Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKịch bản nào cho quan hệ Trung - Mỹ thời Donald Trump?

Kịch bản nào cho quan hệ Trung – Mỹ thời Donald Trump?

Có vẻ như còn quá sớm để ăn mừng một kỷ nguyên vàng trong quan hệ Trung – Mỹ thời Donald Trump. Kỳ vọng càng cao, càng dễ thất vọng.

Giáo sư Tạ Thao, ảnh: The Diplomat.

Giáo sư Tạ Thao, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29/11 có bài bình luận trên The Diplomat nhận định, gần như không thể đoán trước Donald Trump sẽ tiếp cận với quan hệ Trung – Mỹ như thế nào.

Đây là câu hỏi thường gặp nhất trong giới hoạch định chính sách, các nhà phân tích và chuyên gia truyền thông Trung Quốc trước, trong và sau bầu cử Tổng thống Mỹ.

Nhưng rất khó để tìm một câu trả lời có thể tin cậy được.

Đơn giản là vì có quá nhiều điều chưa biết về Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, vì ông chưa bao giờ làm chính trị, trong khi những phát ngôn trước và sau bầu cử của ông không nhất quán.

Cơ sở nào để lạc quan quan hệ Trung – Mỹ sẽ cải thiện?

Một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng, quan hệ Trung – Mỹ sẽ tốt hơn dưới thời Donald Trump. Sự lạc quan này dựa trên 2 cơ sở.

Đầu tiên, họ tin vào tính thực dụng và linh hoạt của con người doanh nhân trong Donald Trump.

Do đó những vấn đề liên quan đến ý thức hệ như nhân quyền, dân chủ, chống đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ có ít tác động vào tư duy, chính sách đối ngoại của Trump.

Thứ hai, các nhà phân tích này dựa vào kinh nghiệm và tư duy đối ngoại truyền thống của Trung Quốc.

Họ rút ra “quy luật” rằng, các Tổng thống Mỹ xuất thân từ đảng Cộng hòa thường đối phó dễ hơn với Tổng thống từ đảng Dân chủ.

Mao Trạch Đông từng nói, ông ưa thích những người ở phe Cộng hòa hơn là phe Dân chủ. Và thực tế các Tổng thống Mỹ từ đảng Cộng hòa đã đóng vai trò quan trọng hơn trong lịch sử quan hệ Trung – Mỹ.

Richard Nixon đã đặt nền móng cho quan hệ Trung – Mỹ bằng chuyến thăm chính thức năm 1972. George HW Bush giữ gìn quan hệ Trung – Mỹ còn non trẻ trong bối cảnh xảy ra những biến động chính trị tại Trung Quốc năm 1989.

George W. Bush rời Nhà Trắng khi quan hệ Trung – Mỹ ở trạng thái tốt nhất kể từ năm 1972.

Donald Trump là chính khách đặc biệt, phi truyền thống

Tuy nhiên Giáo sư Tạ Thao cho rằng, khi đã hiện diện trong Phòng Bầu Dục thì cá tính, sở thích cá nhân thường phải nhường chỗ cho sở thích của các cố vấn, các thành viên nội các, các nghị sĩ có ảnh hưởng tại Quốc hội, các nhóm lợi ích chủ chốt.

Mặc dù xuất thân từ đảng Cộng hòa, nhưng Donald Trump lại không theo một tiêu chuẩn nào của chính trị truyền thống.

Trong thực tế suốt quá trình tranh cử, Trump chống lại chính đảng Cộng hòa bằng cách chống tự do thương mại, ủng hộ đối ngoại biệt lập.

Quan hệ giữa Donald Trump và lãnh đạo đảng Cộng hòa từng có lúc xấu đến mức nhiều người viết thư tố cáo ông, không bỏ phiếu cho Trump. Vì vậy so sánh Trump với Nixon hay hai cha con nhà Bush là khó có cơ sở.

Ngược lại, Tạ Thao tin rằng, có những dấu hiệu đáng lo ngại về quan hệ Trung – Mỹ có thể đi xuống dưới thời Donald Trump. Đầu tiên là tính cách khó đoán, bản ngã lớn, khao khát sự chú ý.

Thứ hai, Trump là tác giả của cuốn sách bán rất chạy – “Nghệ thuật đàm phán”, ông là một nhà đàm phán cứng rắn. Điều này có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc không dễ đối phó.

Quan trọng hơn, khẩu hiệu chiến lược tranh cử của Trump – Làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, có thể xung đột với chiến lược “phục hưng dân tộc Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình.

Trump có thể học theo Ronald Reagan

Ở khía cạnh này có thể tìm ra một nét tương đồng giữa Ronald Reagan và Donald Trump. Ronald Reagan trở thành Tổng thống thứ 40 của Mỹ từ năm 1981 đến 1989, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trong nước, khủng hoảng quan hệ với Liên Xô.

Ông chống lại xu thế suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ sau thất bại trong Chiến tranh Việt Nam, bằng cách tung ra một cuộc chạy đua vũ trang với Moscow.

Tương tự như vậy, trong khi Barack Obama có thể xem như đại diện cho giai đoạn suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh Afghanistan và Chiến tranh Iraq, còn Trung Quốc đang trên đà mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, Trump có thể cảm thấy phải làm theo các bước của Reagan.

Tất nhiên có rất nhiều sự khác biệt giữa Trung Quốc ngày nay và Liên Xô ngày trước. Bắc Kinh và Washington cũng không bị sa lầy trong một cuộc Chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh đó, thời Chiến tranh Lạnh giữa Washington và Moscow gần như không có quan hệ thương mại. Còn ngày nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ tham gia vào một dòng chảy lớn của hàng hóa, con người và dịch vụ.

