Saturday, November 30, 2024
Trang chủQuân sựSức mạnh quân đội Cuba

Sức mạnh quân đội Cuba

Từ những năm 1960, Cuba từng là một trong những đồng minh địa- chính trị quan trọng bậc nhất của Liên Xô.

4 12 4

Và nhờ vậy đã được cung cấp một khối lượng lớn các loại vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại vào thời điểm đó.

Trong những năm 60 và thời gian sau đó, Quân đội Cuba được đánh giá là một trong những quân đội mạnh nhất Châu Mỹ- Latinh – xét từ cả góc độ số lượng và chất lượng vũ khí – phương tiện kỹ thuật quân sự, cả về trình độ huấn luyện – khả năng sẵn sàng chiến đấu lẫn kinh nghiệm tác chiến được tích lũy qua các cuộc chiến tranh ở Etiopia và Angola.

Sau khi Liên Xô tan rã, Quân đội Cuba không còn nguồn cung cấp các loại vũ khí – khí tài mới. Để duy trì khả năng chiến đấu của Quân đội, Cuba đã áp dụng một số biện pháp để khắc phục như “cải tiến”, “lai ghép” vũ khí – khí tài, ví dụ: lắp các tổ hợp pháo tự hành, tổ hợp tên lửa phòng không, các tên lửa chống hạm trên khung gầm tăng T-55.

Còn tháp pháo T-55 được lắp trên khung gầm xe vận tải bọc thép BTR -60P. Một số tàu đánh cá cũng được cải hoán thành tàu chiến. Dĩ nhiên, những “cải tiến“ như vậy không có tác dụng nâng cao đáng kể năng lực tác chiến của Quân đội Cu ba.

 Để có một số thông tin rất ngắn gọn về thực trạng Quân đội Cuba hiện nay, xin gửi tới bạn đọc một số số liệu lấy từ bài viết của A.Khramchikhin, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) tháng 7/2016:

Lục quân: Lục quân Cuba có 3 tập đoàn quân, đó là – Tập đoàn quân Hướng Tây, Tập đoàn quân Trung tâm và Tập đoàn quân Hướng Đông.

Trong biên chế của Tập đoàn quân Hướng Tây có Quân đoàn số 2 (Bộ tham mưu- tại Pinar- del Rio, gồm có các sư đoàn bộ binh số 24, số 27 và số 28), Sư đoàn bộ binh cơ giới số 76, Sư đoàn huấn luyện số 1 và Sư đoàn tăng thiết giáp số 78, các sư đoàn bộ binh dự bị số 72 và 79.

Tập đoàn quân Trung Tâm có: Quân đoàn số 4 (Las -Villas, gồm các sư đoàn bộ binh số 41, 43 và 48), các sư đoàn bộ binh số 81, 84 và 86, Trung đoàn bộ binh số 242 của Sư đoàn bộ binh 24, Trung đoàn tăng thiết giáp số 12 của Sư đoàn huấn luyện tăng thiết giáp số 1.

Tập đoàn quân Hướng Đông có: Quân đoàn bộ binh số 5 (Olgin – gồm Sư đoàn cơ giới số 50, các sư đoàn bộ binh số 52, 54 , 56 và 58), Quân đoàn bộ binh số 6 (Camaguyay với các Sư đoàn cơ giới số 60, các sư đoàn bộ binh 63, 65 và 69 ), các sư đoàn tăng thiết giáp số 3, số 6, số 8 , các sư đoàn bộ binh số 31,32 ,38 ,90 ,95 , 97 và 123, Lữ đoàn biên phòng Guantanamo và Trung đoàn bộ binh số 281 của Sư đoàn bộ binh số 28.

Trong trang bị của Lục quân có 65 tổ hợp phóng tiên lửa chiến thuật “Luna” đã rất lạc hậu. Về xe tăng: có khoảng 800 chiếc T-55 (còn 450 chiếc T-55 nữa đang được niêm cất), 400 tăng T-62, 60 xe tăng hạng nhẹ PT-76 và có thể còn có tới 51 tăng T-72.

Có không ít hơn 100 chiếc xe trinh sát- tác chiến bọc thép (đến 50 BRDM – 1 (BRDM – viết tắt tiếng Nga: tức xe trinh sát – tuần tiễu bọc thép), từ 50 đến 100 chiếc BRDM-2), 16 chiếc BMTV (- viết tắt tiếng Nga: tức xe chiến đấu mang vũ khí hạng nặng) BTR -100 (tức BTR – 60 nhưng lắp tháp pháo T-55), 16 xe chiến đấu mang vũ khí hạng nặng BTR-73 (tức xe BTR -60 mang tháp pháo xe BMP-1), từ 50 đến 60 BMP -1 ( BMP –từ này đã quen thuộc nhưng xin nhắc lại – xe chiến đấu bộ binh) , đến 100 BTR -60P ( BTR – cũng quen thuộc , nhưng vẫn xin nhắc lại – xe vận tải bọc thép), đến 100 BTR-40 , đến 150 BTR-152.

Lực lượng pháo binh của Lục quân Cuba có từ 20 đến 40 tổ hợp pháo tự hành 2S1 (122 ly), khoảng 40 tổ hợp 2S3 (152 ly), 8 tổ hợp pháo tự hành BMP -122 (lựu pháo D-30 trên khung gầm BMP-1), ít nhất 8 tổ hợp pháo tự hành bánh lốp với các pháo M-46 , A-19 và D-20. Số lượng pháo kéo vào khoảng 500 khẩu – khoảng 140 khẩu D-30 , đến 100 khẩu M-30 , khoảng 90 khẩu A-19, 190 khẩu M-46, đến 100 khẩu ML-20, đến 90 khẩu D-20, đến 50 khẩu D-1.

Như đã nói ngay ở phần đầu, một phần trong số các khẩu pháo kéo trên đã được cải hoán thành các tổ hợp pháo tự hành. Ngoài ra, Lục quân đội Cuba còn có khoảng gần 2.000 khẩu súng cối (82 ly và 120 ly), 178 tổ hợp pháo phản lực bắn dàn (phóng loạt) BM-21, và có thể , có một số lượng nhất định (không có số liệu chính xác) hệ thống pháo phản lực bắn dàn đã lạc hậu ( BM -14- 16, BM-24 , M-51 ). Trong trang bị còn có khoảng vài trăm tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai “Maliutka”, “Fagot” và khoảng 700 pháo chống tăng – khoảng 600 ZIS -2 và 100 tổ hợp tự hành SU-100.

Phòng không lục quân có 03 tiểu đoàn tên lửa phòng không “Kvadrat” (12 tổ hợp phóng), gần 120 tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần (60 tổ hợp “Strela -1”, 16 tổ hợp “Osa”, 42 tổ hợp “Strela-10”, hơn 200 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (60 “Strela-2” , 50 “Strela-3” , 120 “Igla-1”), khoảng 120 tổ hợp phòng không tự hành (23 tổ hợp ZSU -57-2, từ 36 đến 50 tổ hợp ZSU -23-4, không ít hơn 32 ZSU trên khung gầm BTR-60, trong đó có 16 BTR -60 mang tổ hợp ZU-23-2 và 16 chiếc mang pháo phòng không 61-K), có tới 900 khẩu pháo phòng không (khoảng 380 pháo ZU-23 , 280 pháo 61- K, 200 khẩu S-60).

Không thể xác định được số lượng chính xác số lượng các mẫu vũ khí như liệt kê ở trên còn có thể sử dụng được trong tác chiến.

Không quân: Vũ khí – đại bộ phận máy bay và trang bị kỹ thuật của Không quân Cuba đã lạc hậu. Về mặt cơ cấu tổ chức. Không phận Cuba được chia thành 3 vùng không phận, mỗi vùng không phận do một lữ đoàn không quân chịu trách nhiệm, cụ thể: (khu vực không phận) “Hướng Tây” do Lữ đoàn không quân số 2 đảm trách, (khu vực không phận) “Trung Tâm“ do Lữ đoàn không quân số 1chịu trách nhiệm và (khu vực không phận) “Hướng Đông“ – Lữ đoàn số 3.

Hiện nay, số máy bay còn có khả năng tác chiến của Không quân Cuba – chỉ không quá 40 chiếc máy bay tiêm kích, cụ thể: từ 02 đến 04 chiếc MiG-29 (còn 10 chiếc MiG-29 đang được bảo quản, niêm cất ), khoảng 20 chiếc MiG-23 , từ 06 đến 14 chiếc MiG-21, Không quân vận tải của Cuba gần như không còn hoạt động. Một (01) chiếc Yak -40, khoảng 10 chiếc An-2, khoảng 18 chiếc An-26 hiện đang được bảo quản.

 Trong biên chế Không quân Cuba vẫn còn một số chiếc máy bay huấn luyện do Tiệp Khắc (cũ) sản xuất, đó là: 08 chiếc Z-142, 27 chiếc L-39C.

Trong trang bị Không quân Cuba cũng có 4 chiếc máy bay lên thẳng chiến đấu Mi-35 (còn từ 8 chiếc Mi-36 và 11 chiếc M-25 đang được niêm cất). Các máy bay lên thẳng đa năng và vận tải có – đến 30 chiếc Mi-17 (còn khoảng 12 chiếc đang được bảo quản), 14 chiếc Mi-8, 05 chiếc Mi-14 đang bảo quản.

