Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNếu hòa bình thế giới có gặp nguy dưới thời Trump, thì...

Nếu hòa bình thế giới có gặp nguy dưới thời Trump, thì “thủ phạm” chính là Obama

Trong một bài viết đăng trên báo Anh The Guardian, tác giả Trevor Timm khẳng định chính phủ Barack Obama đã để lại quá nhiều “đồ chơi nguy hiểm” cho người kế nhiệm Donald Trump.

Chính quyền Obama “diều hâu”

Theo ông Timm, do đã dồn quá nhiều mối lo ngại vào những phát biểu trực tiếp cũng như qua mạng xã hội của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người ta đã quên mất một điều rằng chính Tổng thống đương nhiệm Barack Obama sẽ phải chịu trách nhiệm không nhỏ nếu thế giới “có biến” trong nhiệm kì của tỉ phú bất động sản Mỹ.

Lý do, theo tác giả bài viết, là bởi Obama đã để lại một “phạm vi thực thi quyền lực” (scope of powers) quá lớn cho người kế nhiệm. Ông Timm khẳng định chính phủ Obama không những không tìm cách thu hẹp phạm vi nói trên, mà thậm chí còn mở rộng thêm.

Một trong những nét rất ít được nhắc tới trong 8 năm cầm quyền của Obama là cái cách mà Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sử dụng lá bài chiến tranh, mà cụ thể ở đây là việc thực thi luật Cho phép Sử dụng Sức mạnh Quân sự (AUMF) đối với “những thế lực gây ra vụ khủng bố 11/9 và những thế lực liên quan khác”, được Quốc hội Mỹ thông qua sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Nếu hòa bình thế giới có gặp nguy dưới thời Trump, thì thủ phạm chính là Obama - Ảnh 1.

George W. Bush và Barack Obama đều đã nhiều lần thực thi AUMF để phát động chiến tranh. Ảnh: Salon

Theo ông Timm, chính phủ Obama thực chất “diều hâu” hơn nhiều so với bề ngoài. Trong hai nhiệm kì cầm quyền, ông Obama đã dùng AUMF để công khai gây chiến với 6 quốc gia khác nhau, dù Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chưa hề xuất hiện lúc AUMF được thông qua.

AUMF cũng được sử dụng để mở đường cho một loạt các cuộc tấn công vào nhiều tổ chức khác, và danh tính của các tổ chức này hiện đang nằm trong diện bí mật nhà nước.

Không dừng lại ở đó, theo New York Times, chính phủ Obama còn mở rộng việc sử dụng AUMF ra xa hơn thế. Một số quan chức Nhà Trắng giấu tên mới đây đã tiết lộ rằng ông Obama có thể sẽ sử dụng AUMF để đem quân tới Somalia đánh al-Shabaab, một tổ chức khủng bố xuất hiện sau năm 2001.

“[Những gì Tổng thống Obama đã và đang làm] sẽ thêm phần củng cố quyền được gây chiến của Trump khi ông nhậm chức” – tác giả Charlie Savage viết trên New York Times.

“Thật điên rồ. Chính phủ đương nhiệm sẽ để lại cho chính phủ kế nhiệm của Trump một phạm vi thực thi quyền lực được mở rộng rất lớn” – học giả Micah Zenko thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế (CFR) nhận định.

Theo ông Timm, không còn nghi ngờ gì nữa: Trump sẽ có thể tự do lạm dụng một bộ luật được sinh ra để nhắm vào những kẻ gây ra vụ 11/9 để gây chiến trên khắp thế giới, và khi bị đặt câu hỏi thì sẽ lập tức phân bua rằng: Người tiền nhiệm của tôi cũng làm thế, tại sao tôi không thể?

Tất cả các quyết định của Nhà Trắng đều được thực hiện dưới vỏ bọc bí mật quốc gia. Sở dĩ thông tin này có thể đến với công chúng không phải bởi chính phủ Obama tuyên bố như vậy, mà do New York Times tiếp cận được thông tin nội bộ từ một số quan chức giấu tên.

Nếu hòa bình thế giới có gặp nguy dưới thời Trump, thì thủ phạm chính là Obama - Ảnh 2.

Tổ chức khủng bố al-Shabaab. Ảnh: AFP/Getty

Hàng loạt động thái mở rộng quyền lực

Cũng mới tuần trước, trong một diễn biến không mấy ai để ý bởi hầu hết còn bận chú tâm vào mấy dòng tweet vô bổ của Trump, Washington Post cho biết chính phủ Obama đã mở rộng đáng kể quyền hạn của Bộ tư lệnh Các Nhiệm vụ Đặc biệt (JSOC), một nhánh hoạt động bí mật thuộc quân đội Mỹ với nhiệm vụ “tìm, lên kế hoạch, và nếu cần sẽ tấn công vào các hang ổ khủng bố trên toàn cầu”.

JSOC cũng chính là “tác giả” của chiến dịch truy tìm và ám sát trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhưng cũng chính từ đó, JSOC đã và đang hoạt động bí mật ở rất nhiều quốc gia, và việc mới đây được mở rộng quyền hạn, hay nói cách khác là cắt giảm các điều luật giới hạn, sẽ mở đường cho JSOC “vươn vòi” ra xa hơn.

Việc gây chiến với al-Shabaab hay mở rộng quyền hạn của JSOC là những diễn biến mới nhất trong “bản danh sách” những động thái tăng cường hoạt động quân sự của Mỹ dưới thời Obama.

Một số khác có thể kể đến việc Mỹ vẫn đóng quân tại Afghanistan sau 15 năm kể từ khi phát động chiến tranh, hay việc Obama đưa Libya vào danh sách ngoại lệ trong điều luật hạn chế sử dụng máy bay không người lái và các công cụ chiến tranh từ xa trong hoạt động chống khủng bố.

Theo ông Timm, đừng hi vọng vào việc chính phủ Obama sẽ thay đổi trong tháng cuối cùng của nhiệm kì. Chỉ mới đây thôi, ngay sau khi Trump được bầu làm Tổng thống, Nhà Trắng đã khẳng định sẽ không thắt chặt quy định đối với các hoạt động sử dụng máy bay không người lái của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), vốn bị chỉ trích là bất hợp pháp và phi hiến.

“Giờ đây, Trump sẽ nhậm chức với phạm vi thực thi quyền lực được mở rộng hơn bao giờ hết, và ông ta có được nó từ chính người mà chỉ hai tháng trước đây đã nói với toàn thể người dân nước Mỹ rằng Trump là một người quá bất ổn và dễ bị kích động để có thể cầm mã hạt nhân trong tay” – tác giả Timm khép lại bài viết của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới