Để trả đũa những nỗ lực của NATO trong việc kết nạp thêm các thành viên mới, một thành viên của Ủy ban An ninh và Quốc phòng Thượng viện Nga tuyên bố Moscow sẽ nhằm vũ khí hạt nhân vào bất kỳ nơi nào mà họ xem là mối đe dọa. Đây được xem là một trong những lời cảnh báo sắc lạnh nhất mà Nga tung ra nhằm vào NATO trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ảnh minh họa
“Để trả lời cho những hành động gây hấn của NATO, những nỗ lực của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương trong việc đưa thêm nhiều quốc gia hơn nữa vào quỹ đạo của họ, sẽ có một sự trả đũa rõ ràng và khắc nghiệt từ phía Nga. Chúng tôi sẽ hướng các vũ khí của mình, trong đó có cả vũ khí hạt nhân, vào bất kỳ khu vực nào của NATO mà chúng tôi cho rằng đe dọa đến chúng tôi dù ở đâu đi nữa”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời Thượng nghị sĩ Franz Klintsevich cảnh báo. Vị thượng nghị sĩ này cũng giải thích rằng, vũ khí hạt nhân mà ông đề cập đến bao gồm cả các hệ thống cố định và di động cũng như các hệ thống được đặt trên đất liền, trên biển và trên không.
Phản ứng trước những phát biểu gây sốc trên của ông Klintsevich, thư ký báo chí của Tổng thống Vladimir Putin – ông Dmitry Peskov đã nói với giới phóng viên rằng, lập trường của vị Thượng nghị sĩ Nga là hoàn toàn dễ hiểu nhưng cũng cảnh báo mọi người không nên vội vã đưa ra bất kỳ kết luận gì.
“Giới nghị sĩ Nga có quyền đưa ra ý kiến riêng của họ. Họ đang phản ứng với những sự kiện quốc tế, với việc NATO bành trướng đến sát biên giới Nga và mở rộng sự hiện diện quân sự ở gần Nga. Điều đó khiến cho các nghị sĩ có lập trường như vậy và đó hoàn toàn là điều dễ hiểu”, ông Peskov cho biết. Đồng thời, ông Peskov nhấn mạnh, theo Hiến pháp Nga, các nghị sĩ không thể quyết định chính sách đối ngoại của Nga mà chỉ Tổng thống Nga mới có độc quyền đó.
Dù phát ngôn viên của Tổng thống Nga đã tìm cách làm dịu đi phát biểu của Thượng nghị sĩ Klintsevich nhưng điều đó không làm thay đổi được thực tế là quan hệ giữa Nga và NATO đang ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga và NATO hiện đang xem nhau như kẻ thù.