Mỹ đánh thuế cao đối với Trung Quốc sẽ làm cho hai bên cùng thiệt hại. Theo chuyên gia, một khi thu thuế 15% và 7% trong thương mại với Trung Quốc và Mexico, Mỹ sẽ mất đi 50% tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm thứ hai.
Đồng USD Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tờ Nezavisimaya Gazeta Nga ngày 29/11 cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump làm cho các nhà chính trị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đau đầu. Trung Quốc đang bàn các biện pháp để đối phó với khả năng ông Donald Trump tiến hành đánh thuế cao đối với hàng hóa của họ.
Trung Quốc đã nhấn mạnh đến nhu cầu hợp tác, nhưng một khi Washington lựa chọn con đường khác, Trung Quốc sẽ tìm cách đáp trả. Khi đó, họ có thể sẽ hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp thương mại Mỹ, ngăn chặn tiêu thụ điện thoại di động của hãng Apple (iPhone), cử sinh viên đến học ở những nước khác ngoài Mỹ.
Đồng thời, chủ nghĩa bảo hộ thương mại Mỹ có thể sẽ giúp cho Trung Quốc trở thành lực lượng chủ đạo của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Đánh địch 1.000, tự mất 800”. Gần đây, Bắc Kinh đã bất ngờ thảo luận câu châm ngôn này trong “Binh pháp Tôn Tử” do nhà triết học và chiến lược gia cổ đại Trung Quốc là Tôn Tử viết, nhưng điều họ nói đến không phải là tác chiến.
Theo Bloomberg News, điều mà các nhà chính trị và chuyên gia nói tới là nếu như ông Donald Trump thực hiện lời hứa phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, bản thân Mỹ cũng sẽ bị tổn thất.
Ông Donald Trump đã từ bỏ thực hiện một số lời đe dọa được ông đưa ra khi còn tranh cử. Bắc Kinh hy vọng, trong vấn đề tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, ông có thể thực hiện lập trường thiết thực hơn.
Đồng thời, Trung Quốc ám chỉ rằng bất cứ biện pháp tăng thuế nào cũng sẽ dẫn đến hành động báo thù, theo đó, kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại.
Khi nói tới khả năng Mỹ tiến hành đánh thuế mang tính trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc, bà Phó Oánh, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc cho rằng: “Trung Quốc hoàn toàn không vui mừng nhìn thấy tình hình này xảy ra, nhưng nếu không thể tránh khỏi, thì sẽ không phải là hành động đơn phương”.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2015 Trung Quốc đã mua 20,3 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ. Các biện pháp báo thù của Trung Quốc có khả năng không chỉ liên quan đến nông nghiệp.
Trung Quốc đã đặt mua một lô máy bay Boeing. Khi đó, lô máy bay này có thể sẽ bị Airbus thay thế. Điện thoại di động Apple tiêu thụ ở Trung Quốc cũng sẽ bị liên lụy. Trung Quốc còn có khả năng hạn chế số lượng sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học.
Một số nhà bình luận Bắc Kinh cho rằng Mỹ áp dụng lập trường của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nhưng giáo sư Alexey Portansky, Trường Cao học Kinh tế, Đại học Quốc gia Nga nhấn mạnh, đối với Trung Quốc, trọng điểm không phải là quyền lãnh đạo, mà là lợi ích kinh tế thương mại. Người Trung Quốc sợ hãi bị đánh thuế cao.
Chuyên gia này cho rằng: “Từ trước cho đến đầu thế kỷ này, Mỹ luôn phê phán gay gắt chủ nghĩa bảo hộ thương mại của EU, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, ông Donald Trump đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với Mexico và Trung Quốc.
Căn cứ vào báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Barclays Anh, một khi thu thuế 15% và 7% trong thương mại với Trung Quốc và Mexico, Mỹ sẽ mất đi 50% tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm thứ hai. Số liệu của các nhà phân tích Anh cho thấy, hành động của ông Donald Trump có thể làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 0,7 – 0,8%”.
Bất cứ Tổng thống Mỹ nào trong thế kỷ 21 đều không thể không cân nhắc vai trò lãnh đạo của nước mình trong nền kinh tế thế giới và trách nhiệm kèm theo. Alexey Portansky cảnh báo, coi thường sự thực rõ ràng này sẽ gây chấn động không thể tránh khỏi đối với kinh tế toàn cầu trong đó có Mỹ.