Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 02/12

Bản tin Biển Đông ngày 02/12

Bản tin Biển Đông ngày 02/12/2016.

1) Bắc Kinh răn đe Singapore trong vấn đề Biển Đông và vấn đề Đài Loan

Ngày 1/12, Thời báo Hoàn cầu đưa tin:

Ngày 29/11, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết quan hệ giữaTrung Quốc và Singapore đang trở nên căng thẳng do Bắc Kinh đang bắt giữ các tăng thiết giáp của Singapore, đồng thời lớn tiếng yêu cầu Chính phủ Singapore tôn trọng quan điểm của Trung Quốc đối với Đài Loan. Một số nhà phân tích nhận định, đối với Bắc Kinh, việc hợp tác quân sự giữa Đài Loan và Singapore đã “chạm đến ranh giới cuối cùng”. Chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách Quốc tế Lowy của Úc Euan Graham cho biết, lời cảnh cáo của Bắc Kinh là “một mũi tên trúng hai đích”, một mặt “nhằm răn đe Singapore, ngăn chặn những phát ngôn mạnh mẽ của Singapore trong vấn đề Biển Đông”, mặt khác “tiến thêm một bước trong quá trình cô lập Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan”.

2) Nhu cầu về năng lượng đang định hình nhiều hơn đến hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 1/12, trang World Politics Review đăng bài viết “Nhu cầu về năng lượng đang định hình đáng kể lối hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông” của tác giả, Sagatom Saha, cộng tác viên nghiên cứu lĩnh vực năng lượng và chính sách đối ngoại của Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và, Quinn Marschik, chuyên gia về chính sách của Trung Quốc tại Washington D.C, Mỹ:

Sagatom Saha và Quinn Marschik cho biết, về cách hành xử hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều chuyên gia đã chỉ ra được động cơ đằng sau các yêu sách biển của Trung Quốc, đó là nhu cầu về năng lượng ngày càng lớn của nước này, bên cạnh động cơ phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc và tham vọng quân sự hoá.

Hiện đang là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, nhằm duy trì tiến trình đô thị hoá và công nghiệp hoá, Trung Quốc sẽ phải đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng “không sạch” và lấy năng lượng sạch (không có carbon) để phục vụ kinh tế và đáp ứng nguồn tiêu thụ năng lượng sẽ tăng tới 50% trong năm 2035, dù vẫn cần đến dầu và khí. Biển Đông là nơi mà Bắc Kinh đang nhăm nhe đến khai thác “một cách tự do” nguồn dầu khí khổng lồ nhằm thoả mãn những nhu cầu này. Bài viết cho rằng, với Bắc Kinh, các tuyến đường biển đi qua Biển Đông có ý nghĩa quan trọng và cần được đảm bảo, dù nước này có phải đánh đổi đáng kể hình ảnh của mình trong khu vực và quốc tế để giữ uy tín với nhân dân trong nước, điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm nhiều hơn cả. Mục đích của Trung Quốc lại càng rõ ràng hơn khi so sánh Biển Đông với các tranh chấp khác như tranh chấp liên quan đến Núi Baekdu (Changbai) với Bắc Triều Tiên hay tranh chấp tại Biển Vàng với Hàn Quốc…, là những tranh chấp không liên quan đến yếu tố nguồn năng lượng, không “thôi thúc” Bắc Kinh đưa ra những phát biểu và hành động quá khích.

Để có thể ngăn ngừa căng thẳng leo thang ở Biển Đông, đồng thời giúp Mỹ có được cách tiếp cận vấn đề an ninh biển ở Châu Á mới hơn so với trước đây mà không phải dùng đến các biện pháp quân sự, bài viết cho rằng, chính quyền mới của Mỹ cần tính đến vai trò đang tăng lên của các nguồn năng lượng. Các tác giả dự đoán, chính quyền tân Tổng thống Donald Trump sẽ có thêm nhiều cơ hội để hình thành chính sách về năng lượng mạnh mẽ hơn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ cũng nên sử dụng vị thế của mình trong Liên hợp quốc để thử và “tái định hình” lại vùng đặc quyền kinh tế, bởi việc thiếu cơ chế ràng buộc các yêu sách chồng lấn ở khu vực này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc duy trì lập trường “không giống ai” ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần nghiên cứu các cơ chế khai thác tài nguyên chung, đặc biệt là dầu khí. Theo nhận định của hai chuyên gia, dù việc giải quyết những mối lo ngại về năng lượng không thể xử lý dứt điểm căng thẳng ở Biển Đông nhưng về dài hạn, ít nhất, một chiến lược dựa trên hợp tác về năng lượng có thể tạo điều kiện tốt hơn cho Mỹ đảm bảo sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông, thay vì tính tới những giải pháp quân sự gây thêm tâm lý thù địch cho Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới