Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam: Quá nửa doanh nghiệp tư nhân làm không đủ nộp...

Việt Nam: Quá nửa doanh nghiệp tư nhân làm không đủ nộp thuế

10 đồng xuất khẩu tại Việt Nam thì khối doanh nghiệp tư nhân hiện nay giảm xuống chưa đến 3 đồng….

Khung cảnh Diễn đàn kinh tế 2017.

Sáng 2/12, Diễn đàn kinh tế 2017 với chủ đề “Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020” diễn ra tại trụ sở VCCI Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đặc biệt xem trọng vai trò của nền kinh tế tư nhân. Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là động lực chính, là mục tiêu chính của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó ông Lộc cho rằng cần cơ cấu lại nền kinh tế. Mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó theo ông Lộc, là cơ cấu lại khu vực Nhà nước, giảm tỉ lệ nắm cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước dưới 50%. 

“Đây là những quyết sách quan trọng có thể tạo ra bước đột phá cho chương trình, tạo ra đột phá mới trong cơ cấu của chúng ta”. – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, về phía doanh nghiệp tư nhân, mục tiêu cơ cấu lại DNNN sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân, đặt DNNN hoạt động trong một môi trường bình đẳng, tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho doanh nghiệp tư nhân.

“Cũng phải nói rằng DNNN hiện nay đang nắm giữ khu vực kinh doanh trong nền kinh tế, đang nắm giữ nguồn lực của nền kinh tế, nên cơ cấu lại khu vực NN và thoái vốn ra khỏi DNNN sẽ tạo cơ hội cho DNTT mua cổ phần, tạo cơ hội lớn cho để trở thành nhà đầu tư chiến lược cho DNTT.

Tuy nhiên để cơ hội đó trở thành hiện thực trên thực tiễn của khu vực này cần có kế hoạch cụ thể đồng thời phải quyết liệt trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH)”. – TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

TS Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, quá trình cơ cấu lại giai đoạn 2011-2015 vẫn chậm và chưa đi vào thực chất. Các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn và các công ty vẫn mang tính đối phó, chưa có cải cách cơ bản. Do đó người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp mong muốn trong thời gian tới cần thay đổi tình trạng này và đẩy mạnh vấn đề này một cách thực chất của các doanh nghiệp trong cổ phần hóa.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, mục tiêu rất quan trọng của Chính phủ, quốc hội lần này là làm cho các doanh nghiệp tư nhân mạnh hơn, cạnh tranh hơn.

Thế nhưng, nếu nhìn nhận lại thì sức khỏe của doanh nghiệp tư nhân hiện có nhiều điều đáng ngại.

“Nền kinh tế Việt Nam đang tạo ra 14 động cơ, trong đó có 3 động cơ là doanh nghiệp tư nhân đang trục trặc, chỉ có FDI là mạnh. Thời gian tới doanh nghiệp FDI có duy trì được tốt hay không thì còn phải chờ bởi hiện nay doanh nghiệp FDI đầu tư nhiều vào Việt Nam vì chi phí rẻ. Tuy nhiên trong thời gian tới chi phí nguyên liệu cũng như nhân công của Việt Nam không còn rẻ nữa, và đặc biệt TPP không còn tương lai liệu nguồn vốn FDI còn động lực tạo hấp dẫn với kinh tế Việt Nam nữa hay không?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Tự lý giải cho điều này, ông Tuấn cho biết, bức tranh kinh tế doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại bởi quy mô của doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng nhỏ đi, doanh nghiệp kém hiệu quả đi. Hiện 58% doanh nghiệp tư nhân chính thức không có thu nhập để nộp thuế, tức khoảng 42% doanh nghiệp đang có lãi để nộp thuế. Nếu duy trì như này thì rất ngại.

“Điều tra của chúng tôi cho thấy, cứ 10 đồng xuất khẩu tại Việt Nam thì khối doanh nghiệp tư nhân hiện nay giảm xuống chưa đến 3 đồng. Năng suất sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang giảm dần về doanh nghiệp nhà nước. Do doanh nghiệp tư nhân nhỏ nên không có lợi thuế về quy mô, công nghệ. Hơn nữa, doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong nguồn lực, nhất là trong lĩnh vực đất đai thì gần như là bất lợi vì họ không có vốn nên khó tiếp cận.

Điều tra của chúng tôi còn chỉ rõ, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm được 30%, trong khi các doanh nghiệp khác tiếp cận lên tới 70%. Nhà nước đang dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn. Chúng tôi cho rằng phải tháo gỡ các cản trở cho doanh nghiệp đang gặp phải để họ có cơ hội kinh doanh và có lãi”. – ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, để doanh nghiệp tư nhân phát triển hiệu quả cần phải đảm bảo quyền bình đẳng trong kinh doanh. Ông Tuấn cho rằng, chính sách hiện tại đang quá ưu ái cho doanh nghiệp lớn, chính sự ưu ái đó đã tạo sức ép lên doanh nghiệp nhỏ, không tạo được động lực cho họ phát triển.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng chỉ ra những khó khăn doanh nghiệp lớn đang gặp phải. Đó chính là các rào cản về thủ tục hành chính.

“Các điều tra gần đây cho thấy, các doanh nghiệp lớn phải đón đoàn thanh tra kiểm tra càng nhiều bởi xu hướng các cơ quan hành pháp cứ nghĩ những doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều sai phạm. Do vậy sẽ làm nhiều doanh nghiệp không muốn làm doanh nghiệp lớn”, ông Tuấn nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới