Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 23-11 đã ký kết hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự có tên gọi Thỏa thuận Bảo mật chung về thông tin quân sự (GSOMIA).
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và Đại sứ Nhật Bản tại Seoul Yasumasa Nagamine đã chính thức ký hiệp ước, tại Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul.
Việc ký kết cuối cùng diễn ra không đầy một tháng sau khi các cuộc thảo luận về hiệp ước được nối lại vào ngày 27-10 sau khi bị gián đoạn trong vòng bốn năm.
Trước đó ngày 22-11, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã thông qua hiệp ước sau khi được nội các nước này thông qua.
Khi có hiệu lực, hiệp ước này sẽ cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản trực tiếp chia sẻ thông tin về Bình Nhưỡng cho nhau mà không phải thông qua Mỹ.
Hàn Quốc kỳ vọng sẽ tận dụng được tối đa khả năng thu thập thông tin tiên tiến của Nhật Bản về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thông qua hiệp ước.
Hàn Quốc cho rằng, các hình ảnh vệ tinh về Triều Tiên của Nhật Bản cũng như những thông tin của nước này về các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm sẽ đặc biệt nâng cao năng lực quốc phòng của nước này.
Một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, theo hiệp ước, hai nước cũng có nghĩa vụ bắt buộc giữ bí mật thông tin quân sự về Bình Nhưỡng và không được tiết lộ cho bên thứ ba.
Tuy nhiên, ba đảng đối lập tại Hàn Quốc gồm Dân chủ đồng hành (đảng Minjoo), đảng Nhân Dân và đảng Công lý đã chỉ trích thỏa thuận, gọi đó là “một việc vội vã” không xem xét ý kiến của công chúng.
Trước đó, tháng 12-2014, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã ký kết một thỏa thuận sơ bộ kêu gọi chia sẻ tự nguyện các bí mật quân sự về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Thỏa thuận này cho phép Seoul và Tokyo chia sẻ thông tin tình báo thông qua Mỹ sau khi hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự song phương của họ thất bại vào năm 2012.
Hiện tại, Hàn Quốc duy trì hiệp ước với 32 quốc gia về chia sẻ thông tin quân sự.