Nhưng trong mắt người Mỹ, Trung Quốc ngày nay đang đe dọa vị thế toàn cầu của họ hơn nhiều so với Liên Xô trước đây.

Bởi thế theo Tạ Thao, có vẻ như còn quá sớm để ăn mừng một kỷ nguyên vàng trong quan hệ Trung – Mỹ thời Donald Trump. Kỳ vọng càng cao, càng dễ thất vọng.

3 kịch bản trong quan hệ Mỹ – Trung, va chạm đối đầu là nguy hiểm nhất

Cùng bình luận về vấn đề này, Giáo sư Bùi Mẫn Hân từ Trường Claremont McKenna ngày 29/11 đưa ra 3 kịch bản cho quan hệ Trung – Mỹ thời Donald Trump, trong bài bình luận trên Nikkei Asian Review.

3 kịch bản đó là khả năng va chạm, xung đột Trung – Mỹ; vận may bất ngờ cho Bắc Kinh; giữ nguyên hiện trạng.

Kịch bản va chạm Trung – Mỹ có thể xảy ra nếu Donald Trump thực hiện cam kết tranh cử: áp đặt thuế trừng phạt hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, ông có thể áp thuế nhập khẩu 15% trong 150 ngày với hàng hóa Trung Quốc mà không cần thông qua Quốc hội. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ giảm manh.

Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách nhắm mục tiêu các công ty Mỹ đang bán nhiều sản phẩm tại thị trường Trung Quốc như Boeing, Apple, General Motors.

Trong kịch bản này, khi số lượng tàu container Trung Quốc cập các cảng của Mỹ lao dốc, số tàu chiến của Mỹ đến Đông Nam Á tăng nhanh, Trump có thể buộc phải triển khai các vũ khí hiện đại để thực hiện chiến lược xoay trục của Obama.

Những động thái này chắc chắn sẽ phá hủy nền tảng hợp tác Trung – Mỹ, quan hệ thương mại Trung – Mỹ có thể sụp đổ và Bắc Kinh sẽ leo thang nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông, tích cực thách thức máy bay, tàu chiến Mỹ qua lại khu vực này.

Ở những nơi khác, Trung Quốc có thể sẽ công khai ủng hộ các đối thủ của Mỹ như Nga hay Iran, buộc Trump phải trả giá đáng kể.

Kịch bản vận may bất ngờ với Bắc Kinh

Kịch bản thứ hai này là giấc mơ của Bắc Kinh, theo đó những lời hùng biện và chính sách của Donald Trump cuối cùng sẽ dẫn đến sự “thoái vị” của Hoa Kỳ khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu, nhường sân châu Á cho Trung Quốc thống trị.

Hành động của Trump có thể tạo cơ hội chiến lược chưa từng có cho Trung Quốc để thực hiện mục tiêu thống trị châu Á.

Về thương mại, nếu TPP không thành sẽ tạo cơ hội cho Bắc Kinh để chứng minh với các nước láng giềng: không thể dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh, thịnh vượng lâu dài.

Sau chiến thắng của Trump, Bắc Kinh đang ra sức vận động, thúc đẩy RCEP để thay thế TPP.

Là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho gần như tất cả các nước láng giềng, RCEP sẽ củng cố thêm vai trò của Trung Quốc là trung tâm thương mại châu Á. 

Mặc dù ảnh hưởng an ninh từ RCEP có thể không thấy ngay, nhưng giới hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng họ sẽ không phải chờ đợi lâu.

Tất nhiên, Nhật Bản, Ấn Độ và có lẽ cả Việt Nam sẽ không muốn rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng khi Mỹ suy giảm kinh tế và ảnh hưởng ở châu Á, Trung Quốc sẽ dễ dàng cô lập hoặc thích ứng với các nước này.

Ngoài ra, chiến thắng của Trump cũng là cơ hội để Trung Quốc chỉ trích các giá trị tự do, dân chủ của Hoa Kỳ.

Kịch bản giữ nguyên hiện trạng

Giữa hai kịch bản va chạm, xung đột Trung – Mỹ với vận may cho Bắc Kinh, vẫn còn khả năng thứ 3 là giữ nguyên hiện trạng quan hệ song phương.

Bản chất kịch bản này dựa trên giả định, chính sách của Trump với Trung Quốc không khác về bản chất so với Obama.

Bất chấp các mối đe dọa như sấm của mình, đặt chân vào Nhà Trắng, Trump sẽ nhận ra rằng, một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc vừa không cần thiết, vừa phản tác dụng.

Ưu tiên của Trump nên là cắt giảm thuế, bãi bỏ các rào cản, đầu tư cơ sở hạ tầng. Có thể Trump vẫn cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, nhưng sẽ ngần ngại áp đặt lệnh trừng phạt.

Ông cũng có thể áp thuế chống bán phá giá với một số mặt hàng Trung Quốc như thép, nhôm, đồ nội thất để chứng minh mình đang thực hiện lời hứa khi tranh cử.

Bắc Kinh sẽ làm ầm ỹ, nhưng không chắc sẽ phản ứng gay gắt với các biện pháp này.

Nếu các cố vấn khiến Trump tập trung nhiều vào Trung Đông và Iran, Bắc Kinh sẽ tìm được đòn bẩy lớn hơn để kiềm chế hoạt động của Mỹ ở châu Á.

Hiện chưa rõ quan hệ Trung – Mỹ sẽ diễn ra theo kịch bản nào, cần có thêm thời gian khi đội ngũ nhân sự của Trump hình thành và các chính sách được công bố. 

RELATED ARTICLES

Tin mới