Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCuba và di sản của Fidel Castro

Cuba và di sản của Fidel Castro

Những năm gần đây, tuy ngày càng ít xuất hiện trước công chúng, nhưng những ảnh hưởng của Fidel Castro sau gần nửa thế kỷ dẫn dắt Cuba vẫn rất rõ nét.

Kể từ năm 2006, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã dần rút lui khỏi chính trường. Những năm gần đây, tuy ngày càng ít xuất hiện trước công chúng nhưng những ảnh hưởng của ông sau gần nửa thế kỷ dẫn dắt quốc gia Trung Mỹ này vẫn rất rõ nét.

Ngày 31.7.2006, ông Carlos Valenciaga, thư ký riêng của Chủ tịch Fidel Castro xuất hiện trên truyền hình để đọc thông cáo chính thức về việc nhà lãnh đạo chuyển giao quyền điều hành đất nước cho em trai là ông Raul Castro. Kể từ thời điểm đó, ông tập trung nhiều thời gian cho các bài viết phân tích, nhận định chính trị trong nước và quốc tế trên báo chí, đặc biệt là nhật báo Granma.

Trong những dịp xuất hiện ngày càng thưa dần trước công chúng, ông cũng không còn mặc quân phục mà thay thế bằng áo khoác thể thao giản dị. Tuy nhiên, tại Cuba, Fidel Castro vẫn là một tượng đài, đối với dân chúng cũng như giới lãnh đạo. Kênh truyền hình BFMTV dẫn lời Chủ tịch quốc hội nước này Ricardo Alarcon cho biết: “Chúng tôi luôn tham vấn ý kiến của Fidel về những quyết định quan trọng của đất nước”.

Nền tảng giáo dục – khoa học

Năm 1960, lãnh tụ Fidel Castro từng tuyên bố: “Tương lai của tổ quốc chúng ta phải là những nhà khoa học”. Sau gần nửa thế kỷ dưới sự lãnh đạo của ông, Cuba đã thiết lập được một hệ thống y tế, giáo dục cực kỳ bài bản, bất chấp những khó khăn về kinh tế. Khi dần tiếp nhận các vị trí lãnh đạo từ anh trai, Chủ tịch Raul Castro tiếp tục xem khoa học – giáo dục là trọng tâm của những kế hoạch phát triển đất nước.

Tờ L’Humanité dẫn lời chuyên gia về quan hệ quốc tế Ignacio Ramnonet nhận định: “Những di sản của Fidel Castro sẽ vẫn còn gây ảnh hưởng rất lâu dài tại Cuba. Ông ấy là người đã có công rất lớn trong việc nâng cao trình độ văn hóa của người dân nước này. Tại Cuba, hiện mức độ học vấn tối thiểu là tốt nghiệp cấp 2. Đây thật sự là một cuộc cách mạng”.

Cùng với sự kế thừa nền tảng giáo dục – khoa học từ thời của nhà lãnh đạo Fidel Castro, Chủ tịch Raul Castro đã từng bước thực hiện những cải cách về kinh tế – xã hội kể từ sau khi được chuyển giao các vị trí lãnh đạo trong 1 thập niên qua. Cụ thể, Havana đã có sắc lệnh tăng thời hạn cho các công ty nước ngoài thuê đất đai thuộc sở hữu của nhà nước để tạo điều kiện cho phát triển du lịch – ngành mũi nhọn của kinh tế Cuba. Việc kinh doanh cá thể cũng phát triển hơn vì người dân nước này đã được nuôi trồng và sản xuất các mặt hàng nông nghiệp. Hiện có khoảng 1,4 triệu người, tức 30% số người trong tuổi lao động của Cuba đang làm việc cho các cơ sở ngoài nhà nước.

Giới hạn tuổi lãnh đạo

Tại Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Cuba vào năm 2011, ông Fidel Castro cho biết “không nhận một trọng trách nào” và rời khỏi T.Ư Đảng. Ông Raul Castro được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Cuba. Tại đại hội này, ông đã đề xuất áp dụng giới hạn nhiệm kỳ cho các vị trí lãnh đạo và tuyên bố sẽ tiến hành “trẻ hóa có hệ thống” từ cấp cơ sở đến các vị trí quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước, theo tờ Granma.

Trong một bài viết trước đó, lãnh tụ Fidel Castro từng đánh giá rằng Cuba cần một thế hệ lãnh đạo kế thừa để “khắc phục những sai lầm trong quá khứ, bảo đảm Cuba vững bước phát triển theo con đường CNXH”.

Tại Đại hội 7 của Đảng Cộng sản Cuba hồi tháng 4.2016, Chủ tịch Raul Castro tiếp tục cho thấy quyết tâm “trẻ hóa có hệ thống” khi đề xuất độ tuổi tối đa để được bầu vào T.Ư Đảng là 60 và độ tuổi tối đa để giữ các vị trí lãnh đạo của đảng là 70. Theo ông, việc giới hạn tuổi cũng cần được áp dụng cho các cơ quan khác của nhà nước.