Lực lượng phòng không mặt đất có 42 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-75 ( < 144 tổ hợp phóng chuẩn, 24 tổ hợp phóng (cải tiến ) trên khung gầm tăng T-55), khoảng 28 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-125M ( > 60 tổ hợp phóng chuẩn, 36 tổ hợp phóng trên khung gầm T-55).

Trong những năm tới, có lẽ chỉ còn Mi-17 của Không quân Cuba là còn khả năng tác chiến, tất cả các máy bay còn lại nhiều khả năng sẽ được thanh lý.

Hải quân: Phần lớn những tàu chiến Xô Viết các loại của Hải quân Cuba hiện đã không còn khả năng hoạt động. Hạm đội tàu ngầm hiện nay có 4 chiếc tàu ngầm siêu nhỏ kiểu “Delphin” (phiên bản tàu ngầm cỡ nhỏ Bắc Triều Tiên), các tàu nổi lớn nhất hiện nay – 02 khinh hạm kiểu “Rio Damuji”. Đấy là các tàu đánh cá cũ của Tây Ban Nha được lắp các tên lửa chống hạm P-15U lấy từ các tàu tên lửa đã thanh lý và từ các tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 . Chiếc tàu chiến “thực sự” lớn nhất của Hải quân Cuba là tàu tuần tiễu dự án 1241 P.

Trong trang bị của Hải quân còn 6 tàu tên lửa cỡ nhỏ dự án 205U và các tàu tuần tiễu: 02 đến 03 chiếc dự án 205P và 18 đến 30 chiếc dự án 1400, 05 đến 08 tàu quét mìn (02- đến 03 chiếc dự án 1265, 03 đến 05 chiếc dự án 1258).

Có thể, tại các quân cảng còn có 3 chiếc tàu ngầm dự án 641, 01 khinh hạm dự án 1159, gần 12 tàu tên lửa và 09 tàu phóng lôi cỡ nhỏ, từ 01 đến 02 tàu quét mìn dự án 1265 và đến 07 tàu quét mìn dự án 1258, 01 đến 02 đổ bộ dự án 771, tuy nhiên, khó có thể xác định được là liệu có bao nhiêu chiếc trong số các tàu này có thể sử dụng được trong tác chiến nữa không.

Hải quân Cuba có lực lượng lính thủy đánh bộ gồm 2 tiểu đoàn. Lực lượng bảo vệ bảo vệ (phòng thủ) có tiềm lực tác chiến đáng kể. Trong biên chế của Lực lượng này có các tổ hợp tên lửa chống hạm P-15 (trong đó có cả các tổ hợp phóng kiểu tên lửa này tháo dỡ từ các tàu tên lửa cỡ nhỏ và lắp trên khung gầm T-55) và các kiểu pháo A-19, M-46, ML -20.

Kết luận của A.Khramchikhin: đối thủ tiềm tàng duy nhất của Cuba là Mỹ, các nước Châu Mỹ – Latinh khác không có đủ khả năng, lẫn ý định khởi động một cuộc chiến tranh chống quốc đảo này. Dĩ nhiên, không thể so sánh tiềm lực quân sự của Mỹ và Cuba.

Mặc dù vậy, ngay cả Mỹ cũng phải rất cân nhắc khi có ý định triển khai một chiến dịch can thiệp quân sự tại Cuba vì những lý do như: đặc điểm địa lý của quốc đảo, trình độ huấn luyện tác chiến và tinh thần chiến đấu cao của sỹ quan và binh sỹ Quân đội Cuba. Nhiều khả năng hơn cả, Washington chỉ tiến hành một chiến dịch can thiệp quân sự khi tại Cuba xảy ra tình trạng mất ổn định chính trị nghiêm trọng.

Khả năng khôi phục lại tiềm năng quân sự như trước đây của Cuba trong tương lai gần là không nhiều. Dĩ nhiên, Nga có thể cung cấp vũ khí – trang thiết bị kỹ thuật quân sự hiện đại cho Cuba, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chắc chắn Nga chưa sẵn sàng làm điều đó một cách miễn phí, hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế của nước này đang khó khăn như hiện nay.

Một thực tế nữa -, quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã bắt đầu ấm lên, (A.Khramchikhin đưa ra nhận xét này vào tháng 7/2016 , khi D.Trump chưa đắc cử tổng thống Mỹ) dù mới chỉ ở mức độ hạn chế nhưng cũng là một lý do để Cuba không nhất thiết dành sự ưu tiên đặc biệt nào từ ngân sách hạn hẹp của để tái trang bị các lực lượng vũ trang.

RELATED ARTICLES

Tin mới