Những sai phạm mà SCIC gây ra hết sức nguy hiểm vì vậy cần phải truy đến cùng các cá nhân, tập thể không thể bao che, dung túng.
Sai phạm được báo trước
Ngày 22/11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận việc chấp hành chính sách pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo đó, SCIC được giao thực hiện việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương chuyển giao. Tuy nhiên qua 6 nội dung thanh tra tại SCIC, TTCP đều phát hiện nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Đáng chú ý, nhiều trường hợp cán bộ của SCIC tham gia đại diện 4 – 5 doanh nghiệp lớn hoặc tham gia quản trị điều hành tại nhiều doanh nghiệp dẫn đến khối lượng công việc nhiều nhưng năng lực cán bộ chỉ có hạn.
Trong kết luận thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với đơn vị xử lý về kinh tế số tiền hơn 600 tỉ đồng chi không hợp lệ tại SCIC cũng như trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định không hề cảm thấy bất ngờ trước những sai phạm của SCIC được TTCP chỉ ra.
Theo PGS.TS Nga, SCIC hiện đang quản lý vốn nhà nước, chứ không phải vốn cá nhân họ. Nhà nước giao cho SCIC chức năng quản lý vốn đầu tư của nhà nước mà không có cam kết gì.
“Đây là vấn đề mà trong kinh tế học gọi là mối quan hệ Ủy quyền – tác nghiệp. Không xảy ra vi phạm thất thoát mới là điều lạ. Hệ quả của nó là lựa chọn ngược và rủi ro đạo đức.
Lãnh đạo họ đâu có chọn được những dự án tốt nhất, cuối cùng những dự án xấu đã đẩy những dự án tốt ra khỏi thị trường và lãnh đạo SCIC đưa ra quyết định có lợi cho bản thân họ chứ không phải cho nhà nước mà họ được ủy quyền. Thực tế bộ máy quản lý của SCIC toàn là quan chức nhà nước, hầu như không có kinh nghiệm trong quản lý vốn tư nhân cho dù họ học hành rất bài bản”, PGS.TS Nga khẳng định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia còn chỉ ra một nghịch lý trong quản lý điều hành hiện nay của SCIC. Thực tế lãnh đạo SCIC là quan chức hưởng lương và phụ cấp nếu kinh doanh tốt. Tuy nhiên họ không mất gì nếu đầu tư không hiệu quả. Đặc biệt, lãnh đạo SCIC được hưởng cái gọi là “hoa hồng” trong đầu tư và mua sắm tài sản.
“Sai phạm ở SCIC là chuyện hiển nhiên khi nhà nước trao quyền hành quá lớn cho bộ máy quản lý ở đây”, PGS.TS Nga nhấn mạnh.
Cùng đưa ra nhận định, TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến những sai phạm và thất thoát tại SCIC trong thời gian là mọi vấn đề không được công khai, minh bạch thông tin.
“Không riêng gì SCIC mà doanh nghiệp nhà nước từ xưa đến nay đều có những hiện tượng như vậy. Bởi lẽ quản trị doanh nghiệp cổ điển và không minh bạch hóa thông tin. Thậm chí trong môi trường nhà nước còn xảy ra tình trạng bao che cho nhau, những người không có tài vẫn còn tồn tại, trong khi người có năng lực chưa thật sự được trọng dụng. Điều đó dẫn đến các tình trạng hối lộ, tham nhũng, bất công.
Ngoài ra doanh nghiệp cũng nhận được nhiều ưu đãi theo kiểu muốn làm gì thì làm, không ai quản lý dẫn đến sai phạm”, TS Tín khẳng định.
Hệ lụy nguy hiểm
Tiếp tục phân tích, TS Tín bày tỏ lo ngại khi SCIC hiện đang nắm gần như toàn bộ nguồn vốn của nhà nước, đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước. Khi SCIC để xảy ra các sai phạm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
“Việc thất thoát, sai phạm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân không đầu tư được. Mà thực tế số tiền thất thoát là tiền thuế của người dân đóng góp, như vậy là không thể được.
Hơn nữa, lương cán bộ SCIC rất cao, nhân viên bình thường trên 20 triệu, lãnh đạo trên 100 triệu. Những sai phạm này sẽ khiến nền kinh tế trì trệ hơn và cuối cùng người dân gánh chịu”, TS Tín khẳng định.