Quan hệ với Mỹ

Chủ tịch Raul Castro từng tuyên bố chỉ giữ vị trí lãnh đạo đất nước trong 2 nhiệm kỳ, vốn sẽ kết thúc vào năm 2018. Theo giới quan sát, trong thời gian còn lại trước khi về hưu, ông sẽ tiếp tục những cải cách khá thận trọng với “kinh tế nhà nước tiếp tục là thành phần chủ đạo của nền kinh tế quốc gia” như đã khẳng định vào Đại hội 7.

Hiện tại, Cuba đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh khu vực châu Mỹ Latin vẫn đang chật vật với khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là tại Venezuela, một trong những quốc gia từng hỗ trợ Havana rất nhiều trong những năm qua. Những cải cách tại Cuba cũng sẽ phù hợp với tiến triển của quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, được khởi động từ năm 2014. Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ xảy ra nhiều biến động khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20.1.2017.

Kể từ năm 2014 đến nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đã gặp nhau 3 lần. Ông Obama cũng là người rất ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cấm vận đối với Havana. Quan hệ giữa hai nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, chẳng hạn như việc mở lại các chuyến bay thương mại giữa Mỹ và Cuba từ cuối tháng 8.

Với Tổng thống đắc cử Donald Trump, tiến trình này đang trở nên khó dự đoán. Vốn là một doanh nhân, về nguyên tắc, ông Trump chắc chắn nhìn thấy tiềm năng từ việc doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Cuba. Nhưng trong quá trình tranh cử, ông cũng nhiều lần nhận định các thỏa thuận mà Washington đã ký với Havana là “không mang lại lợi ích gì”. Tổng thống đắc cử Mỹ từng tuyên bố trên Đài CNN rằng chỉ tiếp tục quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba nếu “được đáp ứng một số điều kiện”.

Niềm tự hào về y tế
Với chiến lược đầu tư dài hạn, Cuba đã xây dựng được một hệ thống y tế hàng đầu khu vực châu Mỹ Latin. Theo Đài truyền hình France Télévision, điều 50 trong hiến pháp nước này quy định người dân được điều trị miễn phí tại bệnh viện. Đây cũng là nguyên nhân giúp Cuba được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ được tình trạng mẹ truyền vi rút HIV sang con vào tháng 7.2015.
Năm 2012, Cuba có thêm 11.000 sinh viên y khoa tốt nghiệp. Con số kỷ lục trong lịch sử nước này đã cho thấy thành công trong các chính sách về y tế của Havana. Năm 1959, Cuba chỉ còn hơn 3.000 bác sĩ. Hơn 50 năm qua, nước này đã đào tạo được 109.000 bác sĩ, đạt tỷ lệ 1 bác sĩ/147 dân. Với đội ngũ thầy thuốc đông đảo, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi tại Cuba là 4,5/1.000, tương đương với các quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tương tự, tuổi thọ trung bình của nước này cũng lên đến 77 tuổi.
 
Từ năm 1980, Chủ tịch Fidel Castro đã tuyên bố sẽ “chạy đua” nghiên cứu về công nghệ sinh học với các nước phương Tây. Đài truyền hình France Télévisions dẫn một báo cáo của WHO nhận định: “Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế, chính phủ Cuba cũng ưu tiên cho việc nghiên cứu công nghệ sinh học. Trong 20 năm qua, họ đầu tư khoảng 1 tỉ USD cho lĩnh vực này”. Hiện dược phẩm đứng thứ 2 trong số các sản phẩm xuất khẩu của Cuba, với doanh số khoảng 600 triệu USD/năm, gấp đôi 2 mặt hàng nổi tiếng là xì gà và rượu rhum. Năm 2015, Trung tâm nghiên cứu miễn dịch và phân tử Havana (CIM) gây tiếng vang lớn với vắc xin điều trị ung thư phổi Cimavax.
 
Lãnh tụ Fidel Castro cũng gửi các bác sĩ đến nhiều nơi trên thế giới để khẳng định thế mạnh của quốc gia. Ngay từ thập niên 1960, Havana đã điều một nhóm bác sĩ đến hỗ trợ Algeria vì nước này bị thiếu nhân viên y tế trầm trọng do các bác sĩ người Pháp rút về nước khi kết thúc chiến tranh. Trong 4 thập niên qua, Cuba đã gửi khoảng 67.000 thầy thuốc tham gia các chương trình hợp tác về y tế với thời hạn ít nhất 2 năm tại 94 quốc gia trên thế giới. Một trong những lĩnh vực mà Mỹ xem là trọng tâm trong tiến trình tiến tới bình thường hóa quan hệ với Havana là y tế và dược phẩm. Gần đây, Đại học bang Michigan (MSU) cho biết sẽ gửi sinh viên y khoa sang thực tập trong các bệnh viện của Cuba.
RELATED ARTICLES

Tin mới