James Woolsey, cựu Giám đốc CIA, Cố vấn cấp cao về chính sách an ninh của Donald Trump, cho rằng chính quyền Obama sai lầm khi không gia nhập ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng.
Obama “chủ quan” khi để Mỹ đứng ngoài ngân hàng đầu tư khổng lồ mà Trung Quốc điều khiển? (Ảnh : Quartz)
Việc Mỹ đứng ngoài Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), định chế tài chính khổng lồ mà Bắc Kinh khởi xướng sáng lập, đã đưa Tổng thống Obama vào thế bị động trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nguyên nhân chính được cho là xuất phát cả từ sự chủ quan của người đứng đầu nhà nước Mỹ lẫn sự thiếu chính xác trong nhận định của Washington đối với Bắc Kinh liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mỹ bị thiệt khi không tham gia ngân hàng do Trung Quốc sáng lập?
AIIB được thành lập năm 2014 theo sáng kiến của ông Tập nhằm tài trợ vốn cho các dự án liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng tại Châu Á. Đã có 57 quốc gia tham gia AIIB và hiện Canada đang xin gia nhập, khiến G-7 chỉ còn Nhật và Mỹ đứng ngoài AIIB.
AIIB là một ngân hàng khổng lồ – được giới chuyên gia gọi là siêu ngân hàng thế giới của Trung Quốc – với vốn pháp định dự kiến lên tới 1.000 tỷ USD (hiện nay các thành viên đã đóng góp lần đầu đạt 100 tỷ USD).
AIIB lớn hơn tất cả các định chế tài chính trên thế giới hiện nay, đặt trụ sở tại Bắc Kinh và từ tháng 6/2016 đã chính thức cung cấp sản phẩm của mình.
Trước đó, với mong muốn ngăn chặn Trung Quốc tạo ra những nguyên tắc có thể gây tổn hại đến hoạt động thương mại và liên kết kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 cũng như làm ảnh hưởng đến việc “xoay trục” của Mỹ, chính quyền Obama đã dùng TPP như một rào cản.
Song dường như việc chính phủ Trung Quốc thúc đẩy thành lập AIIB như một đối trọng với Ngân hàng thế giới (WB) do Mỹ làm chủ đạo, khi Bắc Kinh bị gạt khỏi TPP, nằm ngoài dự kiến của Mỹ.
Ở một mức độ nào đó có thể coi đây là sai lầm của ông Obama. Khi những nguyên tắc mà chính quyền của ông xây dựng chưa thể vận dụng, TPP chưa thể vận hành, thì các “luật chơi” mà Trung Quốc đề nghị đang trở nên hấp dẫn với những bên còn nghi ngại.
Khi Trung Quốc đứng ra lập AIIB, Mỹ đã cố gắng ngăn cản các đồng minh tham gia định chế tài chính khổng lồ này nhưng không thành công.
Đến nay, khi ông Obama sắp rời cương vị Tổng thống thì khả năng chính phủ Nhật tiếp tục đứng ngoài AIIB đang trở thành một dấu hỏi, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Trump khẳng định sẽ đưa Mỹ rút khỏi TPP trong ngày làm việc đầu tiên.
Việc không tham gia AIIB khiến cho Washington “hổng chân” khi chính quyền mới tỏ ra không mặn mà với TPP. Bởi nếu tham gia AIIB, lợi ích Mỹ tại địa bàn chiến lược mới vẫn chảy về nước Mỹ khi những đồng USD nằm trong dòng vốn từ AIIB đổ về những dự án mà nó tài trợ.
Khi Mỹ không còn nhiều hy vọng ở đây thì hệ quả tiếp theo có thể là chiến lược “xoay trục châu Á” sẽ gặp khó khăn.
Trump cho thấy ông vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, song nếu rời khỏi “giá đỡ” TPP mà Obama đã thiết kế cho chính sách này, chính quyền Trump nhiều khả năng khó tạo ra một điểm tựa khác để “xoay trục” hiệu quả.
Cơ hội cho đối thủ qua mặt Washington
Nguy cơ TPP bất thành khiến cho các đồng minh quan trọng và các đối tác chiến lược của Mỹ phải tìm hướng đi mới cho mình, khi cả lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế mà ông Trump hướng tới không như kỳ vọng của họ.
Điều này khiến sự mời gọi của Bắc Kinh trở nên “quyến rũ” hơn. Và quan trọng là Trung Nam Hải đã có ngay những công cụ để thực hiện chiến lược của mình.
AIIB là công cụ quan trọng nhất, bởi đây là nền tảng giúp Trung Quốc điều chỉnh dòng vốn khổng lồ theo ý mình, nhằm khai thác lợi ích từ chính TPP và những hiệp định thương mại khác.
Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tê Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm lôi kéo các đồng minh, đối tác của Mỹ vào tầm ảnh hưởng của mình.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 10 nước ASEAN cùng 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Các thành viên RCEP kỳ vọng sẽ hướng tới hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).
Khi tương lai của TPP bị nghi ngờ thì cơ hội cho RCEP sẽ lớn hơn và theo giới phân tích thì Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn tất RCEP vào tháng 1/2017, khi chính quyền Trump đưa ra quyết định đối với TPP.
Điều quan trọng là khi RCEP được ký kết thì hiệp định này có thể vận hành ngay mà AIIB là công cụ tài chính quan trọng nhất. Nếu phải đứng nhìn RCEP vận hành, lợi ích Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ sụt giảm khi Washington không có “cả hình lẫn tiếng” trong AIIB.
Đứng ở góc độ này, việc Mỹ gạt Trung Quốc ra ngoài TPP và đứng ngoài AIIB đã trở thành “sai lầm mang tính chiến lược” của Tổng thống Obama, chỉ bởi Donald Trump sẽ không kế thừa di sản chính sách mà ông xây dựng.
Obama dường như chỉ nghĩ tới chiến thắng khi TPP vận hành nên thiếu những nước đi “bọc hậu” đề phòng thất bại. Trước “sự đã rồi”, di sản để đời của ông có thể không thể phát huy được giá trị mang lại lợi ích cho nước Mỹ như kỳ vọng.