Trong khi đó, PGS.TS Nga nhấn mạnh, từ những sai phạm của SCIC, đầu tiên chắc chắn là nhà nước sẽ mất đi phần vốn của mình cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
“Đây là tiền thuế của nhân dân. Đáng nhẽ ra là phải quay lại phục vụ cộng đồng. Thứ hai là mất đi niềm tin của người dân vào SCIC và mất niềm tin vào cái gọi là “vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”. Quan trọng là chúng ta mất đi một số cán bộ giỏi nhưng thoái hóa và được đặt vào “vị trí” không đúng với chuyên môn và không thể làm gì khác.
Theo điều lệ (Nghị định số 57/2014/NĐ-CP ) tổ chức và hoạt động của SCIC thì các thành viên trong hội đồng thành viên phải là những người có năng lực kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng tôi đọc hồ sơ của 7 thành viên thì không có ai đã từng làm tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân”, PGS.TS Nga chỉ rõ.
Phải truy đến cùng
Nói về những thất thoát và sai phạm của SCIC, TS Bùi Quang Tín cho rằng cần phải truy đến cùng để xử lý nghiêm các sai phạm, không thể bao che, dung túng các cá nhân, tập thể có liên quan.
“Chúng ta cần làm rõ thua lỗ như vậy thì lý do tại sao? Để trả lời điều này, cần phải mời một công ty kiểm toán độc lập, thậm chí một công ty quốc tế vào làm việc với SCIC để tìm ra lỗ hổng của họ.
Thứ hai, pháp luật hình sự của chúng ta cũng có những quy định rất rõ ràng. Phải xử lý hình sự những người vi phạm. Cuối cùng, xử lý theo pháp luật dân sự. Nếu ai để xảy ra sai phạm, làm thất thoát tiền của của nhà nước thì phải bồi thường thiệt hại. Chúng ta phải làm đầy đủ, chặt chẽ theo tinh thần ai sai phạm đến đâu thì phải xử lý đến đó, không được bao che, bỏ sót tội”, TS Tín khẳng định.
Đặc biệt, vị giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM còn lưu ý đến chỉ đạo của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước.
TS Tín đặt vấn đề: “Những DNNN làm việc không hiệu quả theo nghị quyết của Quốc hội vừa rồi là phải cho phá sản. Mà SCIC cũng là một trong những doanh nghiệp như thế. Tại sao chúng ta lại không nghĩ đến chuyện cho SCIC phá sản? Tôi nghĩ nghị quyết đã có thì chúng ta cần phải làm mạnh mẽ việc này”.
Đồng tình với quan điểm với TS Tín, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga cho rằng để chấn chỉnh hoạt động của các DNNN nói chung và SCIC nói riêng, Chính phủ phải đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa DNNN, chỉ cần giữ các lĩnh vực mà DN tư nhân không thể, không muốn và không được kinh doanh. Nên tư duy lại quan niệm về tính chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhất là DNNN.
“Nếu chưa thể cổ phần hóa thì trước mắt cần có chế tài mạnh để lãnh đạo các DNNN kiểu như SCIC điều chỉnh hành vi có thể gây tổn hại và tổn hại nghiêm cho các nguồn đầu tư của nhà nước. Có thể thuê chuyên gia nước ngoài, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tư nhân, đồng thời cũng có thể thuê chuyên gia Việt Nam không phải công chức nhà nước làm quản lý DNNN”, PGS.TS Nga nói.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia, giải pháp căn cơ vẫn là nhà nước cần thoái vốn ở tất cả các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm hiệu quả hơn.
“Sở hữu nhà nước là sở hữu toàn dân. Vì vậy có nhiều đố tượng ăn theo và hậu quả nhãn tiền mà mọi người đều biết. Con người nếu biết rằng họ không phải trả giá cho những tai ương thì họ không bao giờ hành động một cách hợp lý để có lợi cho bản thân, đồng thời gây tổn hại cho xã hội.
Tôi khẳng định lại rằng, nhà nước có chức năng sửa chữa những khuyết tật của thị trường và tạo ra các thể chế thúc đẩy thị trường phát triển hiệu quả và đẩy mạnh cạnh tranh chứ không phải là nhà nước cạnh tranh với khu vực tư nhân”, PGS.TS Nga nêu quan điểm.