Không cần phải tuyên bố Trung Quốc là một “thế lực ma quỷ”, Hoa Kỳ cần phải chắc chắn rằng, chúng ta trung thực trong đánh giá…
Hình minh họa: The Nationalinterest.
Harry J. Kazianis, Giám đốc Nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia được thành lập bởi Richard M. Nixon, Tổng thống thứ 37 Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đã nêu lên 4 kiến nghị với Tổng thống đắc cử Donald Trump về vấn đề làm thế nào ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
Bên cạnh các thách thức toàn cầu như tổ chức khủng bố IS, những căng thẳng với Nga, cuộc nội chiến Syria vượt tầm kiểm soát…, thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc có thể chiếm sự chú ý của Tổng thống Trump.
Lý do quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng thì có hàng loạt, nhưng tóm gọn lại theo Kazianis là vì, Bắc Kinh đã xác định không cần phải tiếp tục giấu mình chờ thời như trước. Bằng chứng là Trung Quốc đã sẵn sàng chống lại một hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn đầu ở châu Á – Thái Bình Dương.
Bắc Kinh đã từng có ý định đẩy Mỹ ra khỏi châu Á và chiếm lĩnh vai trò chi phối khu vực kinh tế đang phát triển năng động nhất thế giới hiện nay.
Trong số tất cả các vấn đề về Trung Quốc mà Donald Trump cần phải đối phó như cạnh tranh kinh tế, quân sự hay tranh chấp Trung – Nhật ở Hoa Đông, vấn đề Đài Loan…thì Biển Đông sẽ là nơi thử thách, kiểm tra kỹ năng các nhà ngoại giao và chiến lược mới của Hoa Kỳ hơn cả.
Tại sao lại là Biển Đông?
Kazianis cho rằng, không có gì đáng ngạc hiên khi nhà tư tưởng chiến lược, nhà báo Robert Kaplan nói Biển Đông là vùng biển nguy hiểm nhất châu Á.
Đây là tuyến hàng hải huyết mạch với hơn 5 ngàn tỉ USD tổng giá trị kim ngạch thương mại đi qua Biển Đông mỗi năm, riêng hàng hóa Mỹ chiếm 1,2 ngàn tỉ USD.
Bất kỳ ai thống trị Biển Đông có nghĩa là kẻ đó thống trị châu Á. Chính bởi điều này, Bắc Kinh đã bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) với các căn cứ và nền tảng quân sự để củng cố yêu sách của mình, thay đổi hiện trạng để nhắm mục tiêu độc chiếm, kiểm soát toàn bộ Biển Đông trong tương lai mà không mất một viên đạn.
Vậy tại sao chính quyền Tổng thống Barack Obama không đẩy lùi Bắc Kinh ở Biển Đông, trong khi Obama tuyên bố chiến lược xoay trục sang châu Á từ năm 2011?
Thách thức trong nước, đặc biệt là về ngân sách, cộng với việc suy sụp các nguồn lực của Mỹ ở nước ngoài đã làm cạn kiệt vốn liếng chính trị cần thiết để Obama biến chiến lược này thành hiện thực.
Kiến nghị thứ nhất: Donald Trump cần có kế hoạch giữ nguyên hiện trạng
Việc Donald Trump chuẩn bị lên nắm quyền rõ ràng có một cơ hội để thiết lập lại sự mong đợi và đảm bảo rằng, Trung Quốc biết chắc họ sẽ không thể đạt được mục tiêu độc chiếm Biển Đông.
Do đó việc đầu tiên là chính quyền Donald Trump không được ngần ngại tuyên bố rõ, chính phủ mới của Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận và làm rõ nhận thức này: Trung Quốc phải thừa nhận rằng họ đang thay đổi hiện trạng.
Đội ngũ tham mưu mới của Donald Trump phải sẵn sàng gọi Trung Quốc ra và nói với họ, Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn của Hoa Kỳ.
Trong khi điều này có vẻ là một yêu cầu hiển nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực để giữ hình ảnh, và tập thể này đã toát lên sự yếu đuối.
“Không cần phải tuyên bố Trung Quốc là một “thế lực ma quỷ”, Hoa Kỳ cần phải chắc chắn rằng, chúng ta trung thực trong đánh giá về mình cùng những gì Bắc Kinh đang cố gắng làm ở Biển Đông và xa hơn nữa”, Kazianis nhấn mạnh.
Kiến nghị thứ hai: Xây dựng đội hình tham mưu chiến lược xuất sắc nhất
Donald Trump đang lựa chọn nhân sự xây dựng bộ máy tham mưu cho mình.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ cần phải cho các đối tác và đồng minh của Mỹ ở châu Á thấy rõ, duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương vẫn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington nhiều năm tới.
Chọn nghị sĩ Randy Forbes làm Bộ trưởng Hải quân là một bước khởi đầu tốt. Nhưng Donald Trump cần phải lựa chọn nhân sự mạnh mẽ hơn ở các vị trí lớn hơn.
Cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent, một người có kinh nghiệm về các vấ đề Trung Quốc sẽ là một lựa chọn đặc biệt.
Cựu Thống đốc Massachusetts, ông Mitt Romney nếu trở thành Ngoại trưởng Mỹ sẽ báo hiệu rằng Trump sẵn sàng làm việc với các đối thủ “rắn mặt” nhất.
Kiến nghị thứ ba: Đừng hứa những gì mình không thể giữ
Tổng thống Barack Obama đã khiến các nhà lãnh đạo châu Á băn khoăn khi ông tuyên bố một “giới hạn đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Cuối cùng những cam kết sẽ có hành động trả đũa từ Hoa Kỳ đã bị phá vỡ khi “giới hạn đỏ” này bị vượt qua. Từ ví dụ này, nhiều đối thủ của Mỹ tin rằng Washington sẽ chẳng làm gì được để giúp đồng minh trong các thách thức lớn hơn.
Ví dụ như trường hợp Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan hoặc Bắc Kinh quyết định chiếm các đảo tranh chấp ở Hoa Đông.
Một nhà ngoại giao Đài Loan đã nói với Kazianis: “Chúng tôi không còn tin các vị sau khi các vị đã tự phá vỡ cam kết của mình ở Syria.”
Bởi vậy Donald Trump và các nhà hoạch định chính sách đối ngoại trong chính phủ mới của Mỹ nên nhớ rằng, đừng bao giờ hứa cái gì mà mình không thể thực hiện.
Kiến nghị thứ tư: Hãy chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị Biển Đông và cuối cùng là tất cả châu Á, sẽ là một thách thức đa tầng.
Các quan chức chính phủ, quân nhân tại ngũ, học giả Trung Quốc mà Kazianis có dịp tiếp xúc những năm qua đã lặp lại những tư tưởng cơ bản giống nhau.
Đó là họ nhận định, nước Mỹ không có đủ ý chí, sự kiên nhẫn hoặc tư duy chiến lược để cạnh tranh sự thống trị ở châu Á.
Ông Tập Cận Bình và cộng sự cảm thấy rằng, họ có thể chờ đợi và thời gian đang đứng về phía họ.
Bởi vậy chính quyền mới của Donald Trump nếu muốn đưa ra một chiến lược thành công, họ phải nhận thức đầy đủ rằng, đây không phải thử thách chỉ kéo dài một hai năm, mà có thể kéo suốt nhiệm kỳ của Trump hoặc lâu hơn nữa.