh báo rồi. Bài học rất nhiều cây, nhiều con cũng đã có rồi”, ông Sơn nói thẳng là chưa có đủ cơ sở khoa học để tin tưởng vào chiến lược phát triển cây mắc-ca đại trà.

“Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, tính thích nghi của cây mắc-ca rất hẹp; thị trường hạn hẹp lại khó tính trong khi đất trồng lại bị hạn chế… cảnh báo đó người dân phải lắng nghe”, ông Sơn nhắn nhủ.

Phân tích thêm, TS. Võ Đại Hải – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận cây mắc-ca rất khó tính, không phải điều kiện nào cũng có thể trồng được.

Do vậy, khi trồng và phát triển cây mắc-ca bắt buộc phải có những cuộc khảo sát, trồng thì điểm để đánh giá những đặc tính cây trồng, yếu tố sinh thái của loại cây này bao gồm cả các yếu tố về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu…

Bên cạnh đó, ông Hải lưu ý bài toán kinh tế học và tiềm năng về mặt thị trường. Theo ông Hải, ngay cả khi muốn mở rộng, phát triển mạnh thị trường cây mắc-ca thì bài toán khó nhất với Việt Nam vẫn là bài toán về thị trường.

“Tiếp tục mở rộng quy hoạch, ồ ạt trồng mắc-ca nhưng lại không đảm bảo được đầu ra thì cuối cùng thiệt thại, cái khó vẫn lại đổ lên đầu người dân. Vì vậy, Bộ NN-PT-NT cân nhắc chính là vấn đề này. Phát triển phải đảm bảo tính bền vững”, ông Hải nